Chê và phạt thời mạng xã hội

(PLO) - Năm 2015, ở một tỉnh phía Nam từng xảy ra câu chuyện một cô giáo, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn một trường phổ thông đọc báo và thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch” liền đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch”.
Chê và phạt thời mạng xã hội

Sau khi cô giáo đưa nội dung trên lên Facebook, có nhiều người vào bình luận tỏ ý đồng thuận, trong đó có một nhân viên điện lực tỉnh. Hậu quả là cô giáo và ông nhân viên điện lực mỗi người bị phạt 5 triệu đồng. Cô giáo còn bị trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên chức, nhân viên điện lực bị cơ quan xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty.

Câu chuyện tưởng được được rút “kinh nghiệm sâu sắc”. Không ngờ gần đây chuyện tương tự lại xảy ra, ầm ỹ trên báo chí và mạng xã hội.

Đó là chuyện bác sỹ Hoàng Công Truyện (53 tuổi), Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế nhận kỷ luật khiển trách và xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì được cho rằng đã bôi nhọ Bộ trưởng Y tế trên Facebook. Chuyện bắt đầu ngày 14/7, trên Facebook cá nhân, bác sỹ này viết rằng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y, bác sĩ tuyến dưới, yếu kém trong công tác tham mưu và vấn đề an ninh bệnh viện... và khuyên Bộ trưởng nên nghỉ.

Những cái “đầu nóng” suy diễn ngay, cho rằng đó là “hành vi bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác trên mạng xã hội” và “án phạt” đã xảy ra.

Cha ông dạy “Nhân vô thập toàn”, “Ngọc còn có vết”, lãnh đạo cũng là người nên không thể không có khuyết điểm, nhất là họ đang chịu trách nhiệm lĩnh vực liên quan thiết thực đến đời sống của dân, dễ bị “soi”. Đó là quy luật. Khen chê, góp ý của dân là quy luật. Thời đại của mạng xã hội, nên việc dân bày tỏ trên Facebook cũng là quy luật.

Khen, chê đúng sẽ làm cho người khác nhận ra được những ưu điểm hoặc nhược điểm trong công việc và đời sống của họ, từ đó giúp họ sửa chữa, điều chỉnh hoặc phát huy những ưu, nhược điểm ấy một cách đúng đắn. Người biết khen, chê đúng là những người hiểu biết sâu sắc và có nhận thức đúng đắn về đối tượng, thực sự có thiện chí muốn giúp đỡ người khác hạn chế những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm để sống và làm việc tốt hơn.

Người biết khen, chê đúng thường là những người đáng tin cậy. Do vậy, “nổi khùng” lên khi thấy bị chê là điều đáng tiếc.

Tuân Tử - một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc từng nói: “Người chê mình mà chê phải, ấy là thầy của mình; người khen mình mà khen đúng, ấy là bạn của mình. Còn người nào nịnh bợ mình ấy là kẻ thù làm hại mình đó”. Câu nói của Tuân Tử, từ xưa đến nay, vẫn luôn là bài học sâu sắc và đáng ghi nhớ cho tất cả mọi người trong cuộc sống. 

Luôn tỉnh táo để phân biệt được đâu là góp ý thành tâm, ngay cả góp ý trên mạng xã hội để có thể hoàn thiện bản thân mình, đó mới là trân quý.

Đọc thêm