Quảng Ngãi còn 466 tàu cá “hai không”
Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 5.274 tàu cá, trong đó 3.354 tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu từ 15 CV trở lên). Đáng nói, 1.782 tàu cá không đảm bảo giấy tờ, trong đó 1.316 tàu hết hạn đăng kiểm.
Theo Chi cục Thủy sản, các tàu hết hạn đăng kiểm do phương tiện bị hư hỏng, nằm bờ (500 chiếc do hoạt động kém hiệu quả, 200 chiếc hành nghề lưới kéo bị cấm), ngư dân chuyển nghề đi làm ăn xa, hoặc tàu cá được mua đi bán lại nhiều lần... Ngoài ra, nhiều tàu đăng kiểm tàu ở các tỉnh, thành khác nhưng không thông báo với địa phương.
Quảng Ngãi còn có 466 chiếc tàu “hai không”: Không có giấy chứng nhận khai thác thủy sản (KTTS) và không đăng ký đăng kiểm. Những tàu này thuộc diện hoán cải từ phương tiện thuỷ nội địa tự phát, đóng mới hoặc mua lại. Phần lớn các tàu “hai không” này khai thác hải sản gần bờ, ngư lưới cụ không đảm bảo quy định, ngư dân thường cố tình “né” thủ tục.
Theo ông Hồ Trọng Phương, PGĐ Sở NN& PTNN tỉnh, ngoài những vướng mắc trên, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, một số ngư dân còn đối phó khi lắp đặt nhưng ngắt kết nối.
Ông Phương cũng cho hay cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá ở Quảng Ngãi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cảng cá loại II, đầu tư chưa đồng bộ. Chưa bố trí đủ nguồn lực (trang thiết bị, phương tiện, con người, kinh phí) cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Với công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng theo yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi, tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Cơ chế kiểm soát hiện nay chưa đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của một phần sản phẩm chế biến ở Việt Nam, không kiểm soát được nguồn nguyên liệu ở các nhà máy chế biến…
Nguồn lợi thủy sản vùng biển trong tỉnh ngày càng suy giảm nghiêm trọng, trong khi số lượng tàu cá quá nhiều, cơ cấu nghề không hợp lý (tỷ lệ nghề lưới kéo quá cao), thường xuyên hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, nhiều năm liền không về. Địa phương mới quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác chứ chưa quản lý hạn ngạch sản lượng khai thác.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị với Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và đầu tư mới. Đồng thời đề nghị sớm công bố ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam để ngư dân biết, không vi phạm và để các cơ quan chức năng làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm.
Quảng Nam khó truy xuất nguồn gốc thủy sản
Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có khoảng trên 3.000 tàu cá hoạt động, trong đó 745 tàu có chiều dài trên 15m.
Ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN&PTNT, cho biết các khu neo đậu tập trung cho tàu thuyền vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Đa số tàu neo đậu tại các bãi đậu truyền thống, nhỏ lẻ, thường rất cạn, chỉ đáp ứng được cho các tàu thuyền có công suất nhỏ ra vào. Khi số lượng tàu công suất lớn ngày một tăng lên, dẫn đến việc sử dụng các bãi neo đậu truyền thống không còn phù hợp.
Tại vùng neo đậu An Hòa, xuất hiện nhiều bất cập như luồng lạch bồi lắng, cạn dần, tàu công suất lớn không thể ra vào. Các trụ neo quá gần, tàu cá dễ bị va đập khi neo đậu… Bên cạnh đó, các cảng cá, bến cá tại địa phương chưa đáp ứng điều kiện về kho bãi, cơ giới hóa, nhà phân loại, các dịch vụ hậu cần như nước đá, dầu… Do cảng cá tại Quảng Nam thường ở địa điểm cách xa cửa biển và hạ tầng giao thông khó khăn, không có cơ sở thu mua thủy sản tươi, dẫn đến lượng tàu thuyền về cập cảng ít.
Ông Tấn khẳng định thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, đặc biệt kiểm soát tàu ra vào cảng và truy xuất nguồn gốc thủy hải sản. Tỉnh chỉ có một cảng cá loại 2 chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản nhưng nằm sâu trong đất liền nên chỉ có tàu câu mực xà và chụp mực cập bến. Hơn nữa, ngư dân có thói quen bán sản phẩm tại các nậu, vựa vùng gần cửa biển, bãi ngang, bến cá… nên việc kiểm tra, giám sát sản lượng tại cảng cá An Hòa chưa được nhiều.
UBND tỉnh đã giao BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT hoàn thiện thiết kế dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão An Hòa trình thẩm định, phê duyệt. Dự án triển khai vào quý IV năm 2020 với tổng kinh phí hơn 98 tỷ từ ngân sách tỉnh, xây dựng hai đê chắn sóng trước luồng ra vào khu neo đậu tổng chiều dài 600m, đáp ứng cho 600 tàu thuyền neo đậu.
Đà Nẵng gặp khó vì nhiều tàu tỉnh bạn ra vào
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Khai thác dịch vụ, BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, Thọ Quang là một trong 6 cảng cá lớn của cả nước, với 70-80% tàu các tỉnh bạn. Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 lượt tàu vào cảng, đưa lên bờ khoảng 110.000 tấn thủy sản.
Tháng 11/2017, EU bắt đầu rút thẻ vàng cảnh cáo với thủy sản từ Việt Nam, và việc nhiều tàu tỉnh bạn ra vào cảng cá đã gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát.
Đà Nẵng sau đó ban hành khung giá dịch vụ sử dụng cảng cá, nên đã có thể nắm được số phương tiện ở mức khai báo thông tin. Giai đoạn đầu áp dụng khuyến nghị của EC, BQL chủ yếu nhắc nhở ngư dân về việc không ghi, nộp nhật ký khai thác và báo Trạm Biên phòng Mân Quang.
Bắt đầu từ 1/4/2019, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được gắn thiết bị giám sát hành trình và từ ngày 1/7/2019 áp dụng thiết bị giám sát hành trình với tàu dài 24m. Từ đó Đà Nẵng mới triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này.
Đà Nẵng hiện có hơn 520 tàu cá xa bờ. Năm 2019, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn giai đoạn 2019-2025.
Các chủ tàu cá khai thác thủy sản hoặc hậu cần có công suất từ 90CV trở lên được hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (ngoài mức hỗ trợ 50% theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ); hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài 15m trở lên; hỗ trợ 50% kinh phí với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/tàu để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm...
Dự kiến đến năm 2025, Đà Nẵng có khoảng 700 tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với tổng kinh phí hỗ trợ đến 64,66 tỷ; hỗ trợ 550 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng kinh phí 30,8 tỷ; hỗ trợ 140 tàu mua máy móc, lắp đặt thiết bị bảo quản sản phẩm… với tổng kinh phí hỗ trợ 70 tỷ đồng.