Nỗ lực phi thường của 'nữ giám đốc 88cm' nhận giải Kovalevskaia

(PLO) - Dù chỉ cao 88cm nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa) đã nghị lực vượt qua khó khăn, vượt lên số phận và vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia vào ngày 2/12 tới đây.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền

Chị Hiền chia sẻ với báo giới, sinh ra vốn lành lặn, nhưng do mắc căn bệnh yếu xương, nên cơ thể chị không cao hơn và cũng không nặng thêm, đôi chân cứ mềm nhũn, không tự đi và đứng được. Bố mẹ đưa chị đi khám và điều trị khắp nơi, nhưng không chữa được. Gia đình xác định không đầu hàng số phận. Hằng ngày, bố mẹ tranh thủ thời gian rảnh rỗi thay nhau tập vận động cho con mình. Đến 5 tuổi, chị mới chập chững những bước đi đầu tiên. 

"Mẹ bảo, từ nhỏ tôi đã một cô bé cá tính, nên khi tự đứng và đi bằng đôi chân của chính mình, tôi lại khát khao được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Cũng có lúc yếu đuối, khóc thầm vì bạn bè trêu chọc ác ý. Nhưng gia đình đã luôn ở bên động viên, khích lệ, đồng thời luôn khuyên dạy tôi không được phép đầu hàng số phận", chị Hiền bộc bạch.

12 năm học phổ thông chị luôn là học sinh khá, giỏi, đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và tỉnh Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội liên kết tại Thanh Hóa và Đại học Tài chính kế toán của Trường Đại học Vinh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp tư nhân là bạn của bố mẹ để tập sự làm kê khai báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo tài chính tổng hợp, qua đó học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Sau một thời gian tập sự, chị nhận chứng từ về nhà làm.

Có bằng cấp, kinh nghiệm và sự giúp đỡ của gia đình, năm 2010, chị thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri, và trở thành Giám đốc.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền còn đảm nhiệm Thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên và Sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa.

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.

Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh Thanh Hóa có 217.000 người khuyết tật và 21.600 trẻ mồ côi. Đặc biệt, có hàng ngàn gia đình có từ 2 đến 5 người khuyết tật, hàng vạn người khuyết tật bị từ 2 đến 3 dạng tật.

 Trong số 217.000 tại Thanh Hóa người khuyết tật có 30% trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em thiểu năng trí tuệ, bại liệt, tự kỷ, nhiều em chưa có cơ hội cắp sách đến trường; cuộc sống của các em đặc biệt khó khăn, thiếu một mái ấm gia đình, thiếu tình yêu thương của cha mẹ, người thân, các quyền cơ bản của trẻ em chưa được bảo đảm vững chắc.

"Họ gặp nhiều khó khăn, cản trở trong cuộc sống, rất cần sự trợ giúp tích cực từ gia đình, cộng đồng, xã hội và Nhà nước", Chủ tịch Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa nói.

Đọc thêm