Nỗ lực xây dựng điểm đến đạt chuẩn du lịch ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN là giải pháp cần thiết nhằm chuẩn hóa dịch vụ du lịch trong khu vực, góp phần đưa ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng. Việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn này sẽ góp phần giúp các cơ sở du lịch Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, có cơ hội tiếp cận những giải thưởng du lịch uy tín quốc tế để nâng tầm thương hiệu.
Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế nhiều lần được vinh danh trong các giải thưởng ASEAN.
Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế nhiều lần được vinh danh trong các giải thưởng ASEAN.

Tăng cường năng lực cạnh tranh

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016 - 2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành “điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong toàn khu vực”. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng và công bố các Bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN là tài liệu hướng dẫn thống nhất thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch trong khu vực.

Đến nay, đã có các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN về: Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Khách sạn xanh, Nhà ở có phòng cho thuê, Địa điểm tổ chức MICE, Nhà vệ sinh công cộng, Dịch vụ spa, Du lịch bền vững. Các tiêu chuẩn này là nguồn tham chiếu quan trọng để ngành Du lịch Việt Nam có thể tiệm cận với tiêu chuẩn chất lượng của ngành du lịch quốc tế.

Đơn cử, “Tiêu chuẩn Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê của ASEAN” được xây dựng nhằm xác định những tiêu chuẩn toàn diện về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, tập trung vào 09 nhóm tiêu chí. Đó là chủ nhà, cơ sở lưu trú, các hoạt động, quản lý, vị trí, vệ sinh và mức độ sạch sẽ, an toàn và an ninh, marketing và các nguyên tắc bền vững.

Còn mục đích của “Tiêu chuẩn Nhà vệ sinh công cộng ASEAN” là đảm bảo chất lượng, thoải mái, an toàn và sự quản lý chất thải thích hợp của nhà vệ sinh công cộng nói chung tại các khu du lịch trong khu vực ASEAN. Cụ thể, bốn tiêu chuẩn chính bao gồm: Thiết kế & Hệ thống quản lý môi trường, Tiện nghi & cơ sở vật chất, Sạch sẽ, và An toàn.

Đáng nói, một trong những ngành công nghiệp không khói phát triển nổi bật trong 20 năm qua là ngành công nghiệp spa. Ước tính, ngành này tăng trưởng 20% hàng năm ở một số quốc gia và trở thành ngành công nghiệp nổi bật trong ngành du lịch của nhiều quốc gia thành viên ASEAN. Bởi vậy, cũng có riêng “Tiêu chuẩn Dịch vụ spa ASEAN” trong bối cảnh nhiều trung tâm spa trên thế giới tìm đến châu Á để lấy cảm hứng. Nhiều liệu pháp truyền thống và văn hóa hiện đang bị lạm dụng hoặc đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn khi chúng được thực hiện sai cách hoặc thiếu tôn trọng, thậm chí có khả năng gây hại.

Xây dựng thêm điểm đến đạt chuẩn ASEAN

Với ngành Du lịch Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định: “Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, việc rà soát và triển khai áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực và quốc tế. Qua đó khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đặc biệt, các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ có cơ hội đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN - giải thưởng uy tín trong khu vực nhằm tôn vinh các đơn vị xuất sắc trong ngành Du lịch, được trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) tổ chức hàng năm”.

Một ví dụ điển hình là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong những năm qua, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã vận động và hướng dẫn cho hàng chục đơn vị, điểm đến trên địa bàn lập và gửi hồ sơ đăng ký một số hạng mục giải thưởng. Theo đó, ngành Du lịch tỉnh đã dành được những hạng mục uy tín trong giải thưởng Du lịch ASEAN như: Giải thưởng “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN (Năm 2017); Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN và Thành phố du lịch sạch ASEAN (năm 2018); Giải thưởng Du lịch sạch ASEAN (năm 2020); Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN, Giải thưởng Địa điểm tổ chức MICE ASEAN và Giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN (Năm 2022).

Những giải thưởng này là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung. Đồng thời, thông qua đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam cũng được quảng bá rộng rãi tới bạn bè quốc tế trong khu vực ASEAN và các khu vực khác.

Chuyển đổi số gắn với hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong thời gian tới. Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng một website riêng tích hợp các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện và quy trình đánh giá Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để tạo thuận lợi cho việc triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở các nhà quản lý, các cơ sở kinh doanh du lịch cần chủ động tìm hiểu, học hỏi và hành động, nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn này.

Đọc thêm