Sau khi Báo đăng, đại diện Venesa đã có văn bản cho rằng làm đúng pháp luật. Việc khách mua mỹ phẩm đều hoàn toàn tự nguyện sau khi được tư vấn. Theo đại diện Venesa “trung tâm luôn ưu tiên thu hút khách hàng mới. Có thể do khách hàng quá tải nên trung tâm ưu tiên chăm sóc khách hàng cũ và sắp xếp cho các khách hàng mới ở khung giờ khác”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, Venesa rất hạn chế trong việc nhận khách trực tiếp đến các trung tâm. Đặc biệt, khi PV trong vai khách hàng đến làm đẹp tại Venesa Cần Thơ thì đúng như phản ánh, bị bảo vệ và nhân viên ngăn lại, từ chối nhận khách với lý do “không đặt lịch trước. Ở đây là Viện điều trị chứ không phải Spa chăm sóc da bình thường nên không nhận khách lạ, chỉ có khách đã hẹn trước”.
Việc yêu cầu khách hàng mang theo CMND khi làm đẹp được Venesa lý giải là để “xác minh thông tin khách hàng thuộc diện được hưởng buổi trải nghiệm miễn phí hay không. Đây là việc cần thiết để tránh nhầm lẫn giúp Venesa quản lý thông tin và hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng”. Tuy nhiên, lý do này khó thuyết phục vì tại sao cứ phải là CMND mà không là những giấy tờ có hình khác thay thế. Phải chăng có CMND mới đủ điều kiện để làm các hợp đồng vay tín dụng mua sản phẩm?
Theo đại diện Venesa, “mọi thông tin về dịch vụ trải nghiệm và sản phẩm, cũng như các hình thức và quy trình thanh toán trả góp đều được giải thích và tư vấn rõ ràng. Quyết định mua hàng và sử dụng hình thức mua hàng trả góp dựa trên sự tự nguyện sau quá trình tư vấn”.
Trên thực tế, một khách hàng chia sẻ: “Tôi có đến chăm sóc da, họ dọa da tôi hư tổn nặng đừng dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, gạt mua bộ mỹ phẩm 40 triệu cộng massage miễn phí chia trả từng đợt khi đồng ý vay ngân hàng. Tôi không đồng ý vì thấy hơi vô lý thì họ trở mặt”.
Một khách hàng khác chia sẻ: “Tôi đến Venesa tại Cần Thơ để xin phỏng vấn thì thấy có 2 vợ chồng đang khóc lóc tại lễ tân. Chị vợ năn nỉ cho xin trả lại bộ mỹ phẩm nhưng Venesa không đồng ý, nài nỉ không được chị để đại luôn bộ mỹ phẫm trên bàn và bỏ chạy thì nhân viên Venesa rượt theo đưa lại. Theo tìm hiểu thêm thì gia đình chị này rất khó khăn, do nhận được 1 voucher cấy tảo miễn phí nên đã đi “trải nghiệm” sau đó mang về bộ sản phẩm. Khi đến nhà nhận điện thoại từ phía ngân hàng thì mới hay mình mang nợ”.
Theo hồ sơ pháp lý, Venesa tại Cần Thơ đăng ký với tên gọi Trung tâm Venesa Lý Tự Trọng và đăng ký 41 ngành nghề kinh doanh như: dịch vụ chăm sóc da mặt (không xâm lấn, không can thiệp dao kéo), thẩm mỹ không dùng phẫu thuật, bán thực phẩm… trong đó ngành kinh doanh chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Chi tiết là bán lẻ nước hoa, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.
Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề Y – Dược (Sở Y tế), cho biết cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có hai loại: Loại cần và loại không cần giấy phép hoạt động. Không cần giấy phép hoạt động với những cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Nhưng các cơ sở này phải nộp hồ sơ qua Sở và Sở sẽ công bố trên Cổng thông tin. Còn trường hợp các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể thì phải có giấy phép.
Theo bà Hiên, nếu Venesa chỉ hoạt động chăm sóc da mà không thực hiện phun, xăm thì không thuộc hai loại trên và Sở Y tế không quản lý. Trung tâm này chỉ cần có giấy phép của Sở KH&ĐT thì được hoạt động. Còn việc Venesa đăng ký với Sở KH&ĐT bán lẻ nước hoa mỹ phẩm như trong giấy phép thì thuộc quản lý của Sở Công thương.
Ông Trần Lê Bình, PGĐ Sở Công Thương Cần Thơ lại cho rằng Sở quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, hóa chất là chính. “Qua thông tin báo PLVN phản ánh, Sở Công Thương đã chủ động mời Công an kinh tế, Công an quận Ninh Kiều, Sở Y tế, Sở LĐTB&XH họp thống nhất ý kiến về vấn đề này để có hướng xử lý kịp thời”.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.