Nội các Hà Lan mất 2 nữ Bộ trưởng vì khủng hoảng Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag tuyên bố từ chức hôm thứ Năm sau khi đa số Quốc hội Hà Lan cho rằng bà đã xử lý sai cuộc khủng hoảng sơ tán ở Afghanistan, một quan chức báo chí của Bộ Ngoại giao Hà Lan nói với CNN.
Người Afghanistan tập trung bên ngoài sân bay ở Kabul vào ngày 20/8/2021, với hy vọng sơ tán sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ảnh: Reuters
Người Afghanistan tập trung bên ngoài sân bay ở Kabul vào ngày 20/8/2021, với hy vọng sơ tán sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ảnh: Reuters

Hàng chục nghìn người nước ngoài và người Afghanistan liên kết với các tổ chức quốc tế đã được vận chuyển bằng máy bay ra khỏi Kabul vào tháng trước, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước vào ngày 15/8. Nhưng nhiều người dễ bị tổn thương khác đã bị bỏ lại trong quá trình di tản hỗn loạn, khiến những lời chỉ trích rằng các cường quốc phương Tây đã làm thất vọng nhiều người trong số những người đã làm việc với họ trong hai thập kỷ qua.

Theo Bộ Ngoại giao Hà Lan được CNN dẫn lại, một cuộc tranh luận đã diễn ra tại Quốc hội Hà Lan hôm thứ Tư về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan và các nỗ lực sơ tán và chỉ định Ngoại trưởng Sigrid Kaag là người chịu trách nhiệm cuối cùng về những thất bại trong việc sơ tán.

Quốc hội cũng đã thông qua một đề nghị đánh giá toàn bộ Nội các về sứ mệnh sơ tán ở Kabul. Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, bà Kaag tuyên bố từ chức và ám chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cũng nên từ chức.

"Những động thái như vậy không đòi hỏi phải từ chức ngay lập tức, đó là quyết định từ chức của chính bà Sigrid Kaag", nhân viên báo chí nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Sigrid Kaag phát biểu trước báo giới sau khi bà từ chức tại Hạ viện ở La Hay vào ngày 16/9/2021. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Sigrid Kaag phát biểu trước báo giới sau khi bà từ chức tại Hạ viện ở La Hay vào ngày 16/9/2021. Ảnh: CNN

Trong một tuyên bố, bà Kaag viết rằng, bà nhận trách nhiệm về những gì đã xảy ra ở Kabul trong công cuộc sơ tán.

"Quốc hội nhận thấy rằng chính phủ đã hành động vô trách nhiệm. Mặc dù tôi luôn nỗ lực, với tư cách là Bộ trưởng chịu trách nhiệm cuối cùng, tôi không thể không chấp nhận hậu quả của phát hiện này. Theo cách hiểu của tôi về nền dân chủ và văn hóa của Chính phủ chúng ta, một bộ trưởng cần phải từ chức khi các chính sách của họ không hiệu quả", bà nói.

"Những nỗ lực của chúng tôi ở Afghanistan sẽ tiếp tục mà không có tôi. Tôi tin rằng các nhân viên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục công việc xuất sắc của họ", nữ Ngoại trưởng Hà Lan nói thêm khi tuyên bố từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld sau khi tuyên bố từ chức tại Quốc hội ngày 17/9. Ảnh: AFP/ANP/Bart Maat

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld sau khi tuyên bố từ chức tại Quốc hội ngày 17/9. Ảnh: AFP/ANP/Bart Maat

Một ngày sau khi Ngoại trưởng Hà Lan từ chức do liên quan đến trách nhiệm giám sát cuộc di tản ở Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld đã tuyên bố từ chức hôm thứ Sáu sau một cuộc bỏ phiếu của quốc hội đánh giá hành động của nội các về các cuộc di tản này, hãng tin RT đưa tin.

Bà Ank Bijleveld nói rằng những lời chỉ trích mà bà phải đối mặt sẽ cản trở nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong việc trục xuất những người còn mắc kẹt ở Afghanistan.

“Tôi muốn tiếp tục hoàn thành ... sứ mệnh đưa những người phiên dịch vẫn ở Afghanistan và những người đang trông cậy vào chúng tôi, đến nơi an toàn,” Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan nói. “Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng thời gian tại nhiệm của tôi đã trở thành chủ đề bàn tán. Kết quả là, tôi không còn có thể chịu trách nhiệm với những người của mình một cách tốt đẹp… Tôi không muốn tôi cản trở công việc quan trọng của họ (Bộ Quốc phòng)”.

Sau khi đề nghị từ chức được thông qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho biết ưu tiên của bà là "vẫn đưa những người phiên dịch vẫn ở Afghanistan đến nơi an toàn", bất kể những lời chỉ trích của các nhà lập pháp.

Theo CNN, hàng trăm công dân Hà Lan, nhiều người gốc Afghanistan và một số lượng không xác định người Afghanistan có công việc khiến họ gặp rủi ro đã không thể đến sân bay để được bay đến nơi an toàn và bị bỏ lại Kabul.

Theo báo cáo, trong hơn hai tuần vào tháng 8, Hà Lan đã đưa khoảng 2.100 người từ Afghanistan ra khỏi đó, còn lại khoảng 1.700 người ở trong nước.

Đọc thêm