Nỗi sợ của nhiều du khách
Anh Tiến Cường, hướng dẫn viên du lịch kể lại: “Tháng 10 vừa qua, tôi dẫn đoàn khách tham quan một số điểm du lịch Hà Nội. Bất chợt, một du khách nước Pháp kêu lên sợ hãi, hoảng hốt khi thấy một quán thịt chó treo lủng lẳng đầu chó. Du khách khóc và đòi về khách sạn không muốn tiếp tục cuộc hành trình khám phá Hà Nội”.
Du khách đó nói không hiểu sao Việt Nam đã mở cửa với các quốc gia trên thế giới, với nhiều tinh hoa công nghệ vẫn tiếp tục giết chó, mèo - những vật nuôi thông minh, nhạy cảm và hữu ích với con người và sợ hãi khi tưởng tượng cảnh những chú chó thân thiết của mình bị đặt lên mâm.
Với nền văn hóa khác nhau cùng cách nhìn khác nhau, thịt chó là món ăn đáng sợ nhất của nhiều du khách phương Tây khi đến Việt Nam.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại và hơn 10 triệu người cần tiêm vaccine phòng bệnh dại. Nguy cơ mắc bệnh dại một phần liên quan trực tiếp đến việc buôn bán, giết mổ chó, mèo. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại và khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn cần điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí ước tính lên đến hơn 300 tỷ đồng/năm. Các chuyên gia khuyến cáo, từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo để tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (dại, xoắn khuẩn, tả...) cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho du khách và người dân.
Cách đây 1 năm, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã cam kết với Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) không tiêu thụ thịt chó, mèo nhằm hướng đến bảo vệ động vật và sức khỏe cộng đồng; đồng thời, xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt các loài trên.
Trên nhiều diễn đàn du lịch, du khách quốc tế ủng hộ cam kết từ Hội An. Nhiều du khách cho biết, họ "chấm 10 điểm" cho thành phố này và cam kết trên là một trong những lý do khiến họ muốn tới du lịch Hội An.
Vì phúc lợi động vật và du lịch thân thiện
Ngày 8/12/2022, tại Hà Nội, FOUR PAWS tổ chức đối thoại với các bên hữu quan để trao đổi và thảo luận về các tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khỏe cộng đồng, phúc lợi động vật và ngành du lịch.
Đối thoại có sự tham gia của đại diện đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); UBND TP Hội An; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh; Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; Mạng lưới chương trình Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp cho sự phát triển quốc tế; Tổ chức động vật châu Á; Tổ chức Soi Dog International;…
Các bài tham luận chỉ ra những tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khỏe cộng đồng và ngành du lịch, cũng như những hoạt động ở cấp địa phương và khu vực phản đối vấn nạn buôn bán này.
Các đại biểu tham dự cũng hoan nghênh những nỗ lực của TP Hội An và TP Hà Nội trong việc quyết tâm ngăn chặn các rủi ro đến từ vấn nạn này, đồng thời khuyến khích các thành phố và tỉnh, thành khác của Việt Nam cũng nên đưa ra những quyết định tương tự.
Bác sỹ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS cho biết: “Các bên hữu quan cũng chỉ ra việc buôn bán thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình là sự liên quan trực tiếp và gián tiếp với bệnh dại. Nhiều công ty lữ hành và khách du lịch đã bày tỏ quan điểm phản đối hoạt động buôn bán này. Đã đến lúc cần phải hành động, FOUR PAWS cùng với các đối tác đã sẵn sàng chung tay đối phó với những hiểm họa đe dọa sức khỏe cộng đồng và phúc lợi động vật”.
GS.TS Đậu Ngọc Hào - Hội Thú y Việt Nam nhận định: “Với những thông tin được ghi nhận, việc buôn bán thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, ít lợi ích. Cần phải có những bước đi tiếp theo để đề ra giải pháp đối với thực trạng này. Cuộc đối thoại này là một bước tiến lớn hướng đến tương lai và điều quan trọng là tất cả chúng ta cần chung tay hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng của không chỉ người dân Việt Nam mà còn là toàn cầu, trước nguy cơ mà vấn nạn buôn bán này gây ra”.
Bà Phan Thanh Dung, Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS cho biết thêm: “Chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ phía người dân yêu cầu hành động, cùng với hàng chục ngàn lá thư tâm huyết được gửi đến Chính phủ với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán này. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó, mèo của chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt. Điều này minh chứng rằng đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo”.
Theo một cuộc khảo sát của FOUR PAWS vào năm 2021, đa số người dân mong muốn Chính phủ cùng chung tay hành động chấm dứt vấn nạn giết mổ, buôn bán và tiêu thụ chó, mèo. Trong đó, có tới 91% người tham gia khảo sát cho rằng nên đưa ra khuyến nghị cấm hoặc không khuyến khích việc buôn bán thịt chó, mèo và 88% người ủng hộ việc cấm nạn buôn bán này.
Hiện tại, FOUR PAWS đang hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo thành phố Hội An để giúp đẩy mạnh tiến độ giải quyết triệt để vấn đề tiêu thụ thịt chó, mèo; đồng thời đã phát động một chiến dịch khách du lịch viết thư gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, bày tỏ mối quan ngại về việc tiêu thụ chó, mèo. Đây là những sự ủng hộ mạnh mẽ để tiến tới chấm dứt vấn nạn này vì lợi ích của ngành du lịch và sự phát triển của xã hội.