“Đến Hà Nội phải mang theo bỉm!”
Đó là sự đúc kết nghe vừa hài vừa bi của một du khách người Pháp gốc Việt. Số là, tháng 5 vừa qua, sau 20 năm xa cách Thủ đô, anh Nicolas Toàn đã mời bạn bè mình về Việt Nam và đi tham quan Hà Nội trong 4 ngày. 4 ngày đó là chuỗi ngày cực hình của anh và bạn bè. Lý do duy nhất đó là anh rất sợ phải vào nhà vệ sinh (NVS) công cộng trong mỗi lần có nhu cầu khi đi dạo phố.
Một lần đoàn anh đi ngắm cảnh đường phố, thấy có NVS công cộng ở quận Hai Bà Trưng, mọi người liền dừng lại. Sau khi trả tiền phí vệ sinh 15 nghìn đồng cho 5 người, anh là người tiên phong bước vào. Sau khi mở cánh cửa sắt hoen gỉ, cảnh tượng đập vào mắt Nicolas khiến anh muốn té xỉu. Buồng toalet chỉ chừng 1m, tối tăm, nhầy nhụa nước. Xí bệt cáu bẩn vàng ố, loang lổ những chất thải như hàng tháng không được quét dọn.
Bồn rửa tay cũng cùng số phận biến từ màu xanh sang ố vàng. Chiếc vòi nước bị gẫy hỏng từ bao giờ. Giấy vệ sinh đã sử dụng nằm lăn lóc dưới sàn bốc mùi xú uế. Quá kinh hoàng, anh vội nín nhịn quay ra xua tay bảo mọi người nhanh chóng tránh xa, “bỏ của chạy lấy người”. Người phụ nữ trông coi NVS kiêm bán nước bên ngoài điềm nhiên đếm trả lại 15 nghìn đồng như không có chuyện gì xảy ra.
Đoàn của anh Nicolas Toàn là một trong nhiều đoàn khách tới Thủ đô phải “trốn chạy” toalet. Sự ám ảnh NVS bẩn thỉu nhiều đến mức khiến không ít du khách phải rùng mình thậm chí còn bỏ ăn mấy ngày khi đi du lịch Hà Nội. Hai bà Tây cứ mỗi lần ăn lại bị nôn ọe. Sợ thức ăn không hợp khẩu vị, người hướng dẫn viên liền đổi món khác, nhưng rồi điệp khúc nôn ọe cứ lặp lại. Sau mới vỡ lẽ, không phải hai bà Tây này chê món ăn Việt mà mỗi lần chuẩn bị ăn, nhớ tới hình ảnh NVS công cộng khiến họ nuốt không trôi. Để cầm hơi, hai bà Tây đành uống sữa mà mình mang đi dự phòng. Tất nhiên, bụng luôn lép kẹp, họ chẳng còn thiết tha, hứng thú hay đủ sức đi thăm thú danh lam, thắng cảnh của mảnh đất ngàn năm văn hiến nữa.
“Cam dai bay” là điểm du lịch nào mà giới thiệu nhiều thế?
NVS đã bẩn thỉu lại còn thiếu. Ở các tuyến phố thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Gia Lâm… NVS công cộng thuộc dạng quý hiếm. Đến dân địa phương khi có nhu cầu còn chẳng biết đâu mà lần nói gì đến những du khách. Rất nhiều người dân Thủ đô đã dùng chiêu “muốn đâu, dừng đó”. Thế mới có chuyện rất nhiều du khách mắt tròn, mắt dẹt khi chứng kiến cảnh người dân, người đứng, kẻ ngồi “giải quyết” trong lùm cây hoặc ven đường ở ngay giữa Thủ đô và có những con phố cắm đến hàng chục tấm biển “Cam dai bay”.
Không ít khách du lịch nước ngoài đến Thủ đô Hà Nội thắc mắc về cái tấm biển “Cam dai bay”. Họ nói ở Việt Nam có rất nhiều “bay (vịnh)” đẹp và nổi tiếng như “Ha Long bay”, “Cam Ranh bay”, “Van Phong bay”, nhưng “Cam dai bay” thì họ không biết nằm ở đâu mà giới thiệu nhiều thế?
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, toàn thành phố có 340 NVS công cộng, trong đó 236 nhà xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 NVS bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt. Phần lớn NVS công cộng này đã được xây dựng từ rất lâu, có NVS công cộng được xây trên 20 năm nay nên xuống cấp xập xệ.
Các NVS công cộng này duy trì từ 1 đến 2 ca/ngày, còn các trường hợp đặc biệt trong dịp lễ thì duy trì được 3 ca/ngày nhưng rất thiếu so với nhu cầu thực tế. Luôn có người thu tiền nhưng NVS công cộng cơ sở vật chất xuống cấp, việc dọn dẹp vẫn mang tính chất được chăng hay chớ. Nhiều nơi, các thiết bị như chậu nước rửa tay, vòi nước,... luôn rơi vào tình trạng hỏng hóc, ống thoát nước thải thì rò rỉ mà không được sửa chữa kịp thời.
Thực trạng thiếu NVS đã thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm nhận của du khách, chất lượng dịch vụ, hình ảnh của du lịch Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, UBND Hà Nội đã đồng ý cho doanh nghiệp tài trợ 1.000 NVS công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố.
UBND TP yêu cầu các NVS công cộng phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, vận hành trong suốt quá trình hoạt động các NVS công cộng này.