Thậm chí, nhiều khu vực VSCC còn trở thành ổ chứa tệ nạn…
Ổ chứa tệ nạn, ô nhiễm
Cách đây ít lâu, câu chuyện 10 nhà VSCC phục vụ cho hơn trăm hộ dân khu tập thể thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) đã khiến dư luận không khỏi xôn xao. Theo đó, do được xây dựng từ những năm 1958, qua quá trình sử dụng, dãy nhà A, C, D của khu tập thể thuốc lá Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống “đầu ra” được thiết kế lỗi thời, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của hơn trăm hộ dân sống tại khu tập thể. Nhiều cảnh bi hài quanh khu VSCC vì thế cũng nảy sinh. Nhiều cá nhân vì không đủ kiên nhẫn xếp hàng mỗi sáng đã phải đi vệ sinh vào xô, chậu rồi mang đi đổ.
Hay vụ việc người đàn ông thản nhiên dừng ô tô giữa phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) để “đái bậy” mới đây cũng đã khiến không ít người bức xúc. Tạm loại trừ các yếu tố văn hóa, ứng xử bị cộng đồng lên án thì có một thực tế là để phát sinh tình trạng như trên thì nguyên nhân xuất phát từ hệ thống VSCC của Hà Nội đang thiếu trầm trọng.
Theo một thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố có khoảng 350 nhà VSCC. Trong đó, 263 nhà VSCC xây dựng cố định, được phân bố chủ yếu ở các ngõ, ngách, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được lắp ghép bằng thép, phân bố tại khắp các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác... Như vậy, nếu căn cứ theo số liệu này thì tính trung bình mỗi quận ở Hà Nội chỉ có vỏn vẹn khoảng trên 30 nhà VSCC, quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
Một bất cập khác, phần lớn điểm VSCC hiện đều trong cảnh ô nhiễm hoặc bị chiếm dụng. Chẳng hạn, nhà VSCC trên phố Quán Sứ, đoạn cổng sau Bệnh viện Việt Đức thường xuyên bị xe cộ đỗ kín vỉa hè, che khuất một nửa; hay như, phía ngoài mặt đường Phủ Doãn, suốt một thời gian dài nhà VSCC nơi đây được tận dụng làm bãi trông giữ xe máy.
Nếu như ở đâu đó người ta nghe thấy chuyện những nhà vệ sinh công cộng (VSCC) thiếu thốn và phải đầu tư tiền tỷ để xây mới thì ngay trên địa bàn phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) mọi thứ lại trái ngược. Nhà VSCC nơi đây thừa tới mức chúng hoàn toàn không được sử dụng đến. Hay nói cách khác, chúng khiến hàng trăm nhân khẩu trên địa bàn bức xúc vì ô nhiễm đến nhức nhối và là nơi tập trung của các đối tượng nghiện ngập.
Điển hình của tình trạng nhà VSCC xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả phải kể tới: nhà VSCC trong ngõ 165, khu dân cư số 6; nhà VSCC rộng gần 100 m2 tại tổ dân phố số 7, cạnh Trường tiểu học Trung Phụng; nhà VSCC trong ngõ Hoàng An… Trên thực tế, đa phần những khu nhà VSCC này đều nằm ở vị trí khá hẻo lánh. Do được xây dựng một thời gian khá dài nên nhiều hạng mục như mái trần, cửa, khóa, tường vôi… đều ở trong tình trạng hỏng hóc, ruồi nhặng, rác rưởi bu đầy.
Bà Nguyễn Thị Hồng (53 tuổi), ngõ Hoàng An bức xúc: “Giờ nhà VSCC này xuống cấp, lại ít được quan tâm, nên càng tồi tàn hơn. Ở ngõ này ai qua đây cũng kinh hãi bởi nó hôi thối nồng nặc không thể thở nổi nếu đứng gần nó 5 phút. Ngày nắng mùi xú uế bốc lên càng nồng nặc hơn, khi họp Tổ dân phố chúng tôi đều biểu quyết, kiến nghị phá bỏ chúng”. Ngoài tình trạng ô nhiễm, những khu “xả thải” này hiện là địa điểm tá túc, chích hút của các đối tượng nghiện ngập. Thậm chí ở khu VSCC thuộc cụm dân cư số 1, năm 2013 người dân còn phát hiện một trường hợp chết do tiêm chích quá liều.
Mô hình độc đáo cần nhân rộng
Trên thực tế, phần lớn khu vực thuộc địa bàn Hà Nội quản lý hiện đều được đầu tư xây dựng nhà VSCC. Thế nhưng, những khu VSCC ấy lại không phát huy được nhiều công năng như kỳ vọng. Thậm chí ngay cả các khu VSCC “cao cấp” trên đường Lê Thái Tổ, phố Hàng Khay, Trần Khánh Dư… được thiết kế bằng thép hiện đại với số tiền xây dựng hàng trăm triệu nhưng cũng lâm vào tình trạng èo uột, vắng khách. Theo thống kê, mỗi ngày những khu vực này chỉ có không quá 50 lượt người ghé qua.
Trong khi nhiều tỉnh thành còn đau đầu với bài toán vệ sinh công cộng thì ở Đà Nẵng, người dân và du khách lại được các nhà hàng, khách sạn sang trọng mời đi vệ sinh miễn phí. Nói cách khác, mô hình “xã hội hóa” này đã và đang nhận được nhiều hiệu ứng tích cực. Theo đó, đặc trưng riêng của mô hình “xã hội hóa” nhà VSCC được Đà Nẵng triển khai thông qua phương thức vận động chủ nhà hàng, khách sạn tham gia mô hình nhà vệ sinh cộng đồng miễn phí.
Thời gian đầu, ban tổ chức phải thường xuyên vận động, thuyết phục các đơn vị này cùng chung tay xây dựng hình ảnh thành phố. Theo thống kê của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, sau chưa đầy một năm triển khai, Ban quản lý dự án này đã kêu gọi, nhân rộng nhà vệ sinh cộng đồng ra hơn 80 địa chỉ.
Hiện mùa cao điểm lễ hội, du lịch, du khách đến với các tuyến phố trung tâm Đà Nẵng đã không còn vướng phải các áp lực từ việc “xả bậy”, ô nhiễm cảnh quan đô thị. Chưa hết, do mô hình này triển khai hoàn toàn xã hội hóa nên đã trực tiếp tiết giảm tối đa chi phí đầu tư, quản lý vận hành các nhà vệ sinh công cộng đồng thời khắc phục hạn chế của những nhà vệ sinh này
Thiết nghĩ, vệ sinh là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, hàng giờ của mỗi cá nhân. Bởi thế, ở các đô thị lớn, lượng người lưu thông, du khách đông thì càng phải cần có hệ thống VSCC rộng khắp để phục vụ. Để dẹp nạn “xả bậy”, gây xấu hình ảnh Thủ đô như hiện nay, mô hình “xã hội hóa” nhà VSCC tương tự như ở Đà Nẵng cũng là một giải pháp hay, cần sớm xem xét đưa vào thí điểm.