Tỷ lệ vàng
Theo PGS.TS Phạm Bá Nha - Trưởng khoa Phụ sản, Phụ trách Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (BV Bạch Mai) hiện nay, tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng nên nhu cầu hỗ trợ sinh sản càng cao. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hiện tình trạng vô sinh chiếm 7,7% các cặp vợ chồng, trong đó có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới độ tuổi 30 và tỉ lệ ngày càng gia tăng. Xã hội hiện đại khiến môi trường sống và làm việc ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, đàn ông uống bia rượu nhiều, công việc quá bận rộn, căng thẳng cũng khiến cho chất lượng tình dục sa sút, tình trạng vô sinh gia tăng.
Từ đó, ngày 31/12/2013, Bộ Y tế cho phép Khoa Phụ sản Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm theo Quyết định số 5254 BYT/31/12/2013. Tháng 3/2014, Đơn vị hỗ trợ sinh sản (ĐVHTSS) bắt đầu thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên và cũng trong tháng đầu tiên triển khai kỹ thuật, đã có ca thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) thành công đầu tiên.
Ngày 16/12 cùng năm, đơn vị đã được đón em bé đầu tiên ra đời từ IVF. Đó là một bé trai nặng 3,2 kg - con của một bà mẹ đã đã 44 tuổi và được làm IVF nhiều lần nhưng không thành công. Tới nay, số bệnh nhân đến với ĐVHTSS ngày càng tăng, tỷ lệ thành công trong chuyển phôi tươi trung bình trên 30%, chuyển phôi trữ lạnh trung bình trên 40% và số bệnh nhân có thai sinh hoá của đơn vị đã vượt con số 50%. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã giúp được 200 gia đình hiếm muộn có em bé từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
PGS Nha cho biết thêm, đơn vị đã hỗ trợ chưa trị cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, mỗi người, mỗi hoàn cảnh khi đến với ĐVHTSS đều đã được toại nguyện.
Hạnh phúc được làm mẹ sau 8 lần “nặn con” thất bại
Bế cậu con trai trên tay, chị Nguyễn Bích Thủy (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa tin hạnh phúc với mình là sự thật. Chị Thủy cho biết, chồng chị bị dị dạng tinh trùng nặng sau khi xạ trị. 11 năm điều trị vô sinh, đi tới bệnh viện nào cũng đều nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Trường hợp của chị Thủy được bác sĩ tư vấn cách duy nhất để có được con là dùng IVF.
Hành trình để có con của chị Thủy cũng rất gian khó. Hai vợ chồng chị đã từng sang Thái Lan làm IVF nhưng thất bại. Sau lần thất bại đó, chị Thủy được người quen giới thiệu sang Malaysia làm IVF. Lần đi đó tràn đầy hi vọng, kết quả chuyển phôi cũng không thành. Không từ bỏ hy vọng, chị quyết định tới ĐVHTSS BV Bạch Mai điều trị. Tưởng như cơ hội có con sẽ khép lại đến nay hạnh phúc mới thật sự đến với anh chị, một bé trai khỏe mạnh nặng 2,8kg đã chào đời ngày 23/3/2017 bằng phương pháp sinh mổ.
Một trường hợp hiếm muộn khác chia sẻ: “Để có được con, chúng tôi đã phải đi rất nhiều nơi và khi trở về BV Bạch Mai, nhờ các bác sĩ làm IVF mà vợ chồng mình đã có một bé gái xinh xắn sau 12 năm kết hôn”, chị Nguyễn Thanh Huyền nở nụ cười viên mãn trên môi. Chị Huyền cũng cho biết thêm, dù khó khăn, vất vả nhưng hiện tại vẫn còn lưu phôi nên thời gian tới vợ chồng chị cũng sẽ quyết tâm sinh thêm em bé nữa.
Hiện nay, với trình độ y học phát triển, IVF đã mang tới cơ hội làm cha mẹ cho rất nhiều cặp đôi. Chị Thủy, chị Huyền là 1 trong 200 trường hợp chị em hiếm muộn đã tìm thấy hạnh phúc làm mẹ sau nhiều năm lăn lộn khắp trong, ngoài nước để “nặn một mụn con”. Trường hợp lớn tuổi nhất BV Bạch Mai chuyển phôi thành công là bệnh nhân 46 tuổi. Tuy nhiên, theo PGS Phạm Bá Nha, vẫn còn nhiều khó khăn với các cặp vợ chồng khi thực hiện IVF khi có tới 17% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn bỏ điều trị vì gánh nặng tâm lý, thể chất. Gánh nặng kinh tế cũng rất áp lực đối với nhiều cặp vợ chồng vô sinh khiến nhiều người không theo được tới cùng.
Nhằm hạn chế được tình trạng hiếm muộn, PGS Nha khuyến cáo, các cặp vợ chồng không nên có con quá muộn, cần chú ý tránh stress nên giữ cân bằng trong cuộc sống, tránh để viêm nhiễm đường sinh dục... Khi quan hệ tình dục đều mà trên 6 tháng đến 1 năm không có con thì nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Các bác sĩ cho biết càng khám sớm, tuổi càng trẻ thì khả năng hỗ trợ sinh sản thành công càng cao.