'Nói tiêm vaccine ngừa COVID-19 ảnh hưởng sự phát triển của trẻ em là vô lý, không thể chấp nhận về mặt khoa học'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TS. BS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) "lên tiếng" trước ý kiến trái chiều về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ và băn khoăn về liều lượng, phản ứng... khi vaccine tiêm cho trẻ.
TS. BS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương).
TS. BS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương).

Chị Nghiêm Thúy Hường (Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), có con trai 13 tuổi chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19, bày tỏ: “Tôi lo lắm vì hiện nay thông tin tôi cập nhật được vẫn chưa rõ ràng về các nghiên cứu lâm sàng sau khi tiêm cho trẻ em. Tôi không biết loại vaccine mà các con tiêm thì có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản hay không, vì trước đó mình có thấy thông tin vaccine pfizer có ảnh hưởng đến các bé trai".

Cùng tâm trạng, chị Phạm Thị Ngọc Bích (ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), có con năm nay 17 tuổi, chia sẻ, khi biết trẻ em được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chị nửa mừng nửa lo. "Lo vì con đang trong giai đoạn dậy thì không biết có ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của cháu sau này không. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tôi vẫn chọn phương án tiêm cho cháu để đảm bảo an toàn khi cháu quay trở lại trường".

Dù các nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi và đã chứng minh được độ an toàn, nhưng chị Tạ Thương Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội), có con gái 12 tuổi, vẫn băn khoăn về mức độ phù hợp của vacxin đối với trẻ Việt Nam, về những phản ứng có thể xảy ra trong thời gian sau tiêm chủng và những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như thể chất sau này của trẻ...

mRNA không tích hợp vào gen của con người

Trước những lo lắng, băn khoăn liên quan đến vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, TS.BS. Phạm Quang Thái giải thích, Pfizer-BioNTech là vaccine RNA truyền tin - còn gọi là vaccine mRNA, loại vaccine khi tiêm vào cơ thể chỉ có 1 nhiệm vụ là đến tế bào miễn dịch để hoạt động sinh ra protein của virus, cơ thể sẽ dựa vào Protein đó để sản sinh ra kháng thể.

Theo cơ chế đó thì mRNA không tích hợp vào gen của người, không tích hợp vào nhân của tế bào, và khi không tích hợp thì không ảnh hưởng đến hệ gen của người. "Khi hoạt động chỉ tạo ra 1 protein và sau đó protein đó sẽ làm nhiệm vụ kháng nguyên, vật liệu di truyền đó sẽ bị tiêu hủy (không còn xuất hiện trong cơ thể con người), không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Con người sẽ có miễn dịch để chống lại con virus", TS.BS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh. "Nếu nói tiêm vaccine COVID-19 có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ là vô lý và không thể chấp nhận về mặt khoa học".

Cũng theo chuyên gia về tiêm chủng, với trẻ từ 12-18 tuổi, liều lượng tiêm vaccine sẽ giống như người lớn. Vì trẻ ở độ tuổi này phần thể chất khác người lớn không nhiều. Liều để tiêm cho người lớn hiện tại cũng đã thấp hơn rất nhiều liều thử nghiệm lâm sàng. Liều hiệu quả là liều nhỏ nhất nhưng vẫn sinh miễn dịch. "Trẻ từ 12-18 tuổi sử dụng liều vaccine nhỏ nhất như của người lớn thì không có ảnh hưởng gì cả, để tránh sự phức tạp thì trẻ ở độ tuổi này có thể sử dụng chung liều vaccine như của người lớn”, bác sĩ Thái thông tin.

Với trẻ dưới 12 tuổi, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho biết, thể chất trẻ tầm tuổi này nhỏ hơn rất nhiều so với người lớn, do đó sẽ phải dùng liều vaccine nhỏ hơn so với người lớn. "Còn nhỏ hơn chính xác như thế nào thì tôi chưa nhận được báo cáo chính xác tại Việt Nam”, ông nói.

Khoảng 20.000 người tiêm thì mới gặp tình trạng viêm cơ tim

Chia sẻ về các phản ứng sau tiêm của trẻ em, TS.BS. Phạm Quang Thái cho rằng, hiện nay các phản ứng thông thường của trẻ nhỏ không khác gì người lớn, có thể có tỷ lệ phản ứng tăng hơn so với người lớn đó là viêm cơ tim, nhưng tỷ lệ vẫn ở mức rất thấp, rất hiếm, tương ứng 1/20.000, tức là 20.000 người tiêm thì mới có 1 người gặp tình trạng viêm cơ tim.

"Đây là ghi nhận tại nước ngoài còn tại Việt Nam chưa biết. Giống như trước đây chúng ta nói về tỷ lệ đông máu xuất hiện là 1/100.000, tức là cứ tiêm 1.000.000 liều thì có 10 người bị. Nhưng ở Việt Nam thì tiêm đến hàng bao nhiêu triệu rồi mới gặp một vài trường hợp. Tức là tỷ lệ đông máu ở Việt Nam "thấp hơn vô cùng nhiều" so với thế giới. Vì vậy nếu nói tỷ lệ viêm cơ tim ở Việt Nam như thế giới thì chắc chắn là không được, và không đủ cơ sở để nói. Vì vậy, tỷ lệ viêm cơ tim là có, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam thấp hơn hay cao hơn so với thế giới thì thời điểm này chưa đủ căn cứ để khẳng định. Bên cạnh đó, trẻ em đáp ứng rất tốt đối với thuốc điều trị viêm cơ tim nên nếu bị phản ứng sẽ không có vấn đề gì", ông Thái nêu rõ.

Chống chỉ định tiêm ở trẻ em như người lớn. Nếu có tình trạng bệnh lý như: phản vệ với liều tiêm trước hoặc những trường hợp như hướng dẫn của nhà sản xuất, có những đứa bị tiền sử bệnh tim hoặc vừa trải qua viêm cơ tim thì sẽ thuộc về chống chỉ định của nhà sản xuất. Sẽ không tiêm cho những đối tượng như vậy. Phản ứng viêm cơ tim thường ở mũi 2, nếu ở mũi 1 đã có phản ứng viêm cơ tìm thì mũi 2 phải dừng lại, chuyển sang vaccine khác.

Chuyên gia Phạm Quang Thái cũng có những lưu ý đối với phụ huynh trước và sau khi đưa trẻ em đi tiêm vaccine.

Theo đó, trước tiêm, trẻ phải được đảm bảo chế độ ăn ngủ hợp lý, không nên để trẻ căng thẳng tinh thần. Trẻ cần ăn đầy đủ trước giờ tiêm, nên ăn tạm trong lúc chờ đợi lâu. Sau khi về nhà, trẻ cũng cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng.

Trẻ phải được theo dõi rất sát trong 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm và 48 giờ sau tiêm (tại nhà). Trong khoảng thời gian này, người lớn như bố mẹ hoặc người giám hộ thấy có vấn đề bất thường phải lập tức đưa trẻ tới viện. Sau đó tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, nếu có bất thường lại đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

“Khi triển khai tiêm vaccine ở Việt Nam, không riêng COVID-19 mà tất cả các vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hệ thống y tế luôn đặt ở mức độ cảnh báo rất cao, sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu có vấn đề gì phát sinh thì giải quyết ngay”, ông Thái nhấn mạnh.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm