Danh ca Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công (Tiền Giang). Theo lời kể của Phương Dung thì từ nhỏ, bà đã mê ca nhạc và thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Khi còn là nữ sinh, Phương Dung đã tham gia các chương trình văn nghệ và gây được sự chú ý của nhiều người.
Từ một ca sĩ hát lót, Phương Dung dần dần gây được sự chú ý khi thể hiện những ca khúc tiền chiến nhưng phải tới khi hát các ca khúc bolero bà mới thực sự nổi tiếng. Loạt ca khúc như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm ghi dấu ấn tên tuổi của “nhạn trắng Gò Công”. Bà từng kể có thời điểm thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng lên đến 200 cây vàng giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp dòng họ.
Phương Dung với chồng tình quen nhau trong một dịp tại Bangkok, Thái Lan năm 1966. Mẹ Phương Dung không thích người thanh niên này vì bà cho là "vô phép" nhưng ông xã bà rất chịu đựng. Thậm chí, khi bị chửi giữa đường, ông cũng chỉ cúi đầu làm thinh, không trả lời một câu. Sự ngăn cấm của mẹ khiến Phương Dung và người mình thương chỉ nhớ nhau mà không được gặp dù ở cùng một thành phố.
“Trải qua 2 năm đó, tôi rơi nước mắt khi nghe bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Những ngày không gặp nhau rất dài, tôi đếm từng ngày, từng giờ, mường tượng nụ cười, tiếng nói của người ấy. Một lần đi hát ở Quy Nhơn, tôi vào một tu viện xin đi tu nhưng bị từ chối. Sau đó, ba tôi nói nếu mẹ tôi vẫn không đồng ý, ông sẽ đứng ra gả chồng cho tôi”, nữ danh ca nghẹn ngào kể.
|
"Nhạn trắng Gò Công" chia sẻ, cuộc tình của bà nhiều trắc trở nhưng cũng rất hạnh phúc. |
Với Phương Dung, nỗi nhớ của những ngày đầu xanh chỉ xoay quanh khuôn mặt, giọng nói, nụ cười của người yêu còn nỗi nhớ tuổi xế chiều, sau 55 năm hôn nhân là những ngày tháng bình dị với chồng quá cố: “Mỗi sáng, ông dậy sớm, pha ấm trà, ly cà phê và gọi tôi dậy ăn sáng. Trước sân nhà có trồng hoa hồng, ông ấy gọi tôi ra xem mỗi khi hoa nở. Những hình ảnh đó tôi không tìm lại được. Dù ông đã mất 3 năm nhưng cứ đến sinh nhật ông ngày 5/7, tôi và các con đều họp mặt, ăn bánh kem để nhớ về”, Phương Dung bật khóc chia sẻ.
Trong chương trình, nữ danh ca còn kể lại thời điểm đang ở đỉnh cao sự nghiệp, bà bất ngờ chọn rời xa sân khấu, bỏ hát hơn 16 năm để lui về làm tròn bổn phận làm mẹ, làm vợ: “Mỗi khi truyền hình, radio phát nhạc, tôi xúc động nhớ lại những đêm đi hát với mẹ. Tôi nhìn lên sân khấu thấy bạn bè hát những bài hát mình từng hát, nhìn rạp sáng đèn cùng băng-rôn, tôi nhớ lại những ngày đứng trên sân khấu. Nỗi nhớ không giống cảm giác sống chết xa lìa người yêu nhưng da diết. Tôi tiếc nuối, xót xa nhưng khi nhìn các con, gia đình, tôi phải lựa chọn. Cũng vì gia đình mà tôi từng nghỉ hát, khi các con thành đạt thì tôi mới đi hát lại”, bà cho biết, mình biết "yêu" vào năm 5 tuổi và "người tình" này khiến bà yêu say đắm cho tới bây giờ là âm nhạc.
Sau khi đáp chuyến bay trở lại Việt Nam, Phương Dung hồi hộp gặp lại mẹ và các em, hạnh phúc khi được nếm lại các món ăn dân dã như: rau càng cua, rau đắng, cá kho tiêu, mắm kho. Bà thổ lộ có thể nói những câu biểu lộ tình cảm bằng tiếng nước ngoài nhưng vẫn không bằng câu nói thường nói với chồng: “Em đi xa, em nhớ anh” nghe đầy da diết.