"Nóng" chuyện nợ thuế, hỏa hoạn trong kỳ họp HĐND Hà Nội

(PLO) - Hôm qua (3/12), HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã tiến hành chất vấn các cơ quan chức năng của thành phố về những vấn đề “nóng” của Thủ đô...
"Nóng" chuyện nợ thuế, hỏa hoạn trong kỳ họp HĐND Hà Nội
Sẽ thu hồi được 13.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của HĐND TP về tình trạng nợ thuế gia tăng và nguyên nhân nợ khó đòi từ 12.000 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh trong 10 tháng qua. Ông Hải cũng cho biết, những trường hợp khó thu vẫn đang kiến nghị xử lý vì đây là những doanh nghiệp khó khăn cần có sự hỗ trợ.
Theo đại biểu (ĐB) HĐND, việc thành lập công ty dễ dàng để mua bán hóa đơn nhưng không xử lý kịp thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nợ chồng nợ”. Nhưng Cục trưởng Hải cho biết, những doanh nghiệp “ma” như vậy có số nợ thuế không lớn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của TP rất chú trọng xử lý những doanh nghiệp này.
Còn theo Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung, thời gian qua đã xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm, truy thu thuế của công ty này và “sẽ tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm, phối hợp truy thu thuế của các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn khống”.
Ông Hải cho biết, năm 2014 số nợ thuế toàn TP tăng 18.600 tỷ đồng và tiền chậm nộp lên 5.275 tỷ đồng. Đến nay, tiền chậm nộp tăng lên là 7.092 tỷ đồng. Số tiền thuế của các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh cũng tăng  gần 2.500 tỷ đồng. Để thu hồi nợ, Cục Thuế Hà Nội đã có 6 đợt công khai nợ hàng tháng của từng doanh nghiệp. Đến ngày 30/11, có 59.000 doanh nghiệp được ra thông báo nợ thuế với số tiền 1.567 tỷ đồng, trong đó có 246 doanh nghiệp nợ trên 1 tỷ.
Phòng cháy phải từ ý thức
Năm qua đã xảy ra 500-700 sự cố cháy. Vì vậy, phòng cháy chữa cháy (PCCC) nói chung và tại các chung cư nói riêng là nỗi lo lớn của người dân sống nơi đô thị chật chội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như những vụ cháy ở Xa La (Hà Đông) mới đây đã được ĐB HĐND chất vấn các ngành chức năng của TP. 
Theo Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hoàng Quốc Định, nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn và gia tăng do đặc điểm về phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện hạ tầng xã hội, thời tiết... Ngoài ra, ông Định còn “đổ lỗi” do thắt chặt biên chế nên việc phát triển lực lượng PCCC gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu PCCC của thủ đô.
Thừa nhận PCCC là vấn đề nóng, đang gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan là phát triển đô thị, hạ tầng thì ý thức PCCC của người dân, tổ chức chưa thật sự cao. Hiện thể chế pháp luật về PCCC rất đầy đủ, quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị và người dân. 
“Nếu từng người không có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình thì việc đầu tư cho PCCC bao nhiêu cũng không đủ. Lấy phòng ngừa là chính và đây là biện pháp lâu dài, bền vững. Khi xảy ra cháy thì dù trang bị hiện đại, đông đảo lực lượng cũng khó mà cứu chữa kịp thời” – ông Sơn nêu.
Thực tế dù TP cũng đã có chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, thường xuyên, sát sao, thực hiện thanh, kiểm tra và đưa ra nhiều khuyến nghị nhưng vẫn xảy ra cháy vì “chúng ta chưa thật sự quan tâm đến PCCC. Ở nhiều công trình, do nể nang, tiết kiệm chi phí, các thiết bị PCCC đều được thi công cuối cùng” – Phó Chủ tịch lý giải.
Trước thực trạng này, ngoài các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt,  TP chi gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC và đã có 2 gói thầu thiết bị được bàn giao. Hiện Sở Xây dựng cũng đã triển khai dự án 500 trụ nước, đã hoàn thành 202 trụ, tiến tới hoàn thành quy chuẩn là đảm bảo toàn TP có hơn 1.000 trụ nước chữa cháy đạt chuẩn. Dự kiến trong tháng 12 TP sẽ duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở PCCC trên địa bàn. 

Đọc thêm