Nông nghiệp Tuyên Quang trên đà phát triển toàn diện, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm 2024, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều mặt hàng, sản phẩm từ ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang được khách du lịch yêu thích và lựa chọn (Ảnh: Lê Hanh)
Nhiều mặt hàng, sản phẩm từ ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang được khách du lịch yêu thích và lựa chọn (Ảnh: Lê Hanh)

Nông nghiệp, lâm nghiệp tại Tuyên Quang tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, và tăng cường liên kết chuỗi giá trị.

Phát triển hợp tác xã và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của ngành nông nghiệp Tuyên Quang là việc đẩy mạnh mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trong giai đoạn phát triển đến năm 2025, Tuyên Quang phát triển nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã để tận dụng điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật (Ảnh: Lê Hanh)

Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật (Ảnh: Lê Hanh)

Năm 2024, toàn tỉnh có 267 HTX nông nghiệp, tăng 98 HTX so với năm 2015. Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, giúp tổ chức sản xuất có quy mô và hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.

Các HTX này không chỉ hoạt động trong sản xuất mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.

Tỉnh cũng khuyến khích việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2024, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 906,2 ha, chuyển đổi sang canh tác hữu cơ là 57 ha, và diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN) là 730 ha chè.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn này giúp gia tăng giá trị nông sản, nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường. Ví dụ, giá cam Hàm Yên sản xuất theo quy trình hữu cơ cao hơn từ 3-4 lần so với sản phẩm thông thường.

Các sản phẩm nông sản tiêu biểu và thị trường tiêu thụ

Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm truyền thống như cam Hàm Yên, chè Shan tuyết mà còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao được chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Năm 2020, tỉnh đã đánh giá và xếp hạng 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

Các sản phẩm tiêu biểu bao gồm cam Hàm Yên, chè Bát tiên, mật ong Tuyên Quang, cá lăng, và chè đặc sản Vĩnh Tân.

Chè San Tuyết là sản phẩm đạt OCop có thương hiệu nổi tiếng tại Na Hang - Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Chè San Tuyết là sản phẩm đạt OCop có thương hiệu nổi tiếng tại Na Hang - Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Nhiều sản phẩm trong số này đã được vinh danh trong các giải thưởng lớn như "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam" và "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu".

Nhờ có những bước tiến trong sản xuất, các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu. Điều này giúp tăng cường vị thế của tỉnh trên bản đồ nông nghiệp cả nước.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững

Một trong những chiến lược quan trọng của tỉnh Tuyên Quang trong năm 2024 là phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là tăng diện tích canh tác hữu cơ và nâng tỷ lệ sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn công nghiệp tốt lên khoảng 25% tổng giá trị sản xuất.

Tính đến năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp tốt đã đạt 1.693 ha, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2015.

Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp của tỉnh được thị trường tin tưởng đón nhận, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, chuyển đổi hữu cơ, VietGAP có giá bán cao hơn sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường từ 1,5 đến 2 lần.

Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu thâm canh phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển một số cây trồng có lợi thế.

Tỉnh đã cơ cấu lại diện tích cây mía gắn với tái cơ cấu ngành mía đường Tuyên Quang, đồng thời khuyến khích liên kết tích tụ đất đai, tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình là sản phẩm cam Hàm Yên và chè Shan tuyết hữu cơ của tỉnh đã được thị trường đón nhận nhiệt tình và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.

Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp và thủy sản

Lâm nghiệp và thủy sản cũng là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của Tuyên Quang.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, đa giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trong sản phẩm.

Bình quân, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ trên 2,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao. Tỉnh hiện ước tính có 830 trang trại, trong đó có 10 trang trại nuôi trồng thủy sản và 3 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Việc phát triển các trang trại này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuyên Quang cũng tích cực trong việc khai thác tiềm năng của ngành lâm nghiệp. Tỉnh đã đặt mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, với nhiều diện tích rừng được bảo vệ và tái trồng. Đây là một bước đi quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng và đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống ở khu vực rừng núi.

Chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển

Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa.

Nghị quyết này giúp tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm chủ lực, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp. Chính sách này đã tạo động lực để người dân đầu tư vào sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống.

Tuyên Quang cũng tập trung vào việc xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đến năm 2025, có hơn 68% xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này, không chỉ giúp cải thiện hạ tầng nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Với những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, Tuyên Quang được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Trong năm 2024, nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu. Những kết quả đạt được không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Tuyên Quang trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Đọc thêm