Giá và sản lượng cùng tăng
Thống kê tình hình sản xuất nông - lâm nghiệp 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, sản lượng nông sản nói chung đều tăng. Cụ thể, sản lượng lúa vụ đông xuân 2024 tăng 132,5 nghìn tấn so vụ đông xuân năm trước. Sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm cũng đều tăng khá, trong đó, tăng mạnh nhất là sầu riêng với mức tăng 20,3% so cùng kỳ; hồ tiêu cũng ước tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, các mặt hàng có sản lượng tăng đều đang có mức giá tăng cao. Gạo cũng đã có thời điểm giá xuất khẩu tăng kỷ lục, kéo theo giá gạo trong nước tăng. Dù hiện thời giá gạo trong nước đã “giảm nhiệt” nhưng vẫn giữ ở mức cao so với cùng kỳ. Báo cáo của TCTK cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 giá lúa tăng 20,41% so cùng kỳ; giá gạo xuất khẩu bình quân cũng tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2023
Hồ tiêu có đà tăng từ cuối năm 2023, vẫn tiếp tục giữ được mức giá tốt. Chỉ số giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân 6 tháng tăng 13,31% so với cùng kỳ năm 2023 (xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu tuy năm giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023).
Báo cáo này cũng cho thấy, giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng với mức tăng bình quân 6 tháng đầu 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó, phải kể đến cây sầu riêng khi sản lượng tăng mạnh nhưng lại có giá ở mức khá cao. Hiện tại, theo dự báo của đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá sầu riêng sẽ tiếp tục tăng do có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện chỉ có Việt Nam đang cho thu hoạch quả sầu riêng.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, nhóm hàng nông sản đã kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Làm gì để kéo dài hiện tượng “được mùa, được giá”?
Nói về “kỳ tích” của quả sầu riêng khi đang có mức giá cao dù sản lượng cũng tăng đáng kể, bà Trịnh Thị Ngọc Vân - Giám đốc Công ty MTV Nông sản Hà Vân cho biết, ngay ở thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh khâu sơ chế, chế biến để giới thiệu cho người tiêu dùng trong nước. Việc này góp phần tạo ra được nền tảng thị trường đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng, góp phần nâng cao giá trị của quả sầu riêng.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, chính việc tăng cường chế biến các loại nông sản, trong đó có quả sầu riêng là cách thức nâng cao giá trị cho nông sản. Nếu cách thức này được mở rộng áp dụng thành công cho nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, thì nông sản Việt có thể chấm dứt hoàn toàn câu chuyện “được mùa, mất giá”.
Ông Đậu Ngọc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp và Thủy sản (TCTK) đánh giá, trước đây nông sản Việt thường “được mùa thì mất giá” thì trong 6 tháng đầu năm 2024 nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất.
Tuy nhiên, để kéo dài thêm hiện tượng “được mùa, được cả giá” như 6 tháng đầu năm, ông Hùng cho rằng, nông sản của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời việc phát triển phải bảo đảm theo quy hoạch, định hướng, cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu thị trường bán sản phẩm.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc chung tay cùng các địa phương tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động, hội chợ kết nối cũng là cách để “giữ giá” cho hàng hóa Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng. Bởi đây được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu để vừa tiêu thụ hàng hóa, vừa thúc đẩy sản xuất, hướng đến mục tiêu hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.