Nông sản Việt trước thách thức quy định chống phá rừng của EU

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Gỗ, cao su và cà phê là 3 mặt hàng của Việt Nam sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng khi quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về chống phá rừng (gọi tắt là EUDR) chính thức được thực thi vào tháng 1/2025.
Hơn 95% diện tích cà phê trồng phân tán ở các nông hộ khó chứng minh nguồn gốc. (Ảnh minh họa)
Hơn 95% diện tích cà phê trồng phân tán ở các nông hộ khó chứng minh nguồn gốc. (Ảnh minh họa)

Đã có kế hoạch hành động

Ngày 29/6/2023, EUDR đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, EUDR cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Trong 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ) thuộc sự kiểm soát của EUDR, Việt Nam có 3 mặt hàng là cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Theo ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, đây là 3 nhóm mặt hàng quan trọng hiện đang được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. “Việc đáp ứng các yêu cầu trong EUDR có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết đối với DN XK của Việt Nam nói riêng và toàn bộ các bên tham gia ba ngành hàng này nói chung…” - Chuyên gia Forest Trends nhận định.

Ông Phúc chia sẻ thêm, để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU, các DN nhập khẩu từ EU cần bảo đảm sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng và suy thoái rừng với thời điểm tính từ 31/12/2020 trở về sau. DN có 18 tháng (DN lớn) hoặc 24 tháng (DN vừa và nhỏ) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.

Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch hành động thích ứng với EUDR do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện đã có khung kế hoạch hành động cấp quốc gia.

Nhấn mạnh 3 điều kiện của EUDR (Không gây mất rừng; Được sản xuất theo pháp luật của nước sản xuất; Có báo cáo thẩm định trách nhiệm), ông Tuấn cho biết, dựa trên các tiêu chuẩn do EU đặt ra, các quốc gia được phân loại rủi ro “cao”, “trung bình” hoặc “thấp”. Sản phẩm từ các quốc gia được coi là “rủi ro thấp” sẽ được đơn giản hóa quy trình thẩm định. Nếu EU phân loại “rủi ro cao” cho 1 trong 7 ngành hàng sẽ dẫn đến tất cả các ngành bị phân loại “rủi ro cao”.

Để ứng phó với EUDR, Bộ NN&PTNT đã ban hành khung hành động bao gồm: Xây dựng khung hợp tác công - tư; Tuyên truyền, vận động; Xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU và các quốc gia thành viên về EUDR và các quy định khác; Các giải pháp kỹ thuật; Huy động nguồn lực.

Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR cũng nêu cụ thể các đầu việc phải triển khai theo lộ trình đối với Trung ương, địa phương, DN và Hiệp hội DN.

Khó nhất là chứng minh nguồn gốc

Theo Chuyên gia Forest Trends, hiện Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà phê, cao su chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. “Nếu chiếu theo quy định của EUDR, nhìn chung 3 ngành hàng này của Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng do diện tích sản xuất các mặt hàng này đã ổn định từ trước 2020. Tuy nhiên, để chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết…” - ông Tô Xuân Phúc nhận định.

Đơn cử như tính pháp lý của đất canh tác thuộc sở hữu của nông hộ sản xuất chưa rõ ràng; chuỗi cung phức tạp, nhiều khâu trung gian; khó khăn trong việc nông hộ tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách. Hay như việc chứng minh nguồn nguyên liệu (gỗ, cao su…) trong các sản phẩm XK sang EU…

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cũng cho rằng việc chứng minh các sản phẩm sản xuất trên đất không có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020 là không đơn giản khi 70 - 75% vườn trồng cà phê chưa có dữ liệu định vị theo EUDR, 60% diện tích cao su thuộc quy mô tiểu điền. Cùng với đó là thách thức về truy xuất nguồn gốc do sản xuất nhỏ lẻ phân tán… Chuyên gia IDH lo ngại rủi ro đẩy nhóm nông hộ rủi ro cao khỏi chuỗi cung ứng sang EU…

“Vừa rồi ngành gỗ, cao su rất khó khăn trong hoàn thuế liên quan đến truy xuất nguồn gốc đến người trồng rùng. Rõ ràng đây là thách thức rất lớn khi thực thi EUDR” - Chuyên gia Forest Trends lưu ý.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Việt Nam chỉ có khoảng 30.000ha trong số 700.000ha cà phê thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà phê chủ yếu được trồng không tập trung tại các nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.

Khẳng định đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam băn khoăn liệu các chứng nhận bền vững như chứng nhận FSC có được EURD công nhận? Đặc biệt, với cao su tiểu điền, sẽ rất khó khăn khi nông dân sản xuất manh mún, điều này cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, sự hợp lý hóa trong sử dụng đất đai của nông dân…

Theo Chuyên gia IDH, vấn đề quan trọng nhất là phải chứng minh các sản phẩm của Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Do đó cần: Đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; Giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc (cho phép phân hàng theo từng huyện); Đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, bảo đảm an sinh xã hội.

“Không chỉ với 3 mặt hàng này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho các yêu cầu tương tự cho các ngành hàng khác cũng như rà soát với các thị trường khác (Mỹ, Nhật Bản,…) về xu hướng có áp dụng các yêu cầu tương đương hay không?...” - bà Chi đưa ra lời khuyên.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đây là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi ngành nông nghiệp xanh trong quá trình thích ứng với EUDR. Theo Bộ trưởng, ngành Nông nghiệp không chỉ cần được số hóa, đồng bộ hóa, thu thập thông tin chính xác mà còn cần tập huấn toàn ngành, từ Trung ương tới địa phương. “Chúng ta phải làm chỉn chu, không bằng mọi giá đạt được những tiêu chuẩn quá sớm mà đẩy người nông dân vào thế khó. Quá trình xây dựng hệ thống ngành hàng là cơ hội cho các bên xây dựng chiến lược lâu dài. Các tổ chức quốc tế cũng cần phối hợp với Bộ để hỗ trợ những nông hộ sẽ bị ảnh hưởng bởi EUDR. Cho tới khi Quy định chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2025, chúng ta cần làm kịch bản cho các địa phương có rủi ro cao hoặc trung bình chuyển đổi canh tác nông nghiệp” - Bộ trưởng lưu ý.

Đọc thêm