Nộp phạt vi phạm giao thông online: Nhiều tiện lợi, giảm tiêu cực

(PLVN) - Việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến tại nhà tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho người dân, giảm thiểu tối đa tiêu cực trong việc phạt – nộp phạt vi phạm giao thông.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Triển khai trên toàn quốc

Sau đợt thí điểm từ tháng 3/2020 tại 5 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) về dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), từ 1/7, dịch vụ này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, vào tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên DVCQG đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông).

Để việc nộp phạt trực tuyến lĩnh vực giao thông đường bộ được triển khai thực hiện toàn quốc, tại các cuộc họp triển khai nhiệm vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, cơ quan cần quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.

Lợi ích của việc nộp phạt “online” trong lĩnh vực giao thông có thể thấy rõ. Trước đây người vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt bằng văn bản phải ra Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng được Kho bạc Nhà nước ủy quyền để nộp phạt. Sau đó người vi phạm cầm biên lai thu tiền được Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng cấp quay lại đội/phòng cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt để nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện bị tạm giữ.

Nay, việc áp dụng thanh toán trực tuyến đối với các loại thuế, lệ phí hay tiền phạt trong lĩnh vực giao thông vừa nhanh gọn, lại có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện về thời gian, thành phần hồ sơ nếu được thực hiện thông qua Cổng DVCQG. Từ đó cũng làm giảm được đội ngũ nhân sự liên quan trong các thủ tục nhận tiền, ghi biên lai…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và đồng bộ với chính sách thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước. Nhất là khi các yếu tố nền tảng đã đáp ứng. Điển hình như các ngân hàng, công ty trung gian thanh toán đã phát triển mạnh các phương tiện thanh toán điện tử.

Tỷ lệ người dân tại Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh đã phổ biến, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các ứng dụng thanh toán từ các ngân hàng hay công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đều có sẵn và người dân cũng sử dụng nhiều vì nhanh chóng, tiện lợi.

Người dân ủng hộ

Về phía người dân, anh Nguyễn Duy Đại (tài xế taxi) cho rằng, cách xử lý trước đây rất bất tiện, khó khăn cho người vi phạm trong trường hợp vi phạm ở các tỉnh xa. “Có những lúc tôi chở khách đi các tỉnh ở xa bị lập biên bản xử phạt, tôi phải sắp xếp thời gian hoặc đợi đến hạn trả giấy tờ để đi tới tỉnh đó lấy quyết định xử phạt, đóng phạt ở kho bạc rồi mới lấy lại được giấy. Như vậy rất mất thời gian, bất tiện và vất vả” - anh Đại nói. 

Là tài xế chuyên lái xe đường dài cho một nhà xe lớn tại TP HCM, anh Huỳnh Vĩnh Khương (quận 7, TP HCM) tỏ ra vô cùng hào hứng với phương án nộp phạt này. Theo anh Khương, đối với các tài xế thường xuyên chạy chở hàng tuyến dài, nộp phạt giao thông là một trong những việc phiền phức nhất.

Anh kể, khoảng giữa năm 2019, trong khi chở hàng quay đầu từ TP Nha Trang về TP HCM, anh bị cảnh sát giao thông thổi phạt hơn 1 triệu đồng, giữ bằng lái vì chạy sai làn đường quy định. Sau đó, đến ngày hẹn, anh phải lấy xe nhà, chạy từ TP HCM quay lại Nha Trang để đóng phạt, lấy bằng lái về. 

“Đi đi, về về tính ra hết cả triệu bạc tiền xăng xe, còn mất cả thời gian, công sức. Bảo sao nhiều người chấp nhận đóng phạt tại chỗ gấp đôi để khỏi phải mất công đi lại như thế. Nếu được đóng phạt trực tuyến thì tiện quá rồi. Bây giờ hầu hết mọi người cũng đều có tài khoản ngân hàng nên dễ hơn nhiều” - tài xế này nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đánh giá, ngoài tiện lợi cho người dân, nộp phạt trực tuyến còn giúp giảm tiêu cực vì không thu tiền mặt, cả người vi phạm và người phạt đều không còn cơ hội “ăn chia”. Tiền phạt sau khi đưa về Cổng DVCQG sẽ được chuyển về kho bạc địa phương theo đúng thông tin nơi xử phạt, các tỉnh, thành vừa không lo mất ngân sách, vừa có thể giám sát hiệu quả công dân địa phương. 

“Cả nước đang tiến lên, chuyển mình theo cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực giao thông cũng không ngoại lệ. Số hóa, đưa công nghệ điện tử vào mọi mặt của đời sống vừa rõ ràng, vừa lưu trữ tốt, tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc và cũng hạn chế cơ quan công quyền lạm quyền khi được nắm trong tay quyền lực.

Khâu hậu kiểm được thể hiện trên điện tử cũng dễ dàng, minh bạch hơn. Chứng cứ, hình ảnh, biên bản gửi thẳng lên Cổng thông tin điện tử, liên thông với cảnh sát giao thông tỉnh, thành phố, liên thông với kho bạc. Nếu đến hẹn mà người vi phạm không đóng phạt thì tính lãi, sau đó hạn chế quyền trong các quan hệ dân sự khác như không cho đăng kiểm, vô hiệu hóa bằng lái... các nước phát triển họ đều làm như vậy” – Luật sư này gợi ý. 

Có dễ thực hiện?

So sánh việc phải nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến với việc nộp phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục hoặc trực tiếp thì việc nộp phạt vi phạm giao thông online sẽ tiện lợi hơn cho người nộp phạt. Đồng thời việc nộp phạt vi phạm giao thông qua smartphone hay trên máy tính thế này sẽ rõ ràng và minh bạch hơn nhiều.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, đơn vị này đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiến hành nâng cấp, tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG. Thông qua Cổng DVCQG, người dân có thể sử dụng các dịch vụ để nộp tiền phạt vi phạm giao thông.

Người vi phạm chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng internet, truy cập vào Cổng DVCQG, vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khai báo thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.

Song song đó, các bước kết nối việc xử phạt vi phạm hành chính từ công an các địa phương đến Cục Cảnh sát giao thông và từ cục đến Cổng DVCQG cũng đã hoàn thiện để người dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Ngoài việc đóng tiền phạt trực tuyến thông qua các ngân hàng, người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm thông qua các ứng dụng ví điện tử. 

Đọc thêm