“Để quản lý doanh nghiệp giỏi khó hơn thiết kế một bộ đầm thời thượng”- NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam dí dỏm tâm sự.
Chọn nghề "làm đẹp cho đời"
Nhiều người nhận xét, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thành công từ công thức (0 x 2), nghĩa là thế nào, thưa anh?
|
- Ai cũng bảo làm doanh nhân vừa sướng, vừa giàu. Nhưng với những người làm đẹp cho đời khi “khoác” thêm hình ảnh doanh nhân thì sự vất vả, khó khăn lại tăng thêm gấp bội. Điều này được đúc kết từ trải nghiệm của tôi - NTK, doanh nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Là người con của làng Xuân Đỉnh, Hà Nội - nơi có nghề truyền thống làm bánh mứt kẹo và nghề may thủ công, vì thế năm13 tuổi tôi đã được học nghề “kim chỉ”. Lúc đó, trường học của tôi có chương trình hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh và hầu hết bạn bè đều chọn nghề điện, còn tôi lại chọn nghề may. Lúc ấy ai cũng cười, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản, “chọn nghề không bao giờ hết việc”, nên quyết định chọn nghề “làm đẹp cho đời”.
Tôi đã có hai lần liều và cả hai lần đều thất bại. Lần 1, khi học xong cấp 3, tôi thấy loại hình karaoke đang được ưa chuộng nên liều vay hơn 2 cây vàng để mở quán kinh doanh. Trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm thương trường nên sau đó không lâu, quán phải đóng cửa và tôi bị vỡ nợ. Sau đó mất 1 năm tôi mới trả hết số nợ nần.
Lần 2, tôi khai trương cửa hàng thời trang bán sẵn. Tôi mở cửa hàng hoành tráng và vay lãi để có thể tung ra thị trường hàng nghìn bộ đồ thời trang cung cấp cho các shop thời trang lớn tại Hà Nội và khu vực phía Bắc. Nhưng do thiếu kiến thức về nhu cầu của thị trường và tâm lý khách hàng nên lượng hàng tồn luôn ở “chế độ”… khủng. Tôi lại “ôm” khoản nợ lớn, lần này, phải mất 5 năm tôi mới trả hết nợ.
Khi ấy, chắc hẳn anh nhìn cuộc đời toàn màu xám u tối?
- Lúc đó tôi đã có gia đình, vợ con, bạn bè và ôm một khoản nợ “ngập đầu”. Tôi cho rằng, cuộc đời mình đã rơi vào bế tắc, và một màu xám u tối đã bủa vây quanh tôi không lối thoát. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu thay đổi lại suy nghĩ, nếu cứ mãi thế này thì không ổn. Quyết phải thay đổi, tôi ước mơ mình trở thành NTK nổi tiếng, có bộ sưu tập riêng, có giải thưởng riêng… Và cái tên Đỗ Trịnh Hoài Nam phải được giới mộ điệu biết tới như một “hiện tượng” thời trang.
Để giúp mình có thể trở thành “hiện tượng” trong làng thời trang Việt Nam, anh đã quyết định thi vào Trường Đại học M¬ thuật Công nghiệp dù khá lớn tuổi?
- Đúng vậy, động lực đó khiến tôi quyết định phải làm những thứ đẹp, độc, lạ và khó. Khi đó tôi quyết định thiết kế cho một chính khách nữ bộ váy liền ngắn, mặc cùng áo vest và bà đã diện trang phục đó nơi nghị trường. Và chính vị khách này là “kênh PR bùng nổ hiệu ứng lan tỏa” giúp tên tuổi NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam “nổi như cồn”.
Giờ đây, những chính khách “diện đồ” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam không còn là hiếm. Tôi vui và tự hào lắm khi thấy các thiết kế của mình hiện diện trong những hội nghị, bữa tiệc quan trọng trong và ngoài nước. Một chính khách nữ xinh đẹp chia sẻ, bà được quan khách nước ngoài tấm tắc khen ngợi khi mặc bộ áo dài, họa tiết thêu thủ công Việt Nam. Họ ngắm nghía, thậm chí còn xin phép chạm tay vào bộ áo dài để cảm nhận. Cảm xúc dâng trào khi tôi được đón nhận những tình cảm ấy, bởi đó là cách mang hình ảnh, văn hóa của Việt Nam, hội nhập cùng văn hóa toàn cầu.
Phải chăng, với tinh thần làm việc nghiêm túc và sự say mê nghề mãnh liệt đã giúp cho anh gặt hái được những giải thưởng danh giá và chỗ đứng vững chắc trong làng thời trang Việt Nam?
- Khi sự cố gắng và vận may hội tụ, tôi được nhiều khách hàng, bạn bè yêu mến tin dùng sản phẩm. Đó là, phần thưởng giúp tôi không ngừng sáng tạo, khắt khe hơn trong từng mẫu thiết kế của mình. Các giải thưởng danh giá mà tôi đã từng đạt được như: Giải 3 Cuộc thi Mẫu thời trang Việt Nam lần thứ 5; Đoạt giải Chất liệu trong cuộc thi Việt Nam Collection Grand Prix 2004…
“Nét son đỏ” trong sự nghiệp của tôi, đó là bộ sưu tập khi tốt nghiệp Trường Đại học M¬ thuật Công nghiệp - bộ Gile “đa di năng” vừa là quần áo, vừa là túi xách, ba lô. Các thầy, cô và bạn bè ngỡ ngàng, đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, trầm trồ và thán phục. Tôi đã được điểm tối đa cho tác phẩm này, đạt 6/7 “con 10” đấy nhé.
Việc thiện là từ tâm, không phải là thành tích
Sản phẩm do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế đẹp, tinh tế, nhưng “hơi mắc”, giá lên tới 3.000 - 4.000USD. Tại sao lại có mức giá cao “ngất ngưởng” này, thưa anh?
|
- Sản phẩm của tôi có giá lên tới 3.000 - 4.000USD, nhưng vẫn có nhiều khách hàng đặt mua bởi nó làm cho người mặc đẹp hơn, sang trọng hơn. Theo tôi, thời trang tạo nên giá trị con người khi xuất hiện. Nó không đơn thuần là bộ quần áo, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Để may được một bộ đồ đẹp, không chỉ đơn giản là đo, cắt và may.
Tôi dành thời gian để trò chuyện với từng khách hàng để biết được những thông tin cần thiết về công việc họ làm, tính cách, sở thích, họ sẽ diện bộ đồ đó trong dịp nào, nơi nào...? để qua đó cảm nhận được “vẻ đẹp bên trong” mỗi “Thượng đế” của mình. Tôi rất hãnh diện khi nhận được những lời có cánh “bộ đầm của tôi có tâm hồn” từ khách hàng yêu thương.
Từ quản lý cửa hàng nhỏ cho tới thành lập công ty thời trang lớn có khiến anh gặp khó khăn gì không?
- Khi chuyển sang mô hình quản trị doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn quản lý nhà may nhỏ. Bởi vậy, tôi đã tự hoàn thiện mình bằng cách bổ sung thêm các kiến thức quản trị kinh doanh, theo các khóa học của ngân hàng thế giới và các trường danh tiếng trong nước để giúp công việc khoa học hơn. Nhưng tôi vẫn chuyên tâm vào việc thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực cho nhà may của mình. Vì thế, bất đắc dĩ, tôi vừa là NTK kiêm doanh nhân đấy.
Được biết, tháng 10 tới, NTK, doanh nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ có sự kiện trọng đại trong sự nghiệp của mình, anh có thể bật mí về điều này?
- Đúng vậy, từ tháng 9/2015 tới tháng 10/2015, tôi sẽ tổ chức Chương trình Tri ân khách hàng nhân dịp kỷ niệm Nhà may (Công ty Thời trang D&T) đón tuổi 20. Chúng tôi có món quà đặc biệt đó là 100 khách hàng đầu tiên sẽ được mua sản phẩm với giá từ 500 nghìn đồng - 5 triệu đồng/sản phẩm, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó.
Cuối năm nay, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean, nên tôi đưa ra ý định mở rộng thêm việc kinh doanh. Năm tới, tôi sẽ mở showroom, bán nhiều sản phẩm của các thương hiệu như Channel, Zara, hàng nhập từ Ý, Pháp và tất nhiên có các sản phẩm “made by” NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam... Mặc dù là sản phẩm nước ngoài nhưng có giá từ trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng/sản phẩm. Tôi luôn tự tin và không sợ cạnh tranh, bởi có thể sản phẩm của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam lại được yêu thích và lựa chọn nhiều hơn thì sao?!.
Được biết, trong những năm qua, anh rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện nhưng lại rất khiêm tốn khi chia sẻ về vấn đề này?
- Tôi nghĩ đơn giản, việc thiện là từ tâm, không phải là thành tích. Với tôi, làm việc thiện, đơn giản là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Và mỗi lần làm một việc thiện, dù nhỏ thôi, dường như cái đẹp trong tâm hồn sẽ tỏa hương.
Cảm ơn anh. Chúc anh luôn thành công trong công việc và cuộc sống!
“Mỗi tác phẩm thời trang của tôi trước hết phải có đủ điều kiện, có tiền để làm. Tức là nó phải có giá trị, bán được nhiều tiền. Giá trị của nó ở chỗ: Nó là độc nhất và người mặc nó sẽ thích phong cách đó vì nó đúng là con người ta và tôi biết khách hàng cần gì”.
Ảnh: Trương Đại Dương
Địa điểm: InterContinental Hanoi Westlake, số 1 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.