Nữ Chi cục trưởng Thi hành án dân sự chưa bao giờ vơi bớt niềm say mê với nghề

(PLVN) -Là lãnh đạo nữ ở đơn vị nhiều án trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc, đặc thù công việc khó khăn vất vả, va chạm quyền lợi các bên nhưng dường như với nữ Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) Hoàng Thị Thu Hằng chưa bao giờ chị vơi bớt niềm say mê với nghề.

Đề cao phương châm lấy vận động thuyết phục là chính

Từng qua rất nhiều đơn vị cấp huyện của Vĩnh Phúc (như huyện Mê Linh, huyện Bình Xuyên, TP Phúc Yên) đã đem đến cho chị Hằng nhiều trải nghiệm trong công tác. Mỗi địa bàn là một đặc thù cả về vị trí địa lý, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhận thức của người dân, khả năng thi hành án…đòi hỏi những người làm công tác thi hành án phải có những giải pháp hết sức phù hợp, vừa dứt điểm được các vụ việc, vừa giữ ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) Hoàng Thị Thu Hằng

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) Hoàng Thị Thu Hằng

Những ngày đầu nắm giữ cương vị Chi cục trưởng Chi cục TP. Phúc Yên (tháng 9/2018) chị cũng không tránh khỏi những lo lắng. “Phúc Yên là thành phố mới phát triển, với những điều kiện hết sức thuận lợi. Song cũng chính vì là thành phố mới với nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh sôi động cũng đặt ra cho thành phố nhiều vấn đề. Trong đó có an ninh trật tự. Hiện nay mỗi năm Phúc Yên phải thi hành khoảng 750 vụ việc. Nhiều vụ việc đặc biệt khó khăn, phức tạp”. Chị Hằng nhớ lại.

Là nữ Lãnh đạo trưởng thành từ cán bộ làm công tác Thi hành án nên chị Hằng hiểu rất rõ những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết thi hành án. Vì thế, nên đối với những vụ việc có giá trị lớn ngay từ ngày đầu thụ lý và giao cho chấp hành viên, với trách nhiệm là Chi cục trưởng chị luôn sát sao. Sát sao ở tất cả các khâu, từ tống đạt đến xác minh tài sản, kể cả quá trình phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Hàng tuần, hàng tháng, chị đều tổ chức họp bàn với các Chấp hành viên để lắng nghe báo cáo từng vụ việc, nhất là những vụ việc có nhiều vướng mắc để tìm biện pháp giải quyết.

Tập thể Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phúc Yên

Tập thể Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phúc Yên

Trong quản lý, điều hành, chị Hằng cũng chú trọng việc phân công công việc cho cán bộ, chấp hành viên trên cơ sở tính toán năng lực, sở trường và điều kiện của từng người, nhằm phát huy tối đa khả năng của mỗi cá nhân để đạt hiệu quả cao nhất.

“Cái khó của người làm thi hành án là đụng chạm đến quyền lợi của các bên, người được cũng khiếu nại, người bị cũng khiếu, chưa kể các đối tượng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, chị Hằng tâm sự. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa khiếu nại, chị Hằng luôn đề cao phương châm lấy vận động thuyết phục là chính, bất đắc dĩ mới phải cưỡng chế. Vì khi cưỡng chế nhà nước phải huy động lực lượng, người phải thi hành án thì phải chịu các chi phí liên quan….nói chung là “thiệt đơn thiệt kép”.

Tham gia cùng chấp hành viên trên mọi “mặt trận”

“Bản thân tôi cũng như các cán bộ, Chấp hành viên trong chi cục luôn coi trọng khâu xác minh nhân thân để từ đó nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh kinh tế của người phải thi hành án để kịp thời động viên thuyết phục họ tự nguyện thi hành, hạn chế tối đa việc gây bức xúc kích động các bên đương sự”. Phương châm ấy được bản thân chị Hằng áp dụng nhuần nhuyễn, từ đó lan toả đến toàn thể cán bộ, chấp hành viên trong Chi cục. Nhiều việc khó, chị không nề hà đi lại, gặp gỡ nhiều lần, chị cũng thường xuyên cùng các đoàn thể của địa phương như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn viên thanh niên xuống tận gia đình kể cả ngoài giờ hành chính động viên người phải thi hành án. Với tâm niệm, mưa dầm thấm lâu, người phải thi hành án sẽ hiểu và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.

“Đây là một trong những kinh nghiệm của đơn vị để thi hành dứt điểm nhiều vụ án kinh doanh thương mại có giá trị lớn nhưng không phải cưỡng chế kê biên. Chính vì vậy Phúc Yên là một trong những đơn vị ít có khiếu nại tố cáo trong quá trình giải quyết thi hành án”. Chị Hằng cho biết.

Tuy nhiên có nhiều vụ việc thời gian tự nguyện thi hành án đã hết, đương sự có điều kiện nhưng lần lữa, chây ỳ, tìm mọi cách né tránh thi hành án, chị Hằng cũng kiên quyết chỉ đạo thực hiện biên pháp cưỡng chế. Bởi theo chị, nếu thiếu kiên quyết với những trường hợp như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu, dung dưỡng cho những hành vi vi phạm.

Nhưng là lãnh đạo nữ, đối với những việc thi hành án hết sức cam go, dự báo có những tình huống chống đối bằng bạo lực, chị có ngại ngần gì không? Trước câu hỏi này, chị Hằng nói, lực lượng thi hành án chỉ làm theo pháp luật, án có điều kiện không thể không thi hành. Quá trình cưỡng chế, chưa bao giờ chị Hằng đứng ở vòng ngoài. Ngoài vai trò là người kết nối các ngành, chị còn trực tiếp xuống hiện trường, đi xác minh, chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành phần tham gia; hỗ trợ anh em trong cả quá trình thi hành án. Đặc biệt, khi có những tình huống phát sinh ngoài kế hoạch, phải quyết ngay để tránh tình trạng buổi cưỡng chế phải dừng, hoặc để đương sự chống đối gây thương vong hội đồng cưỡng chế, chị luôn có mặt kịp thời. Điển hình như vụ cưỡng chế giao tài sản nhà đất thành công với bản án đã 10 năm khiếu nại, tố cáo kéo dài ( vụ bà Lê Thị Phi và ông Trần Quốc Biên) tháng 11/2019, Chi cục thi hành án đã huy động hơn 200 lực lượng người tham gia cưỡng chế tạo tiếng vang và lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cơ quan pháp luật; Hay như vụ giao tài sản thừa kế vụ Định Thị Sáu và Đinh Văn Khá (địa chỉ: Xuân Hòa - Phúc Yên – Vĩnh Phúc). Từ những vụ việc như vậy, người dân tại khu vực thành phố Phúc Yên lấy đó làm bài học và tự nguyện trong những vụ,việc thi hành án sau này.

Nghề nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực hết sức

“Chúng tôi có thuận lợi rất lớn là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Cục THADS tỉnh, của Thành uỷ, HĐND, UBND, tạo điều kiện thuận lợi của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố, sự phối hợp tốt của các ban ngành liên quan trong thành phố…Cùng đó là sự đoàn kết, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công chức, người lao động của toàn đơn vị”, chị Hằng cho biết.

Dưới sự dẫn dắt của chị Hằng, Chi cục THADS Phúc Yên nhiều năm liền đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Riêng 10 tháng đầu năm 2021, tổng số việc thi hành xong trên tổng số việc phải thi hành của đơn vị là 387 việc, về tiền thi hành được 16.351.220.000đ, đạt tỷ lệ 86,0% về việc; 66,5% về tiền ( chỉ tiêu của Cục yêu cầu về việc là 83,7%; về tiền là 41,0% ). Kết quả thi hành của cá nhân chị Hằng trong 10 tháng của năm 2021 đã thi hành xong trên tổng số việc phải thi hành là 113 việc/116việc về tiền thi hành được 624,606,000 đồng /629,616,000 đồng . Đạt tỷ lệ về việc là 97,4%, về tiền là 99,2%. Trong đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống THADS (19/7/1946 -19/7/2021) cá nhân chị Hằng và tập thể đơn vị vinh dự được Cục Trưởng tặng Giấy khen. Riêng cá nhân chị Hằng, từ năm 2013 đến nay nhiều năm liền chị đã được các cấp trên khen thưởng nhiều thành tích cao quý, liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, riêng năm 2017 chị Hằng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Ngoài công tác chuyên môn, để nâng cao hiệu quả công tác, gắn kết thi hành án với cơ sở, Chi cục THADS Phúc Yên cũng tổ chức nhiều phong trào, nhiều đợt cao điểm về THA, gần đây nhất là phong trào thi đua “Giao tài sản trong thi hành án dân sự; giải quyết án tín dụng ngân hàng và thi đua thực hiện văn hóa công sở” . Chi cục cũng có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do Cục thi hành án tỉnh và thành phố phát động. Ngoài ra, đơn vị phát động cán bộ, công chức, người lao động đóng góp, ủng hộ bằng tiền cho gia đình cán bộ trong ngành thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn; tặng nhiều suất quà cho các em học sinh trường THCS, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công trên địa bàn thành phố...

Mặc dù có nhiều cố gắng và được ghi nhận trên nhiều mặt công tác, song chị Hằng vẫn còn nhiều trăn trở khi cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, án dân sự ngày càng gia tăng về số lượng việc và tiền phải thi hành, với nhiều vụ việc phức tạp, giá trị lớn, trong khi Phúc Yên chỉ có 5 Chấp hành viên; trong khi án kinh doanh thương mại ngày càng nhiều với số tiền phải thi hành ngày càng lớn; ý thức chấp hành pháp luật một bộ phận người dân còn hạn chế...Vì thế ngoài những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, chị Hằng cùng tập thể Chi cục cũng phải đưa ra, quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian trước mắt đặc biệt trong khi dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp.

Gắn bó với Thi hành án dân sự - một nghề đặc thù, nhiều nguy hiểm, nhất là khi người đứng đầu lại là nữ, vậy làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trao đổi với PV, chị Hằng cười vui “Nghề nghiệp nào cũng có những đặc thù, quan trọng là mình luôn nỗ lực vì nó”. Có lẽ chính vì quan niệm thật giản dị, khiêm nhường đó mà những năm qua dù trên cương vị nào chị Hằng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính tinh thần không ngại khó, ngại khổ, hết lòng vì công việc của chị đã lan toả đến các cán bộ, chấp hành viên trong Chi cục, góp phần là động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

Đọc thêm