Thiếu vắng những nụ cười
Có hai tuần ở Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, Caleb Fenton, 38 tuổi, nam du khách đến từ bang Cali, nước Mỹ đã đi thăm nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng Việt Nam. Anh đến Hà Nội, đi tham quan Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình. Sau đó đến Đà Nẵng, Hội An, dừng chân ở biển Nha Trang và kết thúc hành trình của mình, từ TP Hồ Chí Minh bay đi các nước Đông Nam Á khác. Fenton chia sẻ, chuyến đi của anh cực kì ấn tượng vì anh không ngờ Việt Nam, đất nước nhỏ bé lại có cảnh sắc đa dạng và xinh đẹp đến như thế, có biển đẹp thanh bình, có núi, hang động hùng vĩ, có những di tích cổ trầm lắng, cũng có nhịp sống rất sôi động, hiện đại. Đặc biệt, chất lượng phòng ốc phục vụ cho du lịch của Việt Nam đa dạng, hiện đại.
Việt Nam được đánh giá cao về cảnh sắc, bản sắc văn hóa, sự đa dạng sản phẩm du lịch... nhưng vẫn còn thiếu đi sự thân thiện. (Nguồn ảnh: Internet). |
Tuy nhiên, có một điều du khách Caleb Fenton chia sẻ rất đáng suy nghĩ. Theo anh, du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu đi sự cởi mở, thân thiện. Đó đây trên những chặng đường du lịch, Fenton vẫn gặp khó khăn khi nhờ đến sự hỗ trợ của những người chung quanh như hỏi đường, tai nạn nhẹ cần sơ cứu. Từ sân bay cho đến trên vỉa hè hay các điểm du lịch, anh thường có thói quen cười, chào mọi người chung quanh nhưng đôi khi chưng hửng vì đáp trả lại là những ánh nhìn ngạc nhiên, lạnh lùng hoặc quay đi. Fenton cũng cho biết mình “gặp khó” khi mức giá các dịch vụ mà anh dùng đến đôi khi không cố định, tăng giảm bất thường, có vẻ như là “tùy hứng” của người kinh doanh. Fenton cũng chưa đánh giá cao một số hướng dẫn viên du lịch trong nước, anh nhận định là một vài người “uể oải khi hướng dẫn cho du khách”, như là họ không yêu thích công việc của mình.
Những cảm nhận của Fenton có thể nói là một “tổng kết nho nhỏ” mà không ít du khách nước ngoài gặp khi đến Việt Nam, có cả mặt tốt và chưa tốt. Không chỉ du khách quốc tế, ngay cả bản thân người Việt đi du lịch trong nước cũng nhận về không ít “nỗi niềm”. Đó đây, nạn “nhìn mặt bắt tiền”, “chặt chém” vẫn còn trong ngành Du lịch. Không ít những điểm bán hàng chỉ thích tiếp đón du khách nước ngoài, xua đuổi người Việt, có những điểm đến mà người làm du lịch hách dịch. Vẫn tồn tại bún mắng, cháo chửi, những hành vi đeo bám, cách hành xử chụp giật, lừa đảo du khách...
Khi đến với một đất nước, một khu vực, điều du khách mong mỏi nhất không chỉ là cảnh đẹp, chất lượng sản phẩm du lịch, mà quan trọng còn là thái độ thân thiện, niềm nở của cư dân nơi ấy. Đó đây, những người kinh doanh hàng ngày như taxi, xích lô, nhà hàng, quán nước, bán đồ lưu niệm, kinh doanh lề đường... vẫn còn mang tâm lý mình là người làm dịch vụ nhỏ lẻ, “bán cho người qua đường không quay lại”, thế nên không chú trọng thái độ, không nâng cấp dịch vụ, gây khó chịu cho khách. Họ không hiểu rằng chính bản thân họ sẽ góp hình ảnh không nhỏ vào vẻ đẹp văn hóa, xã hội của địa phương trong mắt du khách.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nhiều người làm du lịch Việt vẫn còn rất “hám lợi”, đặt mục tiêu kinh doanh kiếm tiền lên hàng đầu thay vì trải nghiệm của du khách. Cạnh đó, đối với du khách quốc tế, yếu kém về ngoại ngữ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến du lịch Việt Nam “mất điểm” thân thiện. Sự ngăn trở, khó khăn khi giao tiếp với nhau khiến đôi bên khó lòng tìm được tiếng nói chung và thiện cảm, còn có thể dẫn đến hiểu lầm và gây ra sự bất mãn. Du khách nước ngoài cũng sẽ “gặp khó” khi cần đến sự giúp đỡ trong quá trình đi du lịch tại Việt Nam.
Một nụ cười tươi giữ chân du khách
Thái Lan được mệnh danh là “xứ sở của những nụ cười”, làm vui lòng du khách. (Nguồn ảnh: Internet). |
Từ 10 năm trước, những nhà quản lý ngành Du lịch đã nhận thấy được sự “thiếu nụ cười” trong du lịch Việt. Trong Dự thảo Đề án cải thiện môi trường du lịch Việt Nam ban hành năm 2013, một trong những giải pháp được Bộ VH,TT&DL đặt lên hàng đầu là khởi động chiến dịch “Nụ cười Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức, hành động và ứng xử thân thiện với du khách. “Nụ cười Việt Nam” nằm trong nhóm 14 giải pháp được đề ra trong Dự thảo Đề án cải thiện môi trường du lịch của Bộ VH,TT&DL, nhằm hướng đến những người tham gia vào ngành Du lịch cần nâng cao nhận thức, hành động và ứng xử thân thiện với du khách.
Sau 10 năm, thực tế, du lịch Việt đã có những bước chuyển mình đáng kể, đó đây, có những sự thay đổi ngoạn mục về chất lượng du lịch. Tác giả Danton Remoto đến từ Phillipine đã có bài viết trên tờ Manila Times, phân tích các yếu tố khiến ngành Du lịch Việt Nam thay đổi ngoạn mục sau 10 năm và được một số trang của Việt Nam trích đăng lại. Trong bài viết của mình, tác giả Danton Remoto chia sẻ ông đến thăm Việt Nam vào năm 2007 cùng với đoàn các giáo viên Philippines tham dự một hội nghị giáo dục quốc tế. Thời điểm ấy, TP HCM và Hà Nội năm 2007 vẫn còn chưa phát triển, nhưng đã có thể thấy một vài “điểm sáng” hứa hẹn.
Năm 2018, Danton Remoto mới có chuyến đi lần thứ 2 khi là diễn giả tại Hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả đã thực sự kinh ngạc khi nhận ra rất nhiều đổi thay “chóng mặt” theo hướng tích cực của du lịch Việt Nam. Trong bài phân tích của mình, Danton Remoto đã nêu ra những lý do khiến du lịch Việt thăng hạng trong những năm qua. Đầu tiên là sự ổn định chính trị và quản trị hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách dài hạn ưu tiên phát triển du lịch, dẫn đến tăng trưởng ổn định và bền vững. Danton Remoto còn đánh giá cao các chiến dịch tiếp thị xuất sắc của du lịch Việt đến với bạn bè quốc tế, sự phát triển nhanh và mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, chất lượng dịch vụ lưu trú... Việt Nam cũng đã thành công trong việc đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, phục vụ cho nhiều sở thích và sở thích khác nhau, nâng cao vị thế trong ngành Du lịch bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ, lòng hiếu khách và các tiêu chuẩn an toàn.
“Quốc gia này đã nuôi dưỡng văn hóa hiếu khách, đào tạo lực lượng lao động của mình để cung cấp dịch vụ đặc biệt. Nụ cười của chúng tôi là không đủ; Thái Lan cũng có. Văn hóa của chúng tôi là không đủ; Indonesia cũng có. Và Việt Nam đã chứng minh rằng họ có cả nụ cười và văn hóa, cũng như cơ sở hạ tầng bảo đảm trải nghiệm an toàn và vui vẻ cho du khách”, Danton Remoto kết luận.
Bài nhận định làm ấm lòng du lịch Việt, nhưng nhìn nhận thực tế, thì mặc dù từ 10 năm qua, đến thời điểm hiện tại, du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận về nhiều mặt, nhưng tiềm năng du lịch của chúng ta vẫn chưa được khai thác hiệu quả, nhiều mặt vẫn chậm, chưa đạt như kì vọng.
Khó mà so sánh thái độ làm du lịch của người Việt với người Thái, bởi với Thái Lan, “nụ cười” đã trở thành một thương hiệu. Thái Lan được mệnh danh là “thiên đường du lịch” của Đông Nam Á bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có sự thân thiện, nhiệt thành của người dân bản xứ. “Xứ sở của những nụ cười thân thiện” là biệt danh mà du khách quốc tế đặt cho Thái Lan. Đến với Thái Lan du khách sẽ luôn nhìn thấy nụ cười nở trên môi của những người dân thân thiện, lịch sự. Người Thái, dẫu có tham gia làm du lịch hay không cũng luôn có thái độ nhiệt tình và hiếu khách, khiến du khách luôn có cảm giác vui vẻ và được chào đón. Đó là điều mà du lịch Việt cần học, không ở đâu xa mà chính ở người hàng xóm của mình.
Để thay đổi được điều này không hề là chuyện nhỏ, bởi sự cải tiến không chỉ hướng đến thái độ của người làm du lịch đối với du khách, mà còn là thái độ sống của cộng đồng dân cư. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách từ lớn đến nhỏ cho toàn ngành. Trong đó có một số yếu tố khả thi cần sớm đẩy mạnh như việc đào tạo nhân viên trong ngành Du lịch về kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn và làm việc với khách hàng quốc tế có thể giúp họ trở nên thân thiện hơn và sẵn sàng tạo ra trải nghiệm tốt cho du khách; đầu tư vào việc học tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp có thể giúp nhân viên trong ngành Du lịch tương tác tốt hơn với du khách quốc tế. Cạnh đó, ngành Du lịch cần có những hoạt động truyền thông khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong ngành thể hiện sự thân thiện và nụ cười. Cùng với đó là các chính sách thúc đẩy du lịch cộng đồng nhằm khuyến khích cư dân địa phương giúp khách du lịch tương tác với cộng đồng địa phương và trải nghiệm sự thân thiện của cư dân bản địa.