Cái tên thuần Việt “Mi Đi A”
Bà Phan Thị Kim Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mi Đi A (trụ sở số 23A đường Đặng Tất, quận 1, TP HCM) vẫn thường được gọi với cái tên thân quen – Dung “Bình Dương”. Trong lĩnh vực điện ảnh, dù mới dấn thân vào ngành sản xuất phim lắm chông gai trở ngại, nhưng bà Dung chưa bao giờ nản chí.
Vốn là “con nhà nông” và từng là Bí thư xã Đoàn năng động tại xã Vĩnh Phú (Thuận An, tỉnh Bình Dương) những năm 1983 – 1990, vì đồng lương thời bao cấp không đủ sống, bà Dung vừa công tác, vừa kinh doanh thêm nghề thu gom khoai mì bỏ mối cho cơ sở bột mì, thu mua mía bán cho Nhà máy đường Bà Lụa (Bình Dương)…
Kinh nghiệm từ kinh doanh nhỏ lẻ, bà Dung chuyển sang kinh doanh ngành nghề nhà hàng, ăn uống, tiệc cưới. Có chút vốn lận lưng, năm 2008 bà chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu hạt điều. Thành công trong việc kinh doanh, bà Dung có tiếng ở Bình Dương như một nữ doanh nhân thành đạt.
Nhưng cuộc đời có nhiều bất ngờ, bà Dung bắt đầu dấn thân vào ngành sản xuất phim như một “cái nghiệp đã mang lấy vào thân”. Đó là vào năm 2010, trong một lần tình cờ nghe người bạn là Việt kiều kể về phim, quá trình sản xuất phim cũng như khó khăn, bà chợt muốn “ra tay góp sức” với người bạn. Bà Dung góp kinh phí vào bộ phim “Con gái vị thẩm phán”. Dù phải mất hai năm sau, bộ phim mới được công chiếu và thu lại cho bà Dung một khoản lợi nhuận không nhiều với một doanh nhân: 1 tỷ đồng. Kể từ đây, bà Dung bắt đầu dấn thân vào còn đường nghệ thuật thứ bảy.
“Tôi biết ngành sản xuất phim Việt Nam gặp không ít khó khăn. Nhà sản xuất gặp khó khăn ngay từ khâu kịch bản, đạo diễn, chọn diễn viên; đến lúc công chiếu cũng bị chèn ép. Nhưng tổ nghiệp đã chọn, tôi vui vẻ và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Nghề chọn người chính là cái duyên cái phận, mình phải làm cho tốt. Tôi muốn góp sức thay đổi được ngành điện ảnh lắm thị phi, non trẻ”, bà Dung nói.
Năm 2014, bà Dung tiếp quản Công ty Mi Đi chuyên đầu tư, sản xuất phim để chuyên tâm đầu tư hơn, đổi tên thành Công ty cổ phần Mi Đi A. Nhiều người bảo bà đặt tên sai chính tả, phải là Mê Đi A (Media) mới đúng. Nhưng bà Dung lại cho rằng cái tên Mi Đi A mới thuần Việt. Từ đây, bà Dung liên tiếp cho sản xuất các bộ phim truyền hình khá tiếng tăm như “Trận đồ bát quái”, “Tình thù 2 mặt” nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả.
“Phim truyền hình rất khó thu hồi vốn. Cả phim “Trận đồ bát quái” và “Tình thù hai mặt” đều không thu được lợi nhuận. Tôi phải mang tiền nhà ra đắp vào. Bởi vì mình chú tâm hơn vào nghệ thuật, vào cảnh quay và chưa có kinh nghiệm nên kinh phí vượt dự tính ban đầu. Nhưng tôi chấp nhận vì coi đó là kinh phí học nghề”, bà Dung chia sẻ.
Cho rằng phim truyền hình không còn ăn khách, bà Dung chuyển sang phim điện ảnh với bộ phim đầu tay “Tích tắc, anh yêu em”. Phim công chiếu khắp các rạp ở toàn quốc và trở thành một trong những phim ăn khách nhất lúc bấy giờ. Phim này mang lại cho bà Dung khoản lợi nhuận 1,5 tỷ đồng. Đó coi như một thành công bước đầu.
Không nản chí
Bà Dung chia sẻ: “Sau bốn bộ phim, tôi học được rất nhiều điều. Nhất là khâu chọn diễn viên. Hoặc là những diễn viên mới toanh, chưa từng đóng phim để khi đó họ cố gắng diễn cho thật tốt. Hoặc là diễn viên phòng vé”.
Trong những khâu sản xuất phim, bà Dung chú trọng nhất về vấn đề bản quyền, hợp đồng lao động, bảo hiểm sức khỏe cho diễn viên dù thời gian quay chỉ kéo dài từ 2 – 4 tháng, không dài trong lĩnh vực điện ảnh.
Như bộ phim sắp công chiếu tới “Ngốc ơi tuổi 17”, bà Dung tình cờ đọc trên mạng tác phẩm “Mang thai tuổi 17” của một tác giả trẻ. Muốn chuyển thể tác phẩm thành phim, bà Dung đã mất khá nhiều công sức, tìm kiếm được tác giả cuốn sách để mua bản quyền, xin chuyển thể.
Bà Dung nói: “Nhiều người bảo sách trên mạng, cứ lấy ý tưởng đó mà dùng, mình chỉ sử dụng 30% tác phẩm gốc thì có gì sợ kiện tụng. Nhưng tôi không làm thế. Mình ăn cắp chất xám của người ta là không chấp nhận được. Mình tôn trọng chất xám của người khác là góp phần tạo dựng cây bút mới cho nền điện ảnh nước nhà. Khi tôi tìm được tác giả, đó là một cô gái có hoàn cảnh khá khó khăn, bị khiếm khuyết. Tôi đã mua bản quyền và mời cô gái cộng tác vào phim như một lời cảm ơn, một sự giúp đỡ”.
Còn lúc quay phim, bà Dung luôn ký hợp đồng đúng luật, mua bảo hiểm sức khỏe cho diễn viên. Bà Dung rất coi trọng sức khỏe của cả đoàn phim nhất là vấn đề về an toàn thực phẩm.
Hỏi tại sao phim không thu được lợi nhuận nhưng bà vẫn cố theo, vì đã “đâm lao phải theo lao” hay vì lý do nào khác. Bà Dung nói: “Phải đi vào ngành sản xuất phim mới biết hết được sự chông gai của nghề, sự chèn ép từ nhiều phía. Thế giới điện ảnh thực sự phức tạp, mình mới vào nghề, họ thường gây khó khăn, tìm đủ đường để “phá bĩnh”. Có những lúc tôi cảm thấy đuối sức , mệt mỏi và muốn từ bỏ nghề. Nhưng dù phức tạp, ngành điện ảnh vẫn lôi cuốn nhiều người. Tôi muốn làm tất cả để cống hiến thật nhiều cho nền điện ảnh... Vì thế tôi phải quyết tâm để tiếp tục chiến thắng, tôi phải vượt qua mọi khó khăn để phấn đấu trở thành một nhà sản xuất phim được ghi nhận. Nó là một cái “nghiệp” của đời tôi chứ không phải nghề. Dù có phải dùng tiền nhà bù vào, tôi vẫn làm. Làm vì sự đam mê, vì cái tâm của chính mình”.
Đạo diễn Lê Cung Bắc nói về bà Dung: “Tôi làm phim gần 40 năm nhưng chưa thấy nhà sản xuất nào như bà Dung. Tôi gọi bà Dung là “bà liều mạng”. Liều mạng vì chưa từng có nhà sản xuất tay ngang mới vào nghề nào dám làm liền hai phim cùng một lúc. Phim này chưa đóng máy, lại tiếp tục đầu tư, sản xuất một phim khác”.
Bà Dung nói: “Tôi hy vọng những người yêu nghệ thuật, những ai xem giá trị nghệ thuật là trên tất cả thì hãy đồng hành giúp tôi. Còn những ai chỉ biết nói ngang nói ngược để chèn ép nhà sản xuất mới như tôi thì tôi sẽ quyết tâm kết hợp các nhà sản xuất khác dần loại bỏ”.