Sau 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Trường THPT huyện Ba Bể, cô giáo Ma Thị Cử được tín nhiệm luân chuyển nhiều vị trí công tác khác nhau như: Phó Chánh văn phòng Huyện ủy, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện, Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy và năm 2018 được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện.
Ở cương vị trọng trách cao hơn, bà Cử càng thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cán bộ là “làm đầy tớ của Nhân dân chứ không phải làm quan Nhân dân”, do đó, phải luôn thực hiện dân chủ với nhân dân.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Cử vui vẻ chia sẻ: “Làm lãnh đạo trên mảnh đất quê hương, nơi có gia đình, bạn bè, người thân sinh sống, bản thân tôi nhận được sự ủng hộ, động viên rất lớn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà tôi càng cần phải luôn có ý thức học tập, phấn đấu và tu dưỡng nhân tâm, công - tư rõ ràng trong giải quyết công việc”.
Một trong những “sợi chỉ nam” của bà để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ là luôn quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện tốt quy chế dân chủ, nêu gương bản thân, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với tập thể Ban Bí thư huyện, Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tham mưu, phụ trách đều hoàn thành đúng tiến độ thời gian và đảm bảo chất lượng.
Là Phó chủ tịch UBND huyện, phụ trách lĩnh vực kinh tế - xã hội và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện, trong những năm qua, bà Cử luôn chủ động, triển khai nhiều giải pháp cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.
|
Bà Cử chủ trì một cuộc họp của đơn vị. |
Bà nhận thức rõ, Ba Bể là huyện vùng cao, địa hình đi lại còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu… do vậy, tác động không nhỏ tới công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương. Vì thế, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Các nội dung, hình thức tuyên truyền được định hướng ngay từ đầu năm. Các kế hoạch, chương trình được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
“Trước đây, khi còn làm Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện, được tham gia Hội thẩm nhân dân, được dự các phiên tòa, được trực tiếp trò chuyện, tuyên truyền cho các bị cáo, tôi đã nhận ra rằng, pháp luật vốn khô khan, khó nhớ, để người dân đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao hiểu và chấp hành pháp luật thì người cán bộ cần gần dân, hiểu dân và tạo được sợi dây thông tin mật thiết với dân... Khi vận động tuyên truyền phải mềm mỏng, phân tích chỉ ra cho họ những hành vi tội phạm là sai, là vi phạm pháp luật để sau khi thi hành án trở về có thể hòa nhập vào cộng đồng”, bà Cử nói.
Trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, bà Cử đánh giá cao vai trò của các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Từ đó, huyện chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người người dân tộc, giàu kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán sinh hoạt địa phương. Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng như trình chiếu video, hình ảnh minh họa, tạo sự gần gũi, thu hút sự chú ý lắng nghe của người dân, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với những nỗ lực, đóng góp trên, bà Ma Thị Cử được đánh giá là người có tâm huyết đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương; được tặng nhiều Bằng khen của Trung ương và tỉnh về hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.