Nhắc đến NSND Tường Vy là người ta nhớ tới một giọng hát cao vút, trong trẻo và đầy nội lực. Nhắc đến Tường Vy là người ta nhớ đến một loạt những bài hát cách mạng đã “đóng đinh” với tên tuổi của bà. Và đặc biệt là đoạn giả tiếng chim hót lẫy lừng trong ca khúc “Cô gái vót chông” khiến chưa ca sĩ nào có thể vượt qua bà về sức sáng tạo…
Người được tổ nghề chấm…
NSND Tường Vy sinh năm 1938 tại Quảng Nam. 16 tuổi, khi bắt đầu bước chân vào quân ngũ, bà là một y tá ở Viện Quân Y 108. Nhưng rồi tổ nghề đã chấm bà, âm nhạc đã chọn bà dù bà sinh ra trong một gia đình chuyên làm nghề giáo. Sở hữu chất giọng cao, sáng và đẹp bẩm sinh, sau này lại được đào tạo bài bản về thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Sofia, Bulgaria nên Tường Vy có thể dễ dàng thể hiện bất cứ một cứ một sáng tác âm nhạc nào ngay cả với những ca khúc có giai điệu nhanh, nhiều nốt cao kịch tính.
NSND Tường Vy từng nổi tiếng với một loạt bài hát được phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam như “Tiếng đàn ta-lư” (Huy Thục), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp) và “Người con gái sông La” (Doãn Nho). Nữ nghệ sĩ nhanh chóng trở thành một trong những giọng hát hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 và thuộc thế hệ đàn anh, đàn chị của các nghệ sĩ tài năng sau này như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa…
Tiếng hát của NSND Tường Vy thậm chí còn vượt biên giới Việt Nam để đến với người dân của các nước láng giềng, bạn bè, được họ đón đợi và mê đắm. Suốt cả chặng đường làm ca sĩ cách mạng, NSND Tường Vy đã đi biểu diễn ở hàng ngàn địa điểm. Bà di chuyển không ngừng, được cử đi bất cứ nơi đâu bà cũng không ngần ngại. Thậm chí, sau này, khi đã nghỉ hưu, với chức danh Giám đốc Trung tâm nghệ thuật tình thương bà cũng vẫn… trên từng cây số.
Nhưng gặp NSND Tường Vy vào thời điểm này rất dễ vì bà đã ngừng di chuyển Bắc - Trung - Nam sau gần 25 năm gắn bó với Trung tâm nghệ thuật tình thương (gọi tắt là Trung tâm) vì tuổi già và bệnh tật khiến bà yếu sức hơn. Trung tâm ở Hà Nội cũng đã dần thu hẹp về quy mô. Trước đây bà có tới 6 đội nhóm chuyên đi biểu diễn nhưng hiện bà đã gửi 5 đội đi các trung tâm khác, chỉ giữ lại cho mình một nhóm duy nhất vì “tôi đã không còn đủ sức nữa” - bà tâm sự.
Bà nhớ lại, năm 1993, khi mới về hưu, nhớ lời Đại tưởng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở “về hưu nhưng không nghỉ”, bà muốn làm một điều gì đấy để tiếp tục có thể những hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Bà lại nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ tò mò đứng ngoài cửa nhà bà nghe bà luyện thanh… Rồi Trung tâm ra đời, đối tượng nhắm đến là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ngôi nhà của bà được trưng dụng làm địa điểm tập luyện hàng ngày cho bọn trẻ.
Những ngày đầu tiên hoạt động, Trung tâm duy trì bằng những đồng lương hưu của bà và một vài đóng góp nho nhỏ của các mạnh thường quân. Sau này bà quyết định nuôi chó Nhật để bán, số tiền bán được bà dành mua đàn cho lũ trẻ tập luyện, mua quần áo cho chúng biểu diễn. Nhưng rồi giống chó Nhật cứ 3 tháng lại thay lông một lần khiến bọn trẻ bị ho, bà quyết định bán hết đi…
Khó khăn vất vả duy trì như thế nhưng bà không nản. Đã có biết bao nhiêu thế hệ học sinh được bà dìu dắt, nâng đỡ, bước vào cuộc đời. Những Giáng Son, Khánh Thi, Phương Thu… đã có một vị thế khá vững, đã tạo dựng được tên tuổi đều được bà huấn luyện đào tạo từ khi mới 7 tuổi. Bà bảo, bà rất khắt khe khi làm bài kiểm tra đầu vào Trung tâm. Phải là những đứa trẻ thực sự có năng khiếu bà mới nhận bởi “nghệ thuật thì không thể chiếu cố”.
Chính vì thế có nhiều đứa trẻ vì quá mê “mẹ Tường Vy”, vì quá đam mê ca hát đã quay lại kiểm tra vài lần. Bà bảo, nhìn ánh mắt bọn trẻ bà thương lắm vì nhìn thấy sự say mê trong ấy nhưng cái tâm của một nghệ sĩ bắt buộc bà phải từ chối “để chúng nó còn có thời gian chọn đi một con đường khác”. Rồi khi nhìn thấy những đứa trẻ hát rất hay, bị tật nguyền do chất độc da cam, bà lại quay quắt lòng, dành nhiều thời gian cho chúng hơn để sẻ chia với chúng những mất mát, thiệt thòi mà chúng phải gánh chịu.
Nghệ sĩ Tường Vy thời trẻ dạy hát cho các tài năng nhí (ảnh tư liệu). |
Âm nhạc “phục hồi chức năng tâm hồn”
Bà tâm niệm, ở cuộc đời này không ai là người bất hạnh tuyệt đối, ai rồi cũng sẽ tìm thấy niềm vui cho mình trong cuộc sống nên đừng vội bi quan. Đó là quan điểm sống mà bà thường nói với bọn trẻ mỗi khi nghỉ giữa giờ tập luyện. Có lẽ cũng vì những lời chuyện trò tâm sự của “mẹ Tường Vy” mà bọn trẻ chuyên tâm học tập để khi cất cao tiếng hát, mang âm nhạc đi mọi ngõ ngách trên mọi miền Tổ quốc, chúng đã góp phần khẳng định quan điểm của bà “Trung tâm nghệ thuật tình thương là nơi “phục hồi chức năng tâm hồn”.
Bà mang những dòng thư viết vội, những cảm xúc mà những đơn vị, nơi Trung tâm đã từng biểu diễn ra đọc cho chúng tôi nghe. Bà nói, từng chữ, từng lời như tiếp thêm sức mạnh cho bà, khiến bà thấy con đường bà đã lựa chọn để đi tiếp sau khi được nghỉ hưu đúng đắn nhường nào. Thế mới biết một nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng như Tường Vy đã trân trọng tình cảm của từng khán giả ra sao. Bà không ngần ngại đọc lên đoạn mà mình tâm đắc nhất cho chúng tôi nghe với vẻ tự hào.
Chưa hết, bà còn tự hào với những lứa nghệ sĩ khuyết tật bà đỡ đầu đã được hái những quả ngọt… Từ Hà Chương, một nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị, cách đây 20 năm vào Trung tâm của “mẹ Tường Vy” giờ đã có gia đình, vợ con đang là chủ công một đội biểu diễn ở Đà Nẵng… đến Hoàng Mạnh Cường, một người khiếm thị được mẹ Tường Vy nhận vào Trung tâm, hiện đã có thể dạy nhạc cho nhiều câu lạc bộ khuyết tật. Rồi Đinh Quang Vũ tật nguyền, thành viên Trung tâm âm nhạc Hào Nam, được “mẹ Tường Vy” nhào nặn, bây giờ đã là ca sỹ hát văn tại phố cổ Hà Nội vào các tối cuối tuần…
Trò chuyện với bà vào những ngày Hà Nội đang đón những đợt lạnh đầu đông càng cảm nhận được ngọn lửa trong bà đã sưởi ấm bao nhiêu trái tim tổn thương từ những khó khăn của cuộc sống. NSND Tường Vy kể, có những đợt đã đưa các nhóm đi biểu diễn rồi mà bà vẫn nhận được điện thoại tâm sự “Mẹ ơi, chúng con vào đúng đợt bão, 5 ngày rồi vẫn chưa diễn được cho bà con xem”, rồi thậm chí cả điện thoại đề nghị “gửi tiền gấp vào cho con”…
Cũng bởi Trung tâm như một nơi “phục hồi chức năng tâm hồn” nên không đặt nặng vấn đề kinh phí, cứ có lời mời giao lưu là lên đường… Địa điểm biểu diễn lại thường ở các vùng sâu, vùng xa nên chuyện “hụt ngân sách” là chuyện thường ngày. Nhưng bà không vì thế mà kêu ca, không vì thế mà bớt đi các chương trình biểu diễn của các con. Một mặt bà vẫn động viên chúng, mặt khác bà âm thầm kêu gọi hỗ trợ phần nào kinh phí để bà duy trì hoạt động của Trung tâm.
Bây giờ khi sức đã yếu, bà phải vịn từng bước khó nhọc để bước lên các bậc cầu thang trong nhà nên không thể trực tiếp ra ngoài kêu gọi các mạnh thường quân. Bà lo lắng cho các con, cho hoạt động của Trung tâm. “Nhưng tôi phải dừng thôi vì sức khỏe đã không thể cho phép”. Bà nói mà giọng cứ nghẹn lại. Có lẽ bà đang lo lắng cho bọn trẻ mà bà đã giúp đỡ, cưu mang.
Chia sẻ về đời tư, bà bảo sự nghiệp ca hát của bà thành đạt nhưng hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi chia tay chồng, bà sống đơn thân từ đó đến nay. Bà chỉ có một con trai duy nhất là nhạc sĩ Trần Hùng (chồng của ca sĩ Ngọc Anh 3A) nhưng con cháu bà đều định cư bên Mỹ. Trong câu chuyện, bà tâm sự mình rất hợp với cô con con dâu Ngọc Anh, có lẽ do hai mẹ con cùng nghiệp ca hát. Các con muốn đón bà sang đó nhưng bà không bằng lòng. Trong thâm tâm, bà lại muốn con trai mình tiếp tục sự nghiệp của mẹ nhưng các con bà hiện đang sinh sống ở Mỹ, khó có thể tiếp quản được công việc ở Việt Nam. Hiện bà sống cùng cô giúp việc, hàng ngày bà vẫn gặp gỡ, trò chuyện với con cháu ruột của mình qua màn hình vi tính.
Nhưng trước khi chính thức dừng "cuộc chơi" với con đường nghệ thuật, bà vẫn chưa ngừng suy nghĩ cho bọn trẻ, bà vẫn soạn công văn gửi đến các cơ quan, xin kinh phí lo lắng cho bọn trẻ con cái Tết này. Hỏi bà “yếu sức như thế này bà có khi nào nhớ nghề hát của mình không”. Giọng bà đột nhiên chắc nịch “tôi vẫn hát chứ” rồi cất cao giọng hát với bài “Thuyền và biển”… Bà vẫn say sưa hát, còn chúng tôi ngồi cạnh ngạc nhiên vì chuyện trò với chúng tôi nhiều khi bà còn phải dừng lại để thở nhưng khi cất tiếng hát, giọng Tường Vy vẫn nội lực dù không còn mạnh mẽ như trước đây…