Nữ ’nhạc trưởng’ một mô hình Ngày pháp luật

 Đó là bà Nguyễn Thị Mười Hai, Bí thư chi bộ ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện chợ Gạo, Tiền Giang. 60 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, bà được Tư pháp tỉnh tín nhiệm giao xây dựng một mô hình Ngày Pháp luật đặc biệt ở ấp Mỹ Thạnh, làm điểm để nhân rộng trên toàn tỉnh.

Đó là bà Nguyễn Thị Mười Hai, Bí thư chi bộ ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện chợ Gạo, Tiền Giang. 60 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, bà được Tư pháp tỉnh tín nhiệm giao xây dựng một mô hình Ngày Pháp luật đặc biệt ở ấp Mỹ Thạnh, làm điểm để nhân rộng trên toàn tỉnh. Không phải cán bộ biên chế ngành Tư pháp, nhưng những gì bà làm được đáng để rất nhiều người trong ngành phải nghiêng mình nể phục, học hỏi.

Sáng kiến từ những gian nan bước đầu

Bà Nguyễn Thị Mười Hai - dì Mười Hai không phải dân gốc Mỹ Thạnh. Bà về làm dâu nơi đây ngót nghét vài chục năm, bà con anh em  hoàn toàn không có ai ở vùng này. Đó là một trong những cái khó của bà bước đầu khi tuyên truyền pháp luật cho người dân. “Năm 2004, nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ ấp, tui băn khoăn nhiều lắm.

Dì Mười Hai với ống tre “báo động”- một sáng kiến của bà nhằm đảm bảo an ninh ấp

Bà con sau giờ làm đồng chỉ muốn nghỉ ngơi, tụ tập nhậu nhẹt, không muốn dành thời gian đi họp để mình phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tui nghĩ mãi, rồi quyết định… xách giỏ xuống tận từng khu dân cư, ăn dầm nằm dề thuyết phục bà con”.

Ban đầu, để phổ biến chính sách, tuyên truyền pháp luật thông, bà tổ chức các buổi họp dân, mặc dù nhiều người dân không hề hưởng ứng. 5 , 7 người bà vẫn cho họp. Rồi sự “mưa dầm thấm lâu” quả nhiên hiệu nghiệm, đến năm 2005, bà vui mừng khi những buổi họp dân đã tham dự đến 90%.

Từ những kết quả trên, cộng với việc được đánh giá là luôn nhiệt tình, nhiều sáng tạo, tư pháp xã đã trình lên huyện, huyện trình lên Tư pháp tỉnh để xuất Dì Mười Hai là người xây dựng và thực hiện Ngày Pháp luật khi ngày này được chủ trương áp dụng sâu rộng trên toàn tỉnh.

“Với lại, cái khó chung của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật là nhận thức người dân chưa cao, đối với người dân pháp luật là một cái gì đó còn rất xa vời, chưa thiết thực, gần gũi với đời sống của họ. Bởi vậy, nếu Ngày Pháp luật cứ thực hiện theo kiểu tổ chức hội họp thông thường mỗi tháng một ngày thì khó mà thấm hết vào tất cả các đối tượng nhân dân”, dì Mười Hai tâm sự. Với những nhận định trên, dì Mười Hai với sự chỉ đạo của tư pháp địa phương bắt tay xây dựng một mô hình Ngày Pháp luật mới mẻ và thiết thực áp dụng cho ấp Mỹ Thạnh.

Đầu tiên, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật được lồng vào các buổi họp hàng tháng của các Tổ tự quản. Hoạt động của các Tổ tự quản rất phong phú, liên quan đến các vấn đề đời sống dân sinh, rất thu hút người dân, các buổi họp tổ dân đặc biệt hào hứng tham gia, và nhờ đó mà việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật cũng “hưởng lây” .

12 Tổ tự quản của ấp Mỹ Thạnh còn được bà phân “chuyên môn” riêng: Nhóm An toàn giao thông, Nhóm không sinh con thứ 3, Nhóm không bạo hành gia đình… với những cam kết ngầm làm theo tôn chỉ của nhóm. “Mỗi Ngày pháp luật, mỗi nhóm sẽ chủ trì. Vì theo kinh nghiệm của tui, nếu vấn đề lien quan đến kiến thức pháp luật mà cứ đem ra nói sa sả thì bà con không ai thèm nghe hết, cứ ai nấy nói chuyện riêng.

Còn mình đem từng chủ đề lien quan đến đời sống hàng ngày như dạo này tại nạn nhiều, phải làm sao cho con em chấp hành luật giao thông, nếu bị chồng đánh phải làm gì…, chẻ nhỏ ra mà bàn luận mỗi “Ngày” một vấn đề thì dân sẽ nghe và bàn sôi nổi hơn”. 60 tuổi, nhưng mỗi tháng bà có ngót nghét… 17 buổi họp, cũng là 17 Ngày Pháp luật, với 12 Tổ tự quản, họp Hội phụ nữ, họp chi bộ Đảng…

Niềm vui của người phụ nữ “mê” tuyên truyền pháp luật

Những sáng kiến của bà không dừng lại ở đó. Ở tuổi 60, dì Mười Hai chưa bao giờ để đầu óc và tay chân được nghỉ ngơi. Nhiều “sáng kiến” nhỏ mà lợi hại của bà khiến nhiều người trẻ còn phải ngạc nhiên: “Tui tổ chức Ngày Pháp luật cũng theo “thời vụ” như làm nông vậy: Tháng 9 nói chuyện về giao thông đường bộ, tháng 10-11 mùa cưới thì nói về hôn nhân gia đình, tháng 12 đến mùa vận động nghĩa vụ quân sự thì nói về nghĩa vụ với Tổ quốc…”.

Cái hay là sau mỗi quý, bà  Dì Mười Hai đều tổ chức một buổi thi nho nhỏ tìm hiểu kiến thức pháp luật. Những kiến thức đã đem ra trao đổi cho dân, bà lập thành câu hỏi, trắc nghiệm lại trong các buổi “thi” này. Người trả lời đúng nhiều nhất sẽ được “phần thường” là một hiện vật giá trị nho nhỏ: chai nước rửa chén, bịch xà bông… “Vui thôi, nhưng dân người ta thấy hào hứng. Có người ôm quà về còn nói lại: Lần sau con học bài kĩ để rinh quà tiếp nha dì Ba”. Hỏi bà tiền đâu mua quà, bà cười “tui vận động Hội phụ nữ (bà nguyên là Chủ tịch Hội phụ nữ huyện), không thì tự bỏ tiền túi ra”.

Tổ hòa giải của ấp gồm 7 người, bà là tổ phó, cũng năng nổ hết mình. Dân ở ấp nể bà không chỉ khi “đụng chuyện” lên gặp, bà giải quyết gọn hơ, mà ngay khi họ chưa nhờ đến, chỉ cần nghe dân báo có tranh chấp là bà đã tức tốc xách giỏ đến tận nơi, cặn kẽ dung kiến thức pháp luật, sự kiên trì và tận tâm của mình để giảng giải, khuyên bảo họ. “Có cặp vợ chồng kia suốt ngày lục đục, chồng đánh vợ hoài. Tui xuống ở trong nhà mấy ngày, lấy tình lấy lý, lấy luật pháp mà rủ rỉ, vậy mà cuối cùng hòa nhau, bây giờ hạnh phúc lắm”.

Hành động “xách giỏ” xuống nhà dân ở được bà áp dụng bao nhiêu năm trời, từ gia đình lo bài bạc không chí thú làm ăn cho đến trẻ vị thành niên hay vi phạm pháp luật, và chiêu “rủ rì rù rì” của bà đều đạt được hiệu quả như mong đợi. Vì thế cứ sau mỗi lần thuyết phục, tuyên truyền bà lại có thêm những người gọi chị nuôi, mẹ nuôi, bà ngoại nuôi…

Để bảo đảm tư vấn, tuyên truyền cho dân kịp thời và hiệu quả, dì Mười Hai tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật thiết yếu. Trong nhà bà có một tủ sách pháp luật nho nhỏ, trong đó có nhiều sách luật, tờ rơi, thông tư và… cơ man là bằng khen các cấp, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng bà mới đây nhờ “dân vận khéo”.

Nói về dì Mười Hai, trong một cuộc trò chuyện, ông Phạm Văn Chính, Phó giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang nhận định vui: “Sức làm như của dì Mười Hai thì… người trẻ còn chịu thua. Mô hình của Mỹ Thạnh coi như là hàng đầu tỉnh rồi, nhưng còn việc áp dụng thì chưa làm ngay được. Vì vấn đề là ở việc tìm cho ra trên mỗi địa bàn một hạt nhân cỡ như… dì Mười Hai. Mà với đồng lương và trợ cấp như trên, dễ dầu gì…”

“Tui làm chủ yếu vì say mê, vì yêu quý người dân, vì mong muốn người dân hiểu biết pháp luật, chứ còn tiền lương hay phụ cấp thì…”- dì Mười Hai cười phúc hậu. Hàng ngày, người ta vẫn thấy bà đi về tất bật với việc buôn bán, việc nhà và nhất là công việc của một nhạc trưởng mô hình Ngày Pháp luật của ấp Mỹ Thạnh.

Ngọc Mai

Đọc thêm