Nữ sinh lớp 7 sinh con tại Bắc Giang: Hồi chuông cảnh báo cho các gia đình

(PLVN) -  Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định tạm giữ Nông Văn Minh (SN 2006; ngụ tổ dân phố Đình, thị trấn An Châu, Sơn Động) để điều tra hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Nghi phạm Nông Văn Minh (còng tay). Ảnh: Công an Bắc Giang

Minh được xác định có quan hệ tình cảm yêu đương với bé gái sinh năm 2010 (ngụ xã An Bá) làm cháu này mang thai và sinh con vào ngày 11/2/2023 tại nhà tắm gia đình. Tại thời điểm này nạn nhân dưới 13 tuổi.

Luật gia Chu Văn Quân cho biết, nữ sinh đã trải qua thời gian mang thai nên có thể xác định thời điểm nữ sinh quan hệ tình dục khi chưa đủ 13 tuổi. Do đó, dù thuận tình hay trái ý muốn, thì hành vi quan hệ tình dục với người chưa đủ 13 tuổi đều cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 BLHS.

Cụ thể, người nào giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi hoặc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm.

Mặt khác, nghi phạm sinh ngày 30/12/2006, thời điểm thực hiện hành vi vào khoảng tháng 5/2022, khi đó chưa đủ 16 tuổi. Theo khoản 2 Điều 101 BLHS: “Với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Như vậy, trường hợp nghi phạm bị kết án về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo khoản 2 Điều 142 BLHS, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là không quá 10 năm tù.

Theo quan điểm của LS Nguyễn Thị Trang (Đoàn LS Hà Nội), trong sự việc, cả nghi phạm và nạn nhân đều còn quá trẻ nên các em chưa đủ khả năng để nhận thức đánh giá đầy đủ mức độ và tính chất, cũng như những hậu quả nghiêm trọng của sự việc. “Do đó, các cơ quan chức năng và xã hội cũng nên có cách thức tiếp cận giải quyết vụ việc một cách nhân văn, thấu tình đạt lý để các em đều có thể sớm vượt qua việc này và trở lại cuộc sống bình thường”, LS nói.

Cũng theo LS Trang, “sự việc như một hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói riêng và người chưa thành niên nói chung. Cần có những cách thức quản lý, chăm sóc, giáo dục để thấu hiểu, nắm biết những sự biến đổi, phát triển về thể chất và tâm, sinh lý của các em, cũng như hạn chế những tác động xấu từ xã hội”.

Đọc thêm