“Khi mới thi xong, em cũng đã tự tính và dự kiến được số điểm này. Tuy nhiên, lúc chờ để xem điểm thi, em vẫn hồi hộp lắm” – Thảo vui vẻ nhớ lại. Và khi biết kết quả môn Toán được 9,8, môn Hóa và Sinh được 10 điểm, là thủ khoa của khối B, Thảo thấy như mình đang có một giấc mơ.
Cô con gái nhỏ tự lập
Việc đầu tiên Thảo xin mẹ được làm sau khi biết điểm thi là… ra tiệm cắt tóc.
Chị Mỹ, mẹ của Ngọc Thảo, nói rằng từ khi sinh Thảo ra đến giờ, chị là người cắt tóc cho cô bé. Lần này, Thảo gọi điện cho chị bảo rằng con muốn đi cắt tóc cho thoải mái sau những ngày thi cử và chờ đợi kết quả căng thẳng.
|
Chị Mỹ kể chị nuôi Thảo rất… đơn giản. Khi Thảo còn nhỏ, học mẫu giáo, cô bé đã dễ dàng giành được phần thưởng trong các cuộc thi dành cho thiếu nhi. Tới khi con học cấp 1, công việc quá bận, chị gần như giao phó việc học hành của con cho nhà trường, thầy cô.
“Cô giáo của Thảo khi đó là cô Liên có bảo mình rằng cứ yên tâm đi, bé này rồi sẽ rất phát triển”.
Tới cấp 2, chị Mỹ thấy Thảo “vừa học vừa chơi, không đi học thêm nhưng kết quả học tập vẫn nhất khối, nhất trường”.
Tới năm Thảo lên lớp 10, vợ chồng chị hướng dẫn con thi vào Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) – ngôi trường cách nhà hơn 30km.
“Mình bảo con thi đỗ thì học ở đấy, không thì lại về quê học. Gọi là quê, vì gia đình mình sống ở Ngã Bảy, Hậu Giang, điều kiện còn khó khăn chứ không được như ở thành phố Cần Thơ”.
Thảo thi và đỗ. Cô gái nhỏ bé rời gia đình, tới sống ở một nơi xa lạ nhưng mau chóng hòa nhập. Những năm lớp 10, 11, mỗi cuối tuần bố mẹ đón Thảo về nhà chơi hoặc mẹ sẽ lên ngủ lại cùng với Thảo. Nhưng tới năm lớp 12, Thảo bận học thi, chị Mỹ cũng học để thi tốt nghiệp chuyên khoa I, nên cả một năm trời, mẹ con ít khi gặp nhau.
Cho con đi học xa, gia đình chị Mỹ chỉ giao hẹn là con phải học đạt loại khá trở lên, và đi ngủ trước 11h đêm. “Giao hẹn thế thôi, nhưng khi gọi điện về nhà Thảo vẫn kể là được môn này, môn kia 9, 10 điểm, thi đội tuyển học sinh giỏi, thi Olympic học sinh…”.
Tới khi con chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học, anh chị cũng cho con quyền tự quyết. “Chúng tôi bảo cháu là ba mẹ rất bận, nếu con đi ngành khác sẽ không hướng dẫn được, còn nếu theo nghề y thì sẽ chỉ bảo được đôi chút. Thảo nghe vậy và quyết định thi Y. Trước đó, con đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại thương, ngành Tài chính quốc tế”.
Hầu như không đi học thêm
Ngọc Thảo cho biết em sẽ theo học ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Em theo đuổi mong muốn học ngành y từ những năm học lớp 8, lớp 9. Thảo dự định sau này sẽ theo chuyên ngành Da liễu hoặc Chẩn đoán hình ảnh.
“Giúp mọi người làm đẹp hay trở thành bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giỏi là một trong những mục tiêu của em. Tuy nhiên, đấy cũng mới chỉ là dự định, sau này còn môi trường, còn trải nghiệm, rồi em mới có quyết định chính thức về hướng sẽ đi” – Thảo tâm sự.
Nhìn lại quãng thời gian học phổ thông, Thảo cho biết em có ý thức tự lập trong học tập từ khá sớm khi thấy ba mẹ quá bận rộn với công việc. Khi còn học cấp 2, hầu như em không đi học thêm.
Tới những năm cấp 3, kinh nghiệm của Thảo là trong quá trình học tập, điều quan trọng đầu tiên là phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Vì vậy, em học rất vững lý thuyết và các chuyên đề. Sau đó, em mới tập trung luyện đề.
“Hôm nào em cũng đi ngủ trước 11h đêm chứ không thức quá khuya để học. Ngoài ra, em vẫn dành thời gian để thư giãn, giải trí như xem youtube, đi chơi với bạn bè để bớt căng thẳng. Khi đó, việc học cũng sẽ hiệu quả hơn.
Thời gian tới, ngoài việc học trên trường, Ngọc Thảo cho biết em sẽ dành nhiều thời gian cho Tiếng Anh - môn học mà em trót bỏ bê khi học cấp 3 vì mải tập trung cho các môn thi đại học.