Gương sáng Pháp luật

“Nữ tướng” cháy hết mình với ngành Tư pháp Tuyên Quang

(PLVN) - Trong Công văn 2088/UBND-NC của UBND tỉnh Tuyên Quang về lựa chọn, đề cử cá nhân tham gia chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nguyễn Thị Thược được đánh giá là người tâm huyết với ngành Tư pháp, công cuộc cải cách hành chính, phục vụ nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Tuyên Quang.
Bà Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Tuyên Quang.

Tâm huyết với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số

Một trong những dấu ấn của bà Thược cùng tập thể Sở Tư pháp là đã rất tích cực và chủ động để đảm bảo quyền công dân cho những người tự nhận “tộc Thủy”. Trước đó, quá trình triển khai đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp nhận được phản ánh về việc các cơ quan đăng ký hộ tịch không thực hiện được việc đăng ký hộ tịch cho người dân do thành phần “dân tộc Thủy” không có trong hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; không có trong thành phần các dân tộc Việt Nam theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê.

Bà Thược đã chỉ đạo Phòng chuyên môn thực hiện việc rà soát và nắm bắt tình hình về việc đăng ký và quản lý hộ tịch đối với người “tộc Thủy” trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, có 28 hộ với 111 nhân khẩu đã được cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh “dân tộc Thủy”, một số công dân này đã được cấp Sổ hộ khẩu, CMND là “dân tộc Thủy” theo khai báo tự nhận của người dân.

Để việc đăng ký và quản lý hộ tịch phù hợp với quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi người dân, Sở Tư pháp đã tham mưu báo cáo Bộ Tư pháp, phản ánh ý kiến cử tri đến Đoàn ĐBQH tỉnh về vướng mắc trên. Sau một số lần làm việc, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc sau đó đã có văn bản hướng dẫn về việc ghi thành phần dân tộc; theo đó hướng dẫn ghi mục dân tộc theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ, hướng dẫn công dân tự nhận “dân tộc Thủy”, và thể theo nguyện vọng của đa số được chuyển thủ tục giấy tờ như Giấy khai sinh, CCCD, CMND… ghi sang danh mục dân tộc Phà Thẻn.

Quá trình triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Tư pháp đã phối hợp Công an tỉnh thực hiện tuyên truyền, vận động công dân tự nhận “tộc Thủy” chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện xác định lại sang dân tộc Phà Thẻn hoặc theo dân tộc của người cha hoặc người mẹ. Đến nay, những người tự nhận “tộc Thủy” đều đã được xác định lại dân tộc, quyền lợi công dân được đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành.

Trên đây chỉ là một trong những sự việc cho thấy công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được thực hiện tốt tại Tuyên Quang. Bà Thược cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác này, bà đã trực tiếp tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị chuyên đề lãnh đạo triển khai thực hiện công tác PBGDPL và nhiều chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện công tác PBGDPL.

Sở Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; nâng cấp, phát huy hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Sở; linh hoạt, biến hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp từng đối tượng và tình hình thực tiễn; tập trung tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội Facebook với Fanpage “Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang” để người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu.

Sở Tư pháp cũng rất tâm huyết với công tác PBGDPL cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Bản thân bà Thược đã đăng ký, làm Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, qua đó đã đề xuất được nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Điểm sáng” cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ

Bà Thược cho hay, với suy nghĩ “mọi sự đều phải đắt đầu từ thể chế”, bà chỉ đạo đơn vị chủ động tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của tỉnh. Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL trong Bộ chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính của Tuyên Quang do Sở Tư pháp chủ trì thực hiện hàng năm đều đạt kết quả cao, năm 2019 đứng thứ 5/63 tỉnh thành (tăng 8 bậc so với 2018).

Bà Thược bàn giao công trình đường điện Thắp sáng cho thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quang, huyện Yên Sơn.

Bà Thược bàn giao công trình đường điện Thắp sáng cho thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quang, huyện Yên Sơn.

Bà Thược cũng chỉ đạo đổi mới phương thức thẩm định các dự thảo VBQPPL, cá nhân hóa trách nhiệm của mỗi chuyên viên thẩm định chuyên sâu theo từng lĩnh vực, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định, loại bỏ nhiều chính sách quy định không phù hợp và thiếu tính khả thi; mục đích để ý kiến thẩm định chính xác, thuyết phục, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL.

Sở Tư pháp cũng là một trong những đơn vị “tiên phong” ứng dụng công nghệ. Từ 2013, sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở, bà Thược đã cài đặt đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Sở, triển khai tới Phòng Tư pháp cấp huyện; năm 2016 triển khai Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch 3 cấp; hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tỉnh... Đến nay Sở đang quản lý sử dụng 15 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp; khai thác tối đa lợi thế của mạng xã hội Facebook, Zalo để trao đổi công việc, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ của công chức, người lao động và PBGDPL.

Vị Giám đốc Sở này cũng thể hiện sự chỉn chu trong mọi công việc khi chỉ đạo sắp xếp lại các phòng làm việc để tiết kiệm điện khi sử dụng máy điều hòa và các thiết bị dùng chung, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng từ các giải pháp này.

Trong công tác cải cách hành chính (CCHC), bà Thược cho hay, có phương châm hành động “CCHC là công việc phải làm hàng ngày, với mọi lĩnh vực, từng người; ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua; năm sau phải CCHC tốt hơn năm trước; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để việc thực hiện CCHC được tốt hơn”.

Xác định CCHC thực chất, không chạy theo thành tích, trong thời gian qua, bà Thược cùng với tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Thành lập và đưa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở đi vào hoạt động sớm nhất trong các cơ quan đơn vị cấp tỉnh; triển khai dịch vụ công trực tuyến, chủ động ký kết quy chế phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện dịch vụ công bưu chính công ích; khắc phục triệt để việc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Hiện Sở Tư pháp không có hồ sơ trễ hẹn với người dân, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước hạn đạt 99,4%; xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức làm việc chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân trách nhiệm, tận tình, chu đáo; không hạch sách, không tiêu cực. Chính vì vậy, Sở Tư pháp được đánh giá, xếp hạng nhất về Chỉ số cải cách hành chính 7 năm liên tục (từ 2014 - 2020).

Bà Thược được đánh giá luôn sát sao trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, đề xuất các giải pháp hợp tình, hợp lý trong việc giải quyết các vụ việc vướng mắc thi hành pháp luật ở địa phương, tháo gỡ nhiều khó khăn tưởng chừng “không có lối thoát”.

Sở Tư pháp Tuyên Quang nhiều năm qua luôn được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tuyên Quang đánh giá cao; 4 năm được Bộ Tư pháp xếp hạng A (xuất sắc), được tặng 2 Cờ thi đua ngành Tư pháp, 2 Bằng khen của Bộ Tư pháp; được UBND tỉnh tặng 2 Cờ thi đua, 13 Bằng khen...

Riêng bà Thược được tặng 2 Bằng khen của Thủ tướng, 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 3 Bằng khen của Chủ tịch tỉnh, là 1 trong 30 “Gương sáng Tư pháp” năm 2015; liên tiếp 4 lần được Bộ Tư pháp công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp (giai đoạn 2001-2005, 2005-2010, 2010-2015, 2015-2020).

Từ 2019 đến nay, bà Thược trực tiếp chỉ đạo, thực hiện kiểm tra 92 đề xuất xây dựng Quyết định QPPL của UBND tỉnh; thành lập 61 Hội đồng tư vấn thẩm định, hoàn thành thẩm định 11 đề nghị xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh và 153 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị chỉnh sửa 738 nội dung, 70 thủ tục, 48 chính sách; tham gia ý kiến 554 dự thảo văn bản; tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 124 văn bản; rà soát 441 lượt văn bản, kiến nghị xử lý 92 lượt văn bản có nội dung không còn phù hợp.

Sở Tư pháp là cơ quan hành chính đầu tiên của Tuyên Quang thực hiện tinh gọn theo chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW. Với nguồn nhân lực ít, bà Thược phải rất linh hoạt trong điều hành, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo trực tiếp các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng “mềm” cho cán bộ, xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình, chu đáo, không nhũng nhiễu, không tiêu cực; biểu dương khen thưởng kịp thời, phê bình cụ thể, nghiêm túc.

Cơ cấu tổ chức của Sở sau khi sắp xếp lại có 4 phòng, đơn vị chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp, giảm 3 phòng chuyên môn thuộc Sở, 3 chức danh trưởng phòng, 11 chức danh cấp phó phòng, giảm 2 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.

Đọc thêm