Bốn năm trước, dư luận cả nước từng chấn động về Hào Anh (Nguyễn Hoàng Anh, SN 1996, thường trú tại khóm 4, phường 8, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bị hành hạ bằng những màn tra tấn như “thời trung cổ”. Sau khi được giải cứu, em đã được cưu mang, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng và còn được nhận số tiền gần 900 triệu đồng từ lòng nhân ái của các nhà hảo tâm. Vậy mà, ngày 30/8 qua, vì đâu nên nỗi con người từng được cả cộng đồng cưu mang, thông cảm đó lại nhẫn tâm bạo hành và đuổi cha mẹ mình ra khỏi nhà! Phóng viên Báo Câu chuyện Pháp luật đã tìm hiểu câu chuyện này.
Bất bình và thất vọng. Đó là cảm giác chung của rất nhiều người khi đón nhận tin: “Hào Anh ngược đãi cha mẹ”! Một bạn đọc có tên Phan Hùng bày tỏ: “Trước đây, tôi đã cảm thông cho hoàn cảnh của cậu ấy (chỉ Hào Anh - PV) bao nhiêu thì giờ tôi lại ấm ức và bức xúc bấy nhiêu? Lòng thương và đồng tiền của tôi đã đặt nhầm chỗ rồi chăng?”. Sự việc còn khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm gia đình, bài học về sự giáo dục, mà còn là câu chuyện về việc làm từ thiện như thế nào để không phản tác dụng?
“Cậu bé bị bạo hành” đổi vai ngược đãi cha mẹ
Theo thông tin từ gia đình và người dân địa phương, kể từ khi được nhận tiền hỗ trợ (ngày 27/1/2014) và có nhà mới, Hào Anh không làm gì để kiếm sống mà từ sáng đến tối chỉ lo tận hưởng du hí. Khoảng 20h30 ngày 30/8, sau một ngày “mất dạng”, Hào Anh về nhà tiếp tục hỏi xin tiền mẹ là bà Phạm Thị Thoa để…đi chơi tiếp. Nhưng sáng cùng ngày, bà Thoa mới mượn tiền đưa cho Hào Anh hơn 100 nghìn đồng nên không đồng ý. Xin tiền không được, Hào Anh cục xúc chửi bới và lăng mạ mẹ và cha dượng là ông Nguyễn Xuân Hùng, để cho bõ tức cậu ta còn xô đổ nhiều đồ đạc trong nhà, đập tan hai chiếc quạt máy.
Theo quan sát của phóng viên, căn nhà khang trang của Hào Anh ngày nào giờ đây “trống từ trước ra sau”, bàn ghế trong nhà thì bị đập phá tan tành. Trong đống đồ vỡ nát vứt chỏng chơ ở góc nhà có cả vỏ điện thoại, phần đầu số xe mô tô…Bà Phạm Thị Thoa cho biết, khoản tiền hơn 800 triệu đồng được các nhà hảo tâm giúp đỡ, sau khi mua đất, làm nhà cấp 4 (có diện tích 5x 21m) mất khoảng 600 triệu đồng. Phần đất Hào Anh mua với giá 385 triệu đồng (trong đó có 300m2 đất thổ cư), tiền xây cất là 210 triệu đồng. Ngoài ra, Hào Anh còn gửi ngân hàng trên 210 triệu đồng.
“Gần đây, Hào Anh chửi mắng mẹ như cơm bữa. Hôm đó, cậu ta lại tiếp tục chửi cha mẹ bằng những lời lẽ khó nghe. Sau đó còn mang một số đồ, quần áo của hai người ném ra sân, thậm chí còn đuổi họ ra khỏi nhà”, một người hàng xóm kể lại. Không chịu nổi hành vi hỗn hào và ngỗ ngược trên, lại mặc cảm phận “ở nhờ” (nhà và tài sản đều là tiền của Hào Anh) nên bà Thoa cùng chồng đành khăn gói ra khỏi nhà rồi thuê nhà trọ bên cảng cá Cà Mau ở tạm. Chứng kiến những hành động thái quá của Hào Anh, người dân địa phương bức xúc đã gọi điện tố giác với cơ quan công an.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường 8, TP. Cà Mau đã cử cán bộ đến lập biên bản, đồng thời mời Hào Anh về trụ sở để xử lý. Tại đây, bà Thoa đã thuật và ghi lại diễn biến sự việc Hào Anh đập phá đồ và đuổi bà ra khỏi nhà. Phía Hào Anh cũng thừa nhận hành vi ngỗ ngược và tự làm cam kết không tái phạm. Ngay trong đêm, Hào Anh được bà Thoa bảo lãnh về nhà. Chiều 3/9, Công an phường 8 cho biết, đã lập thủ tục xử phạt hành chính Hào Anh về hành vi ngược đãi mẹ và cha dượng, mức phạt dự kiến là 200 nghìn đồng theo quy định tại khoản 1, điều 57, nghị định 167 về lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.
Cậu bé Hào Anh ngày bị ngược đãi |
Ông Nguyễn Xuân Hùng cũng cho biết, Hào Anh không chỉ đuổi bằng mồm mà đã nhiều lần cầm dao hăm dọa đuổi ông ra khỏi nhà. Những hàng xóm của Hào Anh cũng xác nhận việc Hào Anh từng mắng chửi, hăm dọa hàng xóm khi dám vào khuyên can Hào Anh đập phá, đuổi mẹ và cha dượng. “Trước đây lúc còn ở nhà thuê, tôi thầy Hào Anh tuy ít nói nhưng cũng khá ngoan ngoãn, hiền lành. Không ngờ từ ngày có tiền, có nhà mới nó lại thành ra con người như thế”, tiếp lời người hàng xóm.
Biến chất vì có bạn gái “đào mỏ”?
Theo lời bà Thoa, thì nguyên nhân khiến Hào Anh thay tính đổi nết là từ khi có người yêu. “Trước kia lúc chưa có người yêu, nó (tức Hào Anh - PV) đi lột tỏi thuê, lọt tôm, lột vỏ hành tím với tôi ngày được mấy ngàn nó cũng làm, đâu có phàn nàn hay quậy phá. Từ ngày nó có người yêu thì trở thành con người hoàn toàn khác. Em trai nó đi làm thuê được tiền công, nó cũng lấy tiền hết, em nó sợ nên không dám phản ứng”, mẹ ruột của Hào Anh buồn rầu tâm sự.
Khi chuẩn bị làm nhà vào đầu năm 2014, Hào Anh có khoe với mẹ một người tên Tiên (bán vé xe điện ở Trung tâm thiếu nhi Cà Mau) làm mai với cô gái tên Đặng Linh H (quê huyện U Minh, Cà Mau). H được “giới thiệu” là đang học năm cuối trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, lớn hơn Hào Anh 2 tuổi. Trong khi bản thân thất học lại từng có hoàn cảnh éo le, giờ có người yêu học hành đàng hoàng nên Hào Anh rất hãnh diện, lại sẵn có tiền nên rất “chiều chuộng” bạn gái.
Từ hồi có bạn gái, Hào Anh xin tiền tiêu xài nhiều hơn nghi ngờ để mua đồ cho bạn gái. Cậu cũng thường vắng nhà, đi sớm về khuya, xài xe “hao” như uống nước. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hào Anh đã mua tới 4 chiếc xe gắn máy, trong đó có một chiếc xe Max, 2 chiếc Wave alpha và một chiếc Nouvo đời cũ. Mua xe xong có chiếc đem cầm cố, chiếc tặng cho... bạn gái. Mỗi lần đi chơi về giận rỗi bạn gái là Hào Anh đập xe, đập điện thoại không thương tiếc. Có đến 10 chiếc điện thoại, trong đó có cả Iphone đắt tiền bị Hào Anh ném tan tành.
Hai tháng trước, Hào Anh chở bạn gái đi Bạc Liêu chơi đã bị cảnh sát giao thông xử phạt vì phóng nhanh vượt ẩu, không giấy phép lái xe. Vừa đóng phạt gần 4 triệu đồng, lấy xe về chạy vài ngày thì cậu đập hỏng. Quen H không được bao lâu và cũng chưa biết tình cảm “mặn nồng” đến mức nào nhưng Hào Anh đã lén lấy sổ tiết kiệm 50 triệu đồng (do Hào Anh đứng tên) cho H mượn để xoay xở chuyện gia đình. “Cô gái này từng đến tận nhà gặp tôi và nói cha mẹ mình kẹt tiền nên mượn tạm của Hào Anh, khi nào có tiền sẽ trả lại”, bà Thoa cho hay.
Mức độ si tình của Hào Anh cũng khiến nhiều người “choáng” khi cậu đã nhiều lần khóc lóc, thậm chí đòi tự tử khi bạn gái nói chia tay. “Cứ mỗi lần tôi khuyên can con việc đừng phung phí tiền vì bạn thì y như rằng Hào Anh lại cau có, đập phá đồ, chửi mắng tôi”, bà Thoa khổ sở kể lại. Mới đây khi nghe nói Hào Anh chia tay bạn gái, bà đã gọi điện cho H hỏi về số tiền mượn nhưng mới nói chuyện với H xong, lát sau Hào Anh về lại gây chuyện quậy phá tiếp.
Bà Thoa kể: “Hào Anh còn khoe với những người hàng xóm là phòng của người yêu nó không thiếu thứ gì. Nó mới mua cho con bé cái laptop trị giá hơn chục triệu nhưng khi người yêu nó đòi mua sắm, nó cũng đem bán laptop lấy tiền chiều người yêu. Nó liên tục mua sắm đồ cho người yêu. Tôi nghi nó bị người ta lợi dụng tình cảm và moi tiền nhưng mắng mỏ, khuyên bảo thì nó không nghe, cũng không thấy Hào Anh nói đến chuyện cưới xin. Sau khi xây nhà, số tiền còn lại phần chữa bệnh, phần Hào Anh đã tiêu xài hết”.
Chính quyền không “phủi” trách nhiệm
Theo ghi nhận, sau khi xảy ra sự việc Hào Anh bị bạo hành vào năm 2010, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã có sự quan tâm, hỗ trợ để Hào Anh được đi học, giúp đỡ em hòa nhập cộng đồng và rèn luyện kỹ năng sống bằng việc đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Lúc đó, do Hào Anh chưa đủ 18 tuổi nên toàn bộ số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ được các cơ quan chức năng và gia đình Hào Anh thống nhất giữ lại, gửi ngân hàng, chờ Hào Anh đủ 18 tuổi sẽ trao lại.
Ngày 27/1/2014, khi Hào Anh đủ 18 tuổi, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Cà Mau đã tổ chức trao tiền gần 800 triệu đồng cho Hào Anh, trước sự chứng kiến của nhiều cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương nơi Hào Anh cư trú. Khi đó, đại diện cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh: Việc chi tiêu của Hào Anh sẽ được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương nơi Hào Anh cư trú.
Điều này tuy không phù hợp với pháp lý vì số tiền đó của các nhà hảo tâm tặng Hào Anh, nay em đã đủ 18 tuổi, em có quyền sử dụng tiền của mình theo nguyện vọng cá nhân, miễn đừng vi phạm pháp luật. Nhưng sự giám sát được dư luận đánh giá là đúng đạo lý. Bởi lẽ việc làm này có ý tốt, với mong muốn giúp Hào Anh chi tiêu hợp lý, hiệu quả, sử dụng số tiền để học nghề hoặc đầu tư công ăn việc làm, không vì sẵn có số tiền nhiều mà sinh ra ham chơi, rượu chè, cờ bạc, sa vào tệ nạn, vừa mất tiền, vừa mất đi lòng tin của những người đã giúp đỡ em.
Ngày nhận tiền, Hào Anh cũng không quên hứa trước mặt chính quyền địa phương là sẽ học nghề, chí thú làm ăn. Hào Anh còn muốn mẹ tìm một mỹ viện để hàn gắn vết thương trên môi và trồng lại răng bị vợ chồng Giang - Thơm dùng kìm bẻ gãy để không phải mặc cảm với mọi người. Ai cũng hy vọng, cậu bé “nô lệ” ngày nào sẽ biết sống có ích khi nhận được tình thương và sự che trở của xã hội. Thế nhưng sau khi cất nhà, Hào Anh hỏi mẹ cho mua xe gắn máy hơn 10 triệu đồng để đi học hớt tóc nhưng chưa lành nghề đã bỏ ngang.
Trao đổi xung quanh việc giám sát giáo dục của chính quyền địa phương đối với Hào Anh, đại diện UBND phường 8 cũng cho biết, khi Hào Anh đến tuổi trưởng thành, đủ điều kiện nhận tiền từ các nhà hảo tâm đã trao tặng, địa phương có tiến hành giám sát việc sử dụng số tiền này của Hào Anh. Cụ thể khi Hào Anh mua đất, cất nhà thì Hào Anh và mẹ có báo cáo bàn bạc với phường. Ngoài ra, người mẹ cũng báo cáo việc rút tiền ngân hàng cho Hào Anh học thêm nghề hớt tóc, thẩm mỹ răng, chữa bệnh... Tuy nhiên, do Hào Anh đã lớn nên chính quyền cũng không thể quan tâm sát sao, chặt chẽ được.
Vì đâu nên nỗi?
Nhiều người đã tưởng sau 4 năm, cậu bé Hào Anh ngày nào giờ đây đã khôn lớn, nên người. Thế nhưng, những gì mà Hào Anh đối xử với cha mẹ, hoang phí tiền bạc của người hảo tâm mới đây đã khiến tất cả chúng ta phải bàng hoàng sửng sốt. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do cậu bé đã phải chịu một hoàn cảnh gia đình quá éo le, khi ngay từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương, sự quan tâm chu đáo và tận tình chăm sóc của mẹ, cha. Nỗi đau bị hành hạ, từ tinh thần lẫn thể xác, việc em bị bẻ răng, đánh nứt da nứt thịt đã trở thành vết hằn sâu quá lớn.
Sau khi li dị, mẹ Hào Anh đi bước nữa. Nuôi con không nổi nên bà mới đem gửi Hào Anh ở nhà vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm để giúp việc trong trại sản xuất kinh doanh tôm giống, đồng thời mỗi tháng được nhận số tiền công là 500 ngàn đồng. 12 tuổi, Hào Anh đã phải sống xa gia đình, người thân để bước chân vào cuộc đời làm thuê với những chuỗi ngày kinh hoàng. Do đường xá xa xôi, cách trở, không có tiền nên chẳng mấy khi bà Thoa tới thăm nom con cái. Bởi vậy, mặc dù con bị hành hạ dã man, người mẹ này vẫn không hay biết. Tuổi thơ của Hào Anh đã phải trải qua sự đau đớn, hèn hạ, tủi nhục mà chủ trại tôm mang đến nhưng trong đó cũng có cả phần lỗi của người làm cha, làm mẹ.
“Không được dạy dỗ, tuổi thơ đen tối, thậm chí quá ám ảnh, thì chỉ có thể đổi lấy một đứa con trưởng thành thế này thôi, mọi người không thể trông đợi thêm em nó sẽ thành sinh viên vượt khó học giỏi này nọ được, vốn dĩ đời em đã quá đau thương, người mẹ cũng chẳng yêu thương em gì cho cam. Đừng có đỗ tại nghèo, còn rất nhiều người mẹ nghèo, không chồng, một thân một mình còn cho con ăn học được nhưng ở trường hợp Hào Anh thì khác. Thế nên chỉ còn biết khóc và trách mình mà thôi!”, một người dân bày tỏ suy nghĩ.
Trả lời với báo chí, TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho rằng: Đây chính là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực thì nguy cơ có hành vi bạo lực sẽ lớn hơn những đưa trẻ khác. Rõ ràng chúng ta đã có giúp đỡ nhưng lại không tới nơi tới chốn. Những đứa trẻ bình thường nhưng tới trưởng thành mà không có công ăn việc làm, không được định hướng cũng rất dễ dính vào tệ nạn xã hội huống chi một đứa trẻ không được học hành, đã trải qua trải nghiệm bạo lực bị sang chấn tâm lý thì lẽ ra cần phải được cộng đồng quan tâm nhiều hơn.
Bà Thoa cho biết, lâu nay bà và chồng mình ráng chịu đựng Hào Anh vì thấy con mình từng chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng giờ thì càng ngày, Hào Anh càng hung tợn, lo sợ cho tính mạng của mình và con gái nhỏ, sau ngày 30/8, bà đã dọn ra ngoài đi thuê nhà trọ ở riêng. Người mẹ cũng cho biết, hiện Hào Anh phải uống thuốc của bác sĩ điều trị bệnh thần kinh và mắt, phải tránh bị kích động mạnh. Nhiều người dân cho biết, suốt từ hôm xảy ra sự việc tới giờ, Hào Anh tỏ ra lầm lỳ, ít nói và hầu như không có mặt ở nhà.
Không được giáo dục, quan tâm đầy đủ nên Hào Anh đã không hiểu được đúng lẽ tình người. Khi nhận được khoản tiền quá lớn từ việc việc “trúng số” lòng hảo tâm của thiên hạ, em đã không kịp nhận thức để có một bản lĩnh, một cách thức sử dụng đồng tiền cho hiệu quả, thiết thực. Việc Hào Anh trở thành một người tốt, một công dân có ích cho xã hội chưa kịp bàn tới thì cậu bé từng bị “hành hạ như thời trung cổ” ngày nào đã lại sớm có những biểu hiện lệch lạc về tâm lý, đạo đức, lối sống. Việc sử dụng đồng tiền không đúng cách đã vô tình có những “phản tác dụng”./.