Tán gia bại sản vì siêu lừa “đồng nát“

(PLO) - Vì dư tiền, thừa của, lại dễ tin người, họ đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo. Tán gia bại sản, họ tìm mọi cách để sống qua ngày chờ đợi số tiền đã mất trở lại với mình. Nhìn Trần Thị Tám (SN 1965, ngụ Đồng Nai) đứng trước vành móng ngựa, không ai nghĩ người đàn bà với dáng vẻ sang trọng ấy lại là kẻ lừa đảo.
Tán gia bại sản vì siêu lừa “đồng nát“

Từ bà đồng nát đến nữ doanh nhân

Theo lời kể của những người bị hại thì Tám quê ở Hải Dương. Giữa cơn bão hội nhập, phát triển của miền đất phía Nam, Tám kéo chồng và hai con vào Đồng Nai sinh sống.
Lúc đầu, người đàn bà này cùng chồng chăn nuôi heo thịt để bán. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến đàn heo của Tám chết dần. Sợ mất hết vốn liếng, Tám đành bán tống bán tháo mọi thứ.
Để có tiền ăn qua ngày, Tám đi buôn ve chai. Trong thời gian này, Tám gặp lại cháu trai tên Trần Sỹ Kiêm. Thấy dì vất vả với nghề đồng nát, Kiêm đề nghị người họ hàng cùng thành lập công ty.
Không một đồng góp vốn nhưng trên giấy tờ, Tám có hẳn một tỷ đồng. Nhờ đó, Tám nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Hiệp Đồng Tâm. Từ một bà đồng nát, áo rách, nón lá, xe đạp quèn.
Tám mau chóng thay đổi cách ăn mặc, nói năng và phương tiện di chuyển. Nhằm tạo bề thế, Tám thuê Lê Tân Ban (SN 1960, ngụ Đồng Nai, hành nghề lái xe ôm) làm tài xế riêng cho mình. Từ đó, cặp đôi Ban - Tám đã kết hợp khéo léo, ăn khớp với nhau để đưa người đối diện vào mê trận kinh doanh.
Một nách 4 con, chồng đau bệnh không có tiền phẫu thuật, chị Trương Thị Vang (SN 1976, ngụ Đồng Nai ) vợ của anh Lê Xuân Hậu (SN 1969) đã trở thành lao động chính trong gia đình.
Trước đó không lâu, cuộc sống sung túc của vợ chồng chị còn là niềm ao ước của bao nhiêu gia đình. Trong thời gian sang Hàn Quốc dưới diện hợp tác lao động, chị đã gặp được anh Hậu. Những khó khăn, cực khổ và nỗi nhớ quê hương là nhịp cầu kết nên mối lương duyên chồng vợ.
Nhờ chăm chỉ làm việc lại biết chi tiêu, tích cóp, anh chị có được một số tiền kha khá để về nước làm ăn. Chọn Đồng Nai làm nơi sinh sống, họ mua đất xây nhà rồi đón các con về ở cùng.
Dư giả tiền bạc, chị bàn anh mua đất tích trữ và xây phòng trọ cho công nhân thuê. Với thu nhập gần 50 triệu đồng một tháng, anh chị và các con có cuộc sống đủ đầy. Thế nhưng sự khá giả của đôi vợ chồng mới đến lại là đích nhắm của những kẻ hám tiền.
Biết vợ chồng anh Hậu có nhiều tài sản, Trần Thị Tám (SN 1965) cùng tài xế riêng của mình là Lê Tân Ban (SN 1960, cùng ngụ Đồng Nai) tìm mọi cách tiếp cận. Tám lân la nhờ người quen giới thiệu. Để tạo tiếng vang cho mình, Tám bỏ một số tiền lớn cho hàng xóm của vợ chồng anh Hậu vay.
Qua người này, vợ chồng anh Hậu mới biết Tám là Chủ tịch HĐQT Công ty Hiệp Đồng Tâm. Màn kịch quá hoàn hảo, anh Hậu và chị Vang tự mình bước vào cái bẫy mà Tám dựng sẵn. Với dự án xây dựng trạm xăng, Tám và Ban liên tục rù rì, rỉ rả để vợ chồng anh Hậu góp vốn kinh doanh.
Không có tiền mặt, vợ chồng trẻ đi vay mượn hàng xóm, họ hàng để đầu tư sinh lợi. Mỗi lần nhận tiền, Tám và Ban đều làm giấy tờ để tạo thêm tin tưởng. Nhưng sau lưng họ, cặp đôi lừa đảo đã lấy số tiền này tiêu xài cá nhân và làm nhiều việc mờ ám khác. Với thủ đoạn lấy của người này trả cho kẻ khác, sang tên nhượng bán, Tám đã chiếm đoạt của vợ chồng anh Hậu gần 10 tỷ đồng.
Tiền đổ vào thì nhiều nhưng chẳng thu được gì, vợ chồng anh Hậu sinh nghi, nên tìm Tám hỏi lý lẽ. Lúc này Tám và Ban mới lộ bộ mặt lừa đảo khi cắt toàn bộ hợp đồng, giấy vay mượn nhằm phi tang. Nhờ giữ lại số giấy rách nát nên khi Tám và Ban bị bắt, vợ chồng anh Hậu được nhận lại mảnh đất đã mua để làm trạm xăng trị giá 3 tỷ. Còn khoản tiền gần 7 tỷ đầu tư dự án đến nay vợ chồng anh Hậu vẫn chưa lấy lại được mà chờ cơ quan chức năng tách ra thành vụ án dân sự.
Ngậm đắng nuốt cay, vợ chồng anh Hậu bán tất cả tài sản đang có để trả nợ. Chỉ còn mảnh đất sau cây xăng, anh chị dựng tạm mái nhà cho 4 đứa trẻ có chỗ trú mưa che nắng. Từ một tỷ phú, giờ đây trắng tay, anh Hậu quá đau buồn nên sinh bệnh.
Hai bị cáo siêu lừa
Hai bị cáo siêu lừa
“Bác sỹ bảo anh ấy bị bệnh tim phải phẫu thuật. Nói là có đất nhưng không thể bán. Bữa ăn hàng ngày tôi vẫn phải chạy chợ thì làm sao có đủ tiền để chữa bệnh cho chồng. Bốn con nhỏ dại, chồng đau bệnh, tôi vừa đi giúp việc, vừa buôn bán kiếm sống qua ngày. Tài sản có được vợ chồng tôi làm bằng mồ hôi nước mắt chứ đâu có ăn cắp ăm trộm. Vậy mà chúng lừa hết, chẳng cho tôi còn đồng nào để nuôi con”. Vừa nói, người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ khóc nấc giữa phiên toà.
Tán gia bại sản
Không ngây thơ như vợ chồng anh Hậu nhưng bà Nguyễn Thị Hoà (SN 1957, ngụ Đồng Nai) cũng bị rơi vào bẫy tiền của Tám và Ban. Là anh bên chồng, Ban có mối quan hệ thân thiết với gia đình bà Hoà.
Từ một tài xế xe ôm, Ban bỗng ăn sung mặc sướng, nói chuyện tiền tỷ khiến người họ hàng không khỏi nể phục. Sau một thời gian rót mật vào tai vợ chồng bà Hoà, Ban rủ vợ chồng người em này mua bán đất kiếm lời. Sau khi nhận 850 triệu đồng từ bà Hòa, Ban nói đi mua đất nhưng thực chất tiêu xài cá nhân.
Không chỉ lừa bà Hòa, Ban còn đứng ra bảo lãnh để Tám vay nợ. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối hè 2008, Tám đã lừa đảo, chiếm đoạt của bà Hoà 6,3 tỷ đồng và 16.000 USD. Còn Ban thì chiếm đoạt của bà Hoà 2,3 tỷ và 17 lượng vàng 24K.
Không gào khóc, chẳng chửi rủa một lời, bà Nguyễn Thị Tuyết chỉ biết im lặng, mặc nước mắt tuôn dòng. Là chủ cơ sở Vật liệu xây dựng thành đạt ở Đồng Nai, bà cũng rơi vào bẫy của Tám và Ban.
Vì tin lời Tám, bà Tuyết đã trao hết tài sản của mình để góp vốn vào công ty Hiệp Đồng Tâm. Tuy nhiên số tiền 8 tỷ ấy đã bị Tám chiếm đoạt. Đường cùng, bà Tuyết phải bán toàn bộ nhà cửa, xe cộ để trả nợ.
Chẳng còn chỗ dung thân, bà đành quay lại nhờ vả chồng con. Thương tình máu mủ, bà mới được các con xây cho căn phòng nhỏ để ở nhưng không cung cấp gì thêm. Để sống và chờ đợi pháp luật buộc Tám trả lại tiền, bà Tuyết phải bán cháo vịt.
Không chỉ lừa  ba gia đình trên, Tám và Ban còn dùng thủ đoạn này để chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác với số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, có những vụ việc tính chất dân sự nên cơ quan chức năng chuyển hồ sơ sang cấp có thẩm quyền giải quyết.
Với hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Trần Thị Tám nhận mức án 25 năm tù và Lê Tân Ban lãnh 14 năm tù. Biết của mất đi khó có thể lấy lại nhưng cho rằng mức án dành cho hai bị cáo quá nhẹ và cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ số tiền bị chiếm đoạt đi đâu hay vai trò của Trần Sỹ Kiêm (giám đốc công ty Hiệp Đồng Tâm, cháu của bị cáo Tám) trong vụ án, những người bị hại đã đồng loạt kháng cáo để nghị huỷ bản án sơ thẩm.
Nhận định bản án cấp sơ thẩm đã tuyên mức án nhẹ so với tính chất, hành vi phạm tội, nhưng do Viện kiểm sát không có kháng nghị nên toà án cấp phúc thẩm không làm xấu đi tình trạng của các bị cáo.
Đối với Trần Sỹ Kiêm, mặc dù là người đồng thành lập công ty với bị cáo Tám nhưng trong mỗi hợp đồng Kiêm chỉ đóng vai trò người làm chứng. Ngoài ra, ổ đĩa vi tính do bà Hòa cung cấp không chứng minh được Kiêm nhận tài sản từ các bị hại hay bị cáo Tám. Vì những lẽ trên, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM quyết định bác kháng cáo của các bị cáo và những người bị hại, tuyên y án sơ thẩm.

Đọc thêm