Ở nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam”- đó là lời mở đầu của bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà nhiều ca sĩ và người dân vẫn thường hay hát. Đặc biệt, kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh về đến vùng đất cuối trời Nam Tổ quốc, du khách đến Đất Mũi ngày càng nhiều hơn.

Gần lắm Đất Mũi ơi!

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi.

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi.

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau, cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng chảy đưa người về thăm quê em Đất Mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng tứ bề…”. Nếu trước đây đường về Đất Mũi xa xôi cách trở thì thời gian gần đây nơi cuối cùng của cực Nam Tổ quốc này đã trở nên gần gũi với người dân khắp nơi hơn bao giờ hết.

Nằm cách trung tâm TP Cà Mau hơn 100 km, Mũi Cà Mau là một mũi đất nằm ở phía Nam của Tổ quốc, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Đây là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Mũi Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú, là một địa điểm rất thiêng liêng, mang đậm nét văn hóa miền Tây sông nước, gần gũi mà trữ tình.

Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi.

Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi.

Đất Mũi Cà Mau, nơi được ví là “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” với dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền, du khách có thể đắm chìm trong không gian trong xanh của những cánh rừng đước bạt ngàn… quan sát và tìm hiểu những loài sinh vật sống dưới tán rừng. Bãi bồi Đất Mũi là nơi dừng chân lý tưởng để du khách nhìn những đàn chim di trú, quan sát thế giới sinh vật sinh động, ngắm nhìn cánh rừng đước bạt ngàn, trải nghiệm cuộc sống của người dân Đất Mũi.

Du khách chụp ảnh cùng biểu tượng con cua tại Đất Mũi.

Du khách chụp ảnh cùng biểu tượng con cua tại Đất Mũi.

Ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường – Trưởng BQL Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, chia sẻ: “Đến với du lịch rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, du khách sẽ được tự mình trải nghiệm đi vỏ lãi xuyên rừng, ra bãi bồi “trầm mình” xuống trồng những cây mắm, cây đước bảo vệ môi trường; đi theo sống cùng nhà dân trên những căn nhà sàn gỗ; ban đêm đi xổ cống vuông tôm, ăn vọp rừng nướng… Du khách cũng được tận hưởng kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ cùng gia đình, với một bên biển bồi (có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản) và một bên rừng đước xanh bạt ngàn. Du lịch cộng đồng từ rừng ngập mặn nơi đây đầy tiềm năng, mang đến cho du khách sự thân thiện, gần gũi”.

Cột mốc tọa độ Quốc Mũi Cà Mau.

Cột mốc tọa độ Quốc Mũi Cà Mau.

Một trong những điểm đến du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009.

Nơi đây được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.

Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau).

Hình tượng con tàu tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi. Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8°37'30' 'Vĩ độ bắc, 104°43' Kinh độ đông. Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc.

Cột mốc đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau.

Cột mốc đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau.

Cột mốc Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó - Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi - Cà Mau (điểm cuối), đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183 km. Với quy mô thích hợp và hình thức giản dị, du khách có thể ghé thăm cột mốc đường Hồ Chí Minh để ghi lại dấu ấn trên chuyến hành trình về thăm Đất Mũi.

Du khách trải nghiệm thực tế trên chiếc ca nô vào rừng đước, ra bãi bồi... tại khu vực rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Du khách trải nghiệm thực tế trên chiếc ca nô vào rừng đước, ra bãi bồi... tại khu vực rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Chủ khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) Lâm Hoàng Hôn, nhớ lại: "Tôi sống ở đây 30 năm rồi. Chưa bao giờ dám tưởng tượng Đất Mũi có hình hài như hôm nay. Dù chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, khi muốn đến Đất Mũi phải đi bằng đường thủy".

Trải nghiệm đặt rập bắt cua… tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Quách Văn Ngãi (Cầu Rạch Vàm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Trải nghiệm đặt rập bắt cua… tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Quách Văn Ngãi (Cầu Rạch Vàm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Những điểm du lịch cộng đồng gắn với nhiều món ăn địa phương, đặc biệt là món cá kỳ dị nhất hành tinh, cá biết leo cây mà người dân bản địa gọi là cá thòi lòi… Đồng thời, du khách trải nghiệm các hoạt động: đặt lợp bắt cua tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Tư Ngãi (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi); xổ vuông đêm, soi ba khía, giăng lưới, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt về đêm tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Framstay MAY thuộc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn - Đất Mũi (ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi); cắm câu cua, giăng lưới xung quanh cây chà (cây đước hoặc cây mắm…) bắt cá, tham quan cây đước trên 50 năm tuổi tại điểm trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng Tư Tỵ (Điểm dừng chân Tư Tỵ), khóm Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển…

Không gian về đêm dành cho du khách trải nghiệm bắt ba khía… tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Framstay MAY thuộc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn - Đất Mũi (ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi).

Không gian về đêm dành cho du khách trải nghiệm bắt ba khía… tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Framstay MAY thuộc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn - Đất Mũi (ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi).

Trải nghiệm rừng U Minh Hạ

Đến với rừng ngập ngọt U Minh Hạ, du khách có thể đi bộ xuyên rừng hoặc xuống vỏ lãi trải nghiệm đặt lợp bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, tham quan khu rừng đặc dụng được bảo tồn nguyên sinh hít thở bầu không khí mát mẻ…

Tham quan, trải nghiệm xuyên rừng bằng vỏ lãi tại khu Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Tham quan, trải nghiệm xuyên rừng bằng vỏ lãi tại khu Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Ngoài ra, du khách còn trải nghiệm ngồi trên chiếc phà tại khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh). Đặc biệt, những căn chòi thủy tạ được thiết kế trên những con kênh, có chòi thì len lỏi trong những tán rừng tràm để thưởng thức những món ăn dân dã như đọt choại luộc, mắm cá lóc kho, mắm ong, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ ăn với đọt choại xào, lươn nấu canh chua trái giác, rắn hổ hành nấu cháo, gỏi nhộng ong non… mang đậm phong cách thuở khai hoang mở cõi.

Ông Giang Hoàng Hon - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hương Tràm mở tour đưa khách đi tham quan Vườn Quốc gia U Minh hạ bằng xuồng máy, rồi đi tham quan gác kèo ong mật, đặc biệt khi vào mùa khô. Đơn vị cũng khai thác một số trò chơi dân gian mới, cùng với gác kèo ong thì đi câu cá đồng cũng là sản phẩm thu hút du khách...

Du khách đặt lợp bắt cá đồng, tự tay chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ.

Du khách đặt lợp bắt cá đồng, tự tay chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ.

Anh Nguyễn Thanh Bình - khách du lịch (ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Đến với du lịch rừng U Minh, Cà Mau, cụ thể là Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh), tôi rất ấn tượng tự mình đặt lợp, bắt cá đồng... chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ”.

Đọc thêm