Quang cảnh Hội thảo. |
Định hướng và mục tiêu phát triển bền vững cua Cà Mau
Tại buổi Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, nêu thực trạng và định hướng phát triển bền vững nghề cua Cà Mau: Giống cua biển hiện nay chưa thuyết phục được người nuôi, do quy trình sản xuất giống cua biển tại Cà Mau chưa thật sự ổn định, chất lượng con giống càng ngày bị thoái hóa, kích cỡ cua nuôi khi thu hoạch nhỏ dần, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp do sử dụng nguồn cua bố mẹ chưa qua chọn lọc, chất lượng không được cơ quan quản lý kiểm soát. Ngoài ra đa phần các trại sản xuất cua giống kế thừa từ trại sản sản xuất tôm giống, nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sản xuất với đối tượng này.
Tình hình nuôi cua trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chưa chuyển biến tích cực; vẫn sản xuất theo mô hình nuôi quảng canh kết hợp là chính, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; chưa hình thành các vùng nuôi quy mô lớn tập trung gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với đảm bảo chất lượng.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu chỉ đạo Hội thảo. |
Ths. Võ Bích Xoàn - Phân Viện phó Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, Viện Nghiên cứu Thủy sản II, cho biết: “Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu đã đạt được, dựa trên các biện pháp phòng trị bệnh cho đối tượng thủy sản có liên quan gần như: tôm, cá nước mặn, nhóm nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho bệnh cua biển nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: chọn con giống khỏe mạnh, được ương dưỡng tới kích cỡ lớn trước khi thả ra vuông nuôi; không nên thả giống khi thời tiết khí hậu thay đổi giao mùa như nắng gắt, mưa nhiều và mưa trái mùa; thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả mật độ quá cao sẽ không đủ thức ăn tự nhiên làm cua chậm lớn, mật độ cua nuôi quảng canh kết hợp từ 0,1- 0,2 con/m2.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, quan sát các đối tượng thủy sản nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y địa phương để phối hợp xử lý”.
Phát triển bền vững nghề cua Năm Căn
Ông Trần Hùng Anh – Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn cho biết, năm 2020, là thời gian gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế chúng ta; nhất là dịch COVID-19 và dịch bệnh ở cua nuôi, nhãn hiệu cua Năm Căn bị giả danh, việc mua bán cua thương phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, gây nhầm lẫn đến người tiêu dùng.
Cơ sở hạ tầng bảng hiệu phục vụ cho mua bán sản phẩm mang thương hiệu "Cua Năm Căn Cà Mau" chưa được hoạch định và đầu tư đồng bộ, sản phẩm cua mang nhãn hiệu tập thể tuy có nhiều bước thay đổi nhưng đa phần còn mua bán theo hình thức truyền thống chưa được nâng cấp theo chủ sở hữu hướng dẫn toàn diện, điều này ảnh hưởng một phần đến chất lượng sản phẩm.
Các cơ sở phần đông chưa mạnh dạn để quy định cho khách hàng phải đeo tem, vì vậy vấn đề này làm cho cua mang nhãn hiệu tập thể "Cua Năm Căn Cà Mau" còn hạn chế có mặt trên thị trường.
Ths. Võ Bích Xoàn - Phân Viện phó Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, Viện Nghiên cứu Thủy sản II, nêu nguyên nhân cua biển nuôi xảy ra bệnh/chết trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới. |
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cua Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước; xây dựng các vùng nuôi quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết chuỗi giá trị để phát triển hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, trao đổi thảo luận các biện pháp nghiên cứu cải tiến và chuyển giao, ứng dụng quy trình sản xuất giống và nuôi cua thương phẩm giống phù hợp với điều kiện của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cua. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn và chỉ dẫn địa lý cua Cà Mau; thiết kế logo, nhận diện thương hiệu tránh tình trạng mạo danh, giả mạo thương hiệu gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cua Cà Mau trên thị trường.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Cua Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng, thương hiệu, mới đây cua Cà Mau đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nghề nuôi cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên cua thời gian qua diễn biến phức tạp và chưa có cách phòng trị hiệu quả.Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh đa phần là trại sản xuất nhỏ lẻ, công suất thấp, điều kiện sản xuất chưa đảm bảo.
Mặt khác, hiện nay việc ứng dụng quy trình kỹ thuật vào mô hình nuôi cua còn hạn chế; năng suất sản lượng còn thấp so với tiềm năng hiện có. Vì vậy, kỳ vọng thông qua Hội thảo lần này không chỉ bàn phân tích sâu về những vấn đề khó khăn đang gặp phải, mà còn giải quyết những vấn đề lớn, mang tính định hướng, tầm nhìn dài hạn để đặc sản cua Cà Mau phát triển xa hơn nữa trong thời gian tới”.
Tại Hội thảo, diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ cua giữa Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau; Đại diện Công ty, doanh nghiệp, HTX và nông dân nuôi, chế biến và tiêu thụ cua…