Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), việc bảo dưỡng xe cơ giới được quy định từ lâu và đang được thực hiện theo Quyết định số 992 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ GTVT về quy định bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa ô tô.
Bộ nói chủ xe phớt lờ bảo dưỡng
Tuy nhiên, thực tế hiện nay do chạy theo lợi nhuận và không có chế tài kiểm soát việc bắt buộc phải bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên nhiều chủ xe cơ giới không thực hiện, chỉ đến khi phương tiện có sự cố, không thể tiếp tục khai thác, hoạt động mới tiến hành sửa chữa, dẫn đến có nhiều hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Mặt khác, do các quy định về bảo dưỡng, sửa chữa không cho chế tài kiểm soát bắt buộc thực hiện nên chất lượng phương tiện khi đăng kiểm chưa cao. Hiện tỷ lệ trung bình không đạt của xe cơ giới kiểm định lần đầu là 33%. Xe tham gia giao thông gây tai nạn do lỗi về kỹ thuật vẫn chiếm khoảng 1%. Ngoài ra, qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, có nhiều nước cũng áp dụng quy định quản lý công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ với xe cơ giới, kể cả những nước có nền công nghiệp ô tô phát triển như Nhật Bản.
Ông Khanh cho rằng, để khắc phục và kiểm soát công tác bảo dưỡng định kỳ và đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới đang lưu hành thì việc bắt buộc về bảo dưỡng định kỳ đối với xe cơ giới đang tham gia giao thông là cần thiết. “Nhóm soạn thảo dự kiến đưa ra quy định chủ xe, lái xe phải có bằng chứng về việc thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo quy định hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và để xuất trình khi đi kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm” - ông Khanh cho biết.
Doanh nghiệp “kêu” bị thêm “giấy phép con”
Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa là đơn vị xác nhận vào bằng chứng đó, phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ GTVT đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện bảo dưỡng đúng nội dung và xác nhận nội dung đã thực hiện trong việc bảo dưỡng định kỳ đối với xe cơ giới. Còn DN có cơ sở bảo dưỡng đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất thì có thể tự chứng nhận, không bắt buộc phải ra ngoài cửa hàng giống như một loại trạm đăng kiểm.
Bình luận về Dự thảo Thông tư này, ông Đoàn Thanh Hải, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Xuân Trường Hai (Hải Phòng) cho rằng, Hải Phòng có khoảng 6.500 xe container và xe tải. Nếu sinh ra một trạm kiểm định định kỳ để giám sát an toàn của phương tiện thì Hải Phòng có làm được không, từ mặt bằng, kỹ thuật, con người…?. Và nếu khoán trắng cho cơ sở bảo dưỡng thì phụ tùng thay thế liệu có chuẩn không?
“Chủ DN hơn ai hết họ phải lo nơi ăn chỗ ở cho lái xe cho đến sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo sổ, theo kỹ thuật. Thậm chí xe chưa hỏng đã phải bảo dưỡng, sửa chữa. Do vậy, khi áp dụng quy định khi đi đăng kiểm phải có tem sẽ làm khó cho DN” - ông Đoàn Thanh Hải bình luận.
Nhiều chủ DN vận tải cho biết, khi đi kiểm định xe thì tình trạng kỹ thuật xe phải đảm bảo mới được đăng kiểm. Nếu tiếp tục đưa ra quy định bảo dưỡng định kỳ và bắt buộc thực hiện sẽ rất khó khăn cho DN. Nếu đưa ra quy định bảo dưỡng định kỳ để có giấy chứng nhận, liệu chất lượng phương tiện có đảm bảo hơn hay lại sinh ra tiêu cực, phát sinh tình trạng “mua” tem - một số chủ xe vận tải hoài nghi.
Ông Phí Khắc Bang, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học GTVT cũng đặt câu hỏi rằng, liệu đây có phải là một “giấy phép con” liên quan đến quy định hành nghề hay không? “Bởi trong trường hợp này, nhiều người hiểu rằng sẽ phải cấp cho cơ sở bảo dưỡng một giấy phép sau khi đã thẩm định về diện tích, thiết bị, con người thì chứng nhận của họ chuyển tới trung tâm đăng kiểm mới có giá trị” - ông Bang nói.
Dự kiến, quy định này áp dụng từ đầu năm 2016 với xe kinh doanh vận tải và từ đầu năm 2017 với tất cả các loại xe cơ giới khác.