Ô tô điện giá rẻ có an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số dòng ô tô điện giá rẻ được trang bị tối giản xuất hiện tại thị trường Việt Nam gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Không ít ý kiến lo ngại nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm nếu các xe này không được quản lý chất lượng chặt chẽ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Lỗ hổng” trong quản lý xe điện

Xe điện ngày càng trở thành một phương tiện phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây. Bởi vậy, ngay khi thương hiệu xe điện mới Wuling Hongguang Mini EV ra mắt với giá rẻ (khởi điểm từ 239 - 279 triệu đồng) đã nhanh chóng được quan tâm. Nhưng chiếc xe có 4 phiên bản, trong đó hai phiên bản không có túi khí, hai phiên bản khác chỉ có một túi khí duy nhất cho người lái, khiến nhiều người lo lắng về tính an toàn. Các xe điện mini này có tốc độ sạc pin tương đối chậm, tốc độ chạy thấp, phù hợp sử dụng trong đô thị, cũng gây ra nhiều nghi vấn về tính tiện dụng, tương thích với hạ tầng sạc ô tô điện còn tương đối hạn chế như hiện nay.

Theo quy định pháp luật, các phương tiện xe hơi hạng nhẹ chở người muốn lưu thông trên đường bộ phải thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT). Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2015 khi Quy chuẩn 09 được ban hành, Việt Nam chưa có xe điện, do đó các yếu tố kỹ thuật liên quan đến riêng xe điện, đơn cử tiêu chuẩn chất lượng cho pin và trạm sạc, vẫn chưa được quy định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 09 và dự kiến sẽ trình lên Bộ GTVT trong năm nay. Quy chuẩn mới sẽ đưa ra những quy định chung về mức độ an toàn của ô tô, trong đó có xem xét đến các yếu tố liên quan đến xe điện.

Theo đó, Dự thảo Quy chuẩn mới không yêu cầu cụ thể từng hệ thống, trang bị an toàn nào buộc phải có trên xe mà sẽ đưa ra những tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật mà phương tiện phải đạt được.

Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định an toàn

Các văn bản Dự thảo Luật Đường bộ, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng đang bổ sung nhiều quy định an toàn liên quan đến ô tô khi phương tiện này ngày càng phổ biến hơn, kèm theo số lượng tai nạn giao thông liên quan đến ô tô cũng gia tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng… Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ hướng tới xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Khi được thông qua và có hiệu lực, hai văn bản pháp luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ nhằm tăng cường tính an toàn cho các phương tiện cơ giới, đặc biệt là phương tiện ô tô, bảo đảm an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ.

Một trong những quy định đáng chú ý là quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Đơn cử, Dự thảo Luật Đường bộ quy định “có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 9 chỗ”. Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng có quy định liên quan đến nội dung này.

Về trách nhiệm của chủ phương tiện, trong Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định. Việc quy định trách nhiệm của chủ phương tiện khiến họ buộc có trách nhiệm chủ động trong việc bảo dưỡng phương tiện, từ đó, nâng cao chất lượng xe, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, Dự thảo Luật Đường bộ cũng bổ sung trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu về bảo đảm an toàn cho xe cơ giới.

Đọc thêm