Oan sai vụ mất cắp 990 đôi giầy trên đường đi xuất khẩu?

 

Nhiều lần hàng bị “bốc hơi” trên đường chở đi xuất khẩu nhưng Liên doanh giầy DAFACO vẫn không tìm ra thủ phạm. Đến khi Hoàng Chí Trung được cử đi áp tải hàng mới phát hiện thủ đoạn rút ruột container của lái xe và đồng bọn nên đã tố cáo với Ban lãnh đạo Công ty nên được tuyên dương, thưởng nóng. Không ngờ, Trung lại bị CQĐT công an tỉnh Hải Dương xác định là đồng phạm vụ trộm cắp và bắt tạm giam. 
 
Nhiều lần hàng bị “bốc hơi” trên đường chở đi xuất khẩu nhưng Liên doanh giầy DAFACO vẫn không tìm ra thủ phạm. Đến khi Hoàng Chí Trung được cử đi áp tải hàng mới phát hiện thủ đoạn rút ruột container của lái xe và đồng bọn nên đã tố cáo với Ban lãnh đạo Công ty nên được tuyên dương, thưởng nóng. Không ngờ, Trung lại bị CQĐT công an tỉnh Hải Dương xác định là đồng phạm vụ trộm cắp và bắt tạm giam.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người tố giác thành thủ phạm
Hoàng Chí Trung (SN 1984, ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là nhân viên tổ Công vụ thuộc Phòng Kỹ thuật của Công ty Cổ phần giày Đông Anh liên doanh với Đài Loan (DAFACO). Trong năm 2011 DAFACO đã xảy ra chừng chục vụ mất trộm giày với cùng thủ đoạn “rút ruột” container trên đường chở hàng đi xuất khẩu. Điều lạ là container vẫn kẹp chì, nhưng khi mở niêm phong thì thấy hàng đã bị rút ruột. Kiểm tra, rà soát tất cả các khâu đều thấy không có sai sót, gian lận nên công ty nghi ngờ hàng đã “bốc hơi” trong quá trình vận chuyển từ công ty xuống cảng Hải Phòng. 
Chính vì nghi vấn này mà chuyến hàng ngày 1/4/2011, công ty quyết định thay đổi người áp tải hàng. Lần đầu tiên Hoàng Chí Trung được giao nhiệm vụ đi áp tải hàng. Những người áp tải hàng cùng với Trung là lái xe, phụ xe của Công ty vận tải NMK có trụ sở tại đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng).
Theo tường trình của Trung, khi xe chở hàng đến địa phận xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương), những người áp tải cùng đã đặt vấn đề “xin” giầy nhưng Trung kiên quyết không đồng ý. Nhóm người này đã khống chế và thu giữ điện thoại của Trung rồi cho xe đến một kho bãi trống để rút ruột giầy trong container. Xong, chúng bắt Trung phải cầm 5 triệu đồng mục đích vừa để bịt đầu mối, vừa hòng đổ trách nhiệm đồng phạm cho Trung.
Khi chở hàng đến Hải Phòng, nhân viên cảng kiểm tra container thấy còn nguyên kẹp chì niêm phong đã nhận bàn giao hàng. Chỉ đến khi kiểm hàng, bên nhận mới phát hiện 990 đôi giầy đã “bốc hơi”.
Ngay sau khi áp tải hàng trở về, Trung đã đến công ty trình báo toàn bộ sự việc và được công ty DAFACO tuyên dương, thưởng nóng 4 triệu đồng. Vụ mất trộm được trình báo Công an tỉnh Hải Dương. Trong thời gian điều tra vụ việc, Trung được công ty cho nghỉ làm để đảm bảo an toàn cho người tố giác mà vẫn được hưởng 100% lương.
Quá trình hầu tra, Trung luôn có mặt đúng theo triệu tập, tích cực giúp công an phá án. Vậy mà bất ngờ là ngày 31/3/2012, Hoàng Chí Trung bị công an Hải Dương bắt tạm giam với lý do Trung là đồng phạm trong vụ trộm cắp giày của DAFACO.
Bắt nhầm người vô tội?
Việc Hoàng Chí Trung bị bắt tạm giam là cú “sốc” lớn, gây hoang mang, khó khăn cho gia đình bị can. Phía công ty DAFACO cũng bất ngờ trước hành vi tố tụng này của công an tỉnh Hải Dương.
Hiện tại hoàn cảnh của Trung rất bất hạnh, neo đơn. Mồ côi cha từ khi mới 7 tuổi, anh em Trung lớn lên nhờ sự tảo tần của người mẹ là bà Nguyễn Thị Loan - cựu chiến binh Trung đoàn 471 Lai Châu. Trung lớn lên, đi làm và lấy vợ, sinh con nhưng hạnh phúc không trọn vẹn nên đã ly hôn. Việc Trung- lao động chính trong gia đình, phải nuôi con nhỏ và mẹ già lại bị bắt tạm giam khiến cuộc sống của gia đình vô cùng khốn khó. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Loan cùng gia đình đã có đơn kêu oan và gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Trung được tại ngoại, chờ CQĐT làm rõ bản chất vụ án. 
Ngày 6/2/2012, Chủ tịch HĐQT công ty DAFACO Nguyễn Hồng Anh đã ký Công văn số 04 gửi VKSND tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Hoàng Chí Trung. Theo Công văn này, thời gian làm việc gần 3 năm tại Công ty, Trung luôn thật thà, trung thực, làm việc có tinh thần trách nhiệm.
Khi xảy ra vụ việc đã khẩn trương khai báo với Công ty và phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra vụ việc mất giày tại đơn vị. Do hoàn cảnh của Trung quá khó khăn, vụ án lại có dấu hiệu oan sai nên Công ty xin được bảo lãnh cho Trung được tại ngoại. Tuy vậy, nguyện vọng chính đáng trên vẫn chưa được Công an Hải Dương giải quyết.
Một diễn biến khác, trong đơn kêu oan gửi Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của Hoàng Chí Trung khẳng định đã có sự nhầm lẫn, oan sai đối với con trai bà.
Đơn cử tại Thông báo số 149 ngày 31/3/2012 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương về việc bắt tạm giam bị can có chữ ký, con dấu nhưng không có phần ghi họ tên chức vụ của người đã ký. Theo đó, người bị bắt tạm giam là “Hoàng Chí Trung, sinh năm 1987 tại Cẩm Giàng, Hải Dương” trong khi con trai bà Loan sinh năm 1984 tại Sóc Sơn, Hà Nội. Chưa kể, phần cuối thông báo này lại ghi tên người bị bắt gian là Hoàng Trí Chung. Bà Loan cho rằng thông báo ghi người bị bắt là Hoàng Trí Chung trong khi CQĐT lại bắt Hoàng Chí Trung nghĩa là con trai bà đã bị kết tội, bắt giam oan.
Từ những uẩn khúc của vụ án, chúng tôi thấy rằng lời kêu oan của bà Loan là hoàn toàn có căn cứ. Đề nghị cơ quan tố tụng tỉnh Hải Dương điều tra, xem xét vụ án một cách thận trọng, công tâm, đảm bảo kẻ có tội phải bị xử lý nghiêm và không làm oan người vô tội.
Trần Nguyên 

Đọc thêm