Ổn định kinh tế vĩ mô: Vẫn thấp thỏm với cách điều hành

 

“Nhìn vào chỉ số của Tổng cục Thống kê công bố gần đây thì tình hình không đến nỗi "sắp chết" như doanh nghiệp đang kêu. Thị trường phản ứng tích cực với Nghị quyết 11 nhưng mức độ “nghi ngờ” vẫn còn rất cao”.

“Nhìn vào chỉ số của Tổng cục Thống kê công bố gần đây thì tình hình không đến nỗi "sắp chết" như doanh nghiệp đang kêu. Thị trường phản ứng tích cực với Nghị quyết 11 nhưng mức độ “nghi ngờ” vẫn còn rất cao”.

Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát phát biểu tại Hội thảo "Bất ổn kinh tế vĩ mô (KTVM) và ý nghĩa phúc lợi: Kinh nghiệm quốc tế và bài học với Việt Nam" do Ngân hàng thế giới và Văn phòng Chinh phủ tổ chức mới đây.

Bất ổn lại quay về vàng, “đô”…

Theo TS. Thành, việc người dân dịch chuyển từ USD sang tiền đồng hơn 1 tháng nay rất rõ nhưng chủ yếu là gửi rất ngắn hạn. “Tức là họ lại sẵn sàng chuyển sang vàng, đô la nếu thấy bất ổn quay trở lại" - TS. Thành lý giải. Bên cạnh đó, chỉ số CDS (chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng), sau khi đã giảm một chút từ khi Nghị quyết 11 được áp dụng nhưng từ tháng 5 đến nay lại tăng lên khá mạnh.

 

Ngoài ra, nhìn vào vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng của các tổ chức như S&P, Moody và Fitch thì  vẫn giữ  nguyên ở mức xấu từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. “Việc này có thể có ý là họ đang chờ (để đánh tụt xuống nữa hoặc cũng có thể nâng lên) tùy thuộc vào tính quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết 11 của Việt Nam… Đấy là những yếu tố cho thấy lòng tin cần tiếp tục được củng cố thông qua việc thực hiện quyết liệt, nhất quán các mục tiêu đã đề ra…”-  ông Thành khẳng định.

Nguy cơ hành chính hóa

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 - khi dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam làm cho tín dụng bùng nổ. Sau đó, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra và kinh tế Việt Nam khó khăn thì dòng vốn ấy lại kéo ra, dẫn đến những bất ổn. Tuy nhiên, TS. Nghĩa cho rằng, bất ổn kinh tế vĩ mô không hoàn toàn chỉ vì dòng vốn vào - ra trên mà còn do cách thức điều hành của chúng ta còn nhiều vấn đề.     

”Mất mát bằng kinh tế thực không lớn bằng mất mát phương châm điều hành, với sự quay lại các công cụ hành chính”- ông Nghĩa quả quyết. Theo TS Nghĩa, việc lạm dụng công cụ hành chính đã làm cho lãi suất méo mó khủng khiếp, không còn đường cong lãi suất. Một thực tế đáng buồn là các ngân hàng thương mại lại “thích” các công cụ hành chính bởi vì rất dễ trốn và vô hiệu hóa. Còn khi sử dụng công cụ có tính thị trường thì bị phản ứng vì không thể trốn tránh hay không minh bạch… Tình trạng đô la hóa nghiêm trọng cũng khiến cho việc tính toán cầu về tiền không chuẩn xác, việc điều hành phức tạp, dân chúng có thể dễ dàng “nhảy” từ nội tệ sang ngoại tệ, sang vàng…

TS.Nghĩa cũng cho rằng việc nới lỏng tín dụng quá sớm của những năm trước là bài học chưa cũ. Hơn nữa, hiện nay, nếu tính theo tháng thì chỉ số lạm phát lạm phát đã đi xuống, nhưng tính theo năm thì vẫn ở ở mức cao và vẫn đang tăng. Do đó, theo TS. Nghĩa chúng ta nên tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo thông lệ quốc tế, đúng với bản chất của nó thì từ đó mới có thể điều hành (cũng bằng những thông lệ quốc tế) để có được hiệu quả dài hạn…

Theo các chuyên gia nước ngoài, việc Việt Nam thực hiện đồng bộ và quyết liệt Nghị quyết 11 đã mang lại những hiệu quả ban đầu. Song hơn lúc nào hết Việt Nam cần nhất quán và kiên định với những mục tiêu, chính sách đã đề ra. Nếu không, nguy cơ tái bùng phát lạm phát, bất ổn vĩ mô trở lại và suy giảm niềm tin thị trường vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Linh Lan

Đọc thêm