Ông giáo về hưu dùng dùi đục... chữa khỏi bệnh xương khớp?

Đem phương pháp và bài thuốc bó xương tham khảo ý kiến của các chuyên gia về Đông y thì không ai có thể giải thích rõ ràng. Các chuyên gia đều cho rằng ông Sơn chữa khỏi bệnh cho nhiều người là bởi bí quyết gia truyền nào đó. Nên chăng cơ quan chuyên môn cần vào cuộc để thẩm định phương pháp chữa bệnh khá kỳ dị này?.

Có nhiều cách chữa các bệnh về gẫy xương, sai khớp, nhưng phương pháp dùng dùi đục đập lên vết thương rồi đắp bằng bài thuốc trộn vỏ ngoài bánh trưng thì quả là "độc nhất vô nhị". Chủ nhân của phương pháp chữa bệnh đặc biệt này là ông Nguyễn Văn Sơn (68 tuổi, trú tại thôn Thanh Điềm, xã Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) một nhà giáo về hưu nhưng đã có thâm niên 50 năm dùng mẹo chữa bệnh.

Ông Sơn vác dùi đục để... chữa bệnh xương khớp
Ông Sơn vác dùi đục... chữa bệnh xương khớp

Bài thuốc gia truyền 5 đời

Chia sẻ về phương pháp bó xương, vị thầy lang cho biết bài thuốc truyền đến đời các con trai ông là đã được 5 đời. Theo đó, cố nội của ông vốn là một lang y chuyên nghiên cứu các vị thuốc Nam và thuốc Bắc. Tuy nhiên, phương pháp bó xương đặc biệt này thì lại do một cơ duyên mang tới. Lúc sinh thời, cố nội ông vô tình giúp đỡ một người Trung Quốc gặp khó khăn.

Rồi trước khi về nước, người đó đã dạy lại cho cố nội ông phương pháp và bài thuốc bó xương như là cách để trả ơn cứu giúp. Trên cơ sở đó, kết hợp với kiến thức về nghề y, cố nội ông đã áp dụng để chữa bệnh cho mọi người và truyền dạy cho các thế hệ con cháu.

Ông Sơn tâm sự: "Khi mới 8 tuổi, tôi đã theo phụ giúp ông nội những lúc cụ đi chữa bệnh. Thấy nhiều người bệnh gãy xương đau đớn, tôi không đành lòng nên cũng nắn bóp cho họ. Chắc hài lòng vì thấy cháu có cái tâm, ông nội đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều. Nếu tính từ khi bắt đầu chữa các bệnh về xương, tôi đã có thâm niên 50 năm theo nghề".

Vốn là giáo viên tiểu học nên chỉ đến khi nghỉ hưu năm 2005, ông mới chú tâm vào chữa bệnh. Tuy nhiên  vì đã có  tiếng nhiều đời nên những người trong làng, xã, hễ cứ gãy chân, gãy tay là lại tìm đến nhờ ông chữa trị. Tiếng lành đồn xa, dần dần cả những người ở nơi khác bị bệnh về xương khớp cũng tìm đến ông.

Vị thầy lang cho biết, hiện mỗi ngày ông phải tiếp cả chục bệnh nhân. Nhiều người ở tỉnh xa, điều kiện đi lại khó khăn, ông còn cho ăn ngủ lại nhà mình để tiện việc thăm khám. Theo ông Sơn, có lẽ do phương pháp chữa bệnh của mình đơn giản, không phải bó buộc nặng nề khiến di chuyển khó khăn như phương pháp bó bột của Tây y nên mới có nhiều người tìm đến ông như thế.

Nói về bí quyết của mình, ông Sơn cho biết: "Muốn chữa bệnh về xương thì đòi hỏi người thầy thuốc phải nắm bắt được những cấu tạo của xương và tác dụng của các vị thuốc đến với các khớp xương, kết hợp với xem ngũ hành và hiểu vị trí các huyệt đạo trên cơ thể. Tùy vào biểu hiện của vết thương để tìm ra chính xác nơi bị gãy, nắn chỉnh về đúng vị trí, sau đó bấm huyệt để khí huyết được lưu thông. Có như thế, các vị thuốc đắp vào sẽ ngấm sâu hơn và làm vết thương chóng lành".

"Dụng cụ" chữa bệnh của ông Sơn gồm một cây dùi đục là một khúc gỗ khá nặng tay và một khúc tre nhỏ hơn, được đẽo tròn. Khi chữa bệnh, vị thầy lang dùng hai thứ đó đập nhẹ vào người bệnh nhân, có những trường hợp ông đập trực tiếp vào vết thương. Người bệnh lúc đầu sẽ rất đau đớn nhưng sau khi được đắp thuốc, sẽ có cảm giác thoải mái bởi các khớp xương như đã trở về vị trí cũ.

Nhiều bệnh nhân sau khi được bó thuốc còn yêu cầu ông đập “dùi cui” thêm vài lần nữa. Theo vị thầy lang, thực ra việc đập dùi đục này chính là một phương pháp bấm huyệt, nhằm tác động sâu đến các huyệt đạo, giúp cho khí huyết ở vùng bị thương được lưu thông. Có điều, vì bản thân đã già yếu, không đủ sức bấm huyệt sâu bằng các ngón tay nên ông mới phải dùng những công cụ hỗ trợ kỳ dị như thế.

Sau khi dùng dùi đục đập vào vết thương, vị thầy lang còn khuyến khích bệnh nhân cố gắng vận động những bộ phận bị thương. Dù biết rằng rất đau đớn nhưng theo ông Sơn, việc này là rất cần thiết. Bởi khi bị gãy xương hoặc trật khớp, các gân cơ xung quanh vết thương sẽ co lại. Vì thế, sau khi xương được đưa về vị trí cũ, việc cử động sẽ giúp hệ gân cơ được "bôi trơn", khí huyết chạy về nuôi dưỡng các bộ phận bị đau nhiều hơn và thuốc đắp sẽ có tác dụng nhanh.

Ông lão đang kiểm tra vết thương của một bệnh nhân
Ông lão đang kiểm tra vết thương của một bệnh nhân

Bài thuốc trộn... vỏ bánh chưng

Bài thuốc đắp của ông được chia làm hai loại chính. Loại thứ nhất là thuốc xoa bóp được dùng cho những vết thương sưng tấy, bầm tím, nhức mỏi... Loại thuốc này bao gồm 5 vị thuốc Bắc như đinh hương, mộc hương… được sao vàng, nghiền thành bột và ngâm cùng rượu trắng, có thể dùng ngay sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ.

Ông Sơn dẫn chứng trường hợp của một bệnh nhân quê ở Hà Tĩnh. Cách đây vài tháng, bệnh nhân này thấy xuất hiện hai nang dịch ở mặt trên cổ tay. Khi thăm khám, vị thầy lang chỉ cần lấy thuốc xoa bóp đã ngâm rượu thoa lên hai nang dịch, sau đó dùng dùi đục gõ mạnh. Kết quả là hai nang dịch biến mất, cổ tay đã chuyển động uyển chuyển hơn, không còn thấy đau nhức như trước. Loại thuốc thứ hai là thuốc đắp, được dùng chủ yếu cho các trường hợp xương bị gãy rời. Loại thuốc này có 11 vị thuốc Bắc, trong đó có đinh hương, mộc hương, thủ đậu, thạch cao…

Tuy nhiên, cũng tùy vào thể trạng người bệnh mà bổ sung, gia giảm một số vị thuốc cho hợp lý. Ông lão chia sẻ: "Tôi chỉ sờ nắn vào vết thương của người bệnh mà phân biệt. Với người máu hàn (lạnh) thì cho thêm vị thuốc làm cơ thể nóng lên như hoa hồi, còn người máu nóng thì cho thêm vị thuốc có tác dụng hạ nhiệt”.

Các vị thuốc này kết hợp với vỏ ngoài bánh chưng hoặc cơm nếp, nhào vào một tờ giấy rồi đắp lên chỗ xương bị gãy. Ông Sơn giải thích bánh chưng không thiu và khi khô sẽ cứng lại, có tác dụng định hình vết thương. Lúc bó cũng chặt hơn các vật liệu khác nên sau một tuần mới phải đắp đợt thuốc mới. Bình thường, người bệnh chỉ cần đắp từ 3 - 5 lần, tùy vào tình trạng nặng hay nhẹ, là vết xương gãy sẽ lành lại. Phương thuốc của ông chỉ đắp ngoài da, không cần phải uống bất kỳ loại thuốc nào khác.

Vị thầy lang cho biết mỗi đợt chữa bệnh bằng phương pháp đập dùi cui và đắp thuốc có giá khoảng 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, ông Sơn quan niệm chỉ cần giúp được một người vượt qua bệnh tật đã là niềm vui lớn đối với mình. Vì thế, gặp những trường hợp người bệnh ở xa đến hoặc hoàn cảnh khó khăn, ông sẵn sàng miễn phí chỗ ăn ở, dưỡng bệnh mà không lấy thêm bất kỳ khoản tiền công nào. 

Qua tìm hiểu được biết ông Sơn chữa bệnh đã nhiều năm nay mà vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn về y tế cấp phép hành nghề. Đem phương pháp và bài thuốc bó xương tham khảo ý kiến của các chuyên gia về Đông y thì cũng không ai có thể giải thích rõ ràng. Các chuyên gia đều cho rằng ông Sơn chữa khỏi bệnh cho nhiều người là bởi bí quyết gia truyền nào đó. Nên chăng cơ quan chuyên môn cần vào cuộc để thẩm định phương pháp chữa bệnh khá kỳ dị này?.

Nguyễn Hiền - Kim Chi

Đọc thêm