Ông lão 80 tuổi "vác tù và hàng tổng" ở Gia Phong, Hải Phòng

 Tôi gặp ông Vũ Văn Nhàn, Trưởng Làng văn hóa Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) vào một ngày giữa thu. Trong ngôi nhà giản dị nhưng ấm cúng, ông Nhàn cởi mở chia sẻ về công việc xóm làng.
Tôi gặp ông Vũ Văn Nhàn, Trưởng Làng văn hóa Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) vào một ngày giữa thu. Trong ngôi nhà giản dị nhưng ấm cúng, ông Nhàn cởi mở chia sẻ về công việc xóm làng.
Ông Vũ Văn Nhàn

Năm nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn chưa được "nghỉ việc làng" do "Đảng cần, dân tín nhiệm". Lúc trò chuyện, ông không nói sang sảng, nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm trong cách trò chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc của ông. Có lẽ đó cũng là một trong những phẩm chất của người hòa giải viên, giúp ông hòa giải thành công nhiều vụ việc từ to đến nhỏ. Ông không chỉ là hòa giải viên nhiệt tình, tích cực mà còn là trưởng làng văn hóa mẫu mực, được dân làng nể trọng.

Từng là cán bộ xã nhiều năm nên ông Nhàn thông hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, dù tuổi cao ông vẫn được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng làng văn hóa Gia Phong, xã Tân Hưng. Làng to, nhiều người, nhiều dòng họ nên không tránh khỏi những phức tạp trong cuộc sống thường ngày. Để làng xóm được yên vui, thanh bình quả không dễ.

Ngoài vai trò của chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể còn có vai trò của cá nhân những người đứng mũi chịu sào. Ông Nhàn nói: “Đoàn kết được toàn dân cùng nhau xây dựng đời sống kinh tế, giữ yên xóm làng là mong mỏi không chỉ của riêng các hộ dân trong làng, mà là của chung chính quyền xã. Mình là trưởng làng, kiêm hòa giải viên thì phải sâu sát mỗi nhà dân, kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của mọi người, giải tỏa ngay những bức xúc mới phát sinh hay báo cáo xã những việc vượt khỏi tầm giải quyết. Đặc biệt đã là người hòa giải thì ở đâu có việc nên vào, đừng nể nang mà nhiều khi hỏng việc, mất cơ hội giải hòa, để chuyện bé xé ra to gây phức tạp".

Hằng ngày, ông Nhàn đi quanh làng, đến thăm các gia đình, hỏi han, trò chuyện. Cũng vì đi nhiều, gần gũi các hộ trong làng mà ông biết nhiều chuyện, có khi qua câu chuyện của chị A ông lại giải quyết được việc của gia đình anh B. Bởi ở làng quê, dư luận rất quan trọng, đôi khi "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay", những gia đình có việc ngại không nói với tổ hòa giải nhưng nghe người khác nói, ông biết, ông vẫn đến tìm hiểu khuyên nhủ, động viên, thuyết phục. Hàng chục năm qua, ông đã hòa giải thành công không biết bao nhiêu vụ việc. Thế nhưng ông vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được gì nhiều cho làng và rất ngại khi nói về chính mình.

 Anh Phạm Huy Thiêm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng nhận xét: "Ông Vũ Văn Nhàn là trưởng làng văn hóa gương mẫu được cán bộ đảng viên tin yêu, dân làng quý mến. Có được trưởng làng như vậy, lãnh đạo xã rất yên tâm bởi ông là cầu nối vững chắc giữa dân và lãnh đạo xã, giúp lãnh đạo xã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân và giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng".

Anh Vũ Đức Thuyên, cán bộ tư pháp xã thì cho biết ngành Tư pháp lúc nào cũng mong có nhiều hòa giải viên như ông Nhàn ở các làng quê, để mâu thuẫn nhỏ được giải quyết ngay từ cơ sở, tạo điều kiện ổn định tình hình để làng, xã phát triển đi lên. Ông cũng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương được các cấp khen thưởng.

Như Lan

Đọc thêm