Ngày 20/11, sau khi xét hỏi xong bị cáo Phan Văn Vĩnh, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được mời lên bục khai báo để thẩm vấn. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị VKS tỉnh Phú Thọ truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trả lời trước tòa về mối quan hệ với Phan Văn Vĩnh, ông Hóa nói: Ông Hóa là cấp trên, là người thông minh, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Giữa hai người không có mâu thuẫn.
HĐXX hỏi: Ai là người đề xuất cho CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an?. Ông Hóa khai, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 năm 2009, ban đầu C50 chỉ có hơn 30 người, có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do tập trung vào các việc khác nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.
Cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ lúc đầu đề nghị cho cháu làm công ty bình phong của C50. Khi bị cáo nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương. Sau đó, ông Hóa gặp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh nói Nguyễn Thanh Hóa làm tờ trình để Tổng cục duyệt.
“Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu”, ông Hóa khai tiếp. Các đơn vị khác hướng dẫn có 3 hình thức làm công ty bình phong gồm bỏ tiền làm, đóng góp tiền để liên kết hoặc dùng lợi thế sản phẩm trí tuệ.
|
Xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương tại tòa. |
Sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông Hóa cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.
Theo ông Hóa, văn bản ghi nhớ được ký ngày 10/10/2011 và không có giá trị pháp lý, C50 có thể thực hiện hoặc cũng có thể không do trước đó chưa có tiền lệ. Trong đó, C50 đồng ý đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, đổi lại C50 được nhận 20% lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Hóa khai trên thực tế, sau khi ký văn bản ghi nhớ với CNC, ông ta đã báo cáo Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh về việc C50 không có nhân lực và vốn để tham gia hợp tác với CNC. Do đó, C50 không thực hiện theo bản ghi nhớ nữa.
“Như vậy, CNC không phải là công ty bình phong, không phải cơ sở và cũng không có quyết định nào công nhận điều đó”, ông Hóa trình bày.
Ngay sau đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất. Cựu Chủ tịch CNC đứng sát ông Hóa và nói: “Tôi tôn trọng những lời khai của người bên cạnh. Mong muốn HĐXX xem xét trong hồ sơ vụ án. Tôi cũng không tiện nói đúng hay không đúng”.
Giải thích về việc CNC từng được công nhận là công ty nghiệp vụ của C50, cựu Cục trưởng Hóa cho rằng: “Tôi biết CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám nhưng không biết Nguyễn Văn Dương đã treo biển Cục trưởng C50 và đề tên tôi (Nguyễn Thanh Hóa) tại đây”. Cho đến khi bị bắt, ông Hóa mới biết điều này.
HĐXX sau đó đã công bố lời khai của bị cáo Dương thể hiện ông Hóa biết CNC treo biển và đã đề nghị gỡ bỏ.
Tiếp tục đối chất, Nguyễn Văn Dương khai sau khi phát hiện CNC treo biển đề tên và chức vụ của ông Hóa tại số 10 Hồ Giám, cựu Cục trưởng C50 đã có ý kiến và yêu cầu hạ xuống để đảm bảo tính bí mật.
HĐXX hỏi: “Bị cáo suy nghĩ gì về lời khai của Dương?”. Ông Hóa trả lời, đó chỉ là một căn hộ nhỏ, không có lý do gì để ông đến làm việc và treo biển và khẳng định, công ty CNC không phải công ty bình phong của C50.
Tiếp tục, cựu Cục trưởng C50 viện dẫn lý do khiến ông không biết CNC tổ chức đánh bạc và cho biết: Đơn vị ông phụ trách đến nay có 1.000 người nhưng không một ai có văn bản báo cáo; không nhận được đơn thư tố giác từ quần chúng hoặc chỉ đạo từ cấp cấp trên, cá nhân ông không hiểu về công nghệ. “Do đó, tôi không thể nắm được”, ông Hóa nói.
Tuy nhiên, HĐXX đã công bố lời khai của các cán bộ dưới quyền ông Hóa: Ông Nguyễn Huy Lục (Trưởng phòng Tham mưu C50) khai, được ông Hóa đọc cho đánh báo cáo không đúng sự thật về việc 2 cổng thông tin đã được cấp phép. Khi ông Lục thắc mắc, cựu Cục trưởng C50 mắng: “Mày biết gì, nó được cấp phép rồi, ghi vào đấy”. Sau đó, khi phát hiện CNC tổ chức đánh bạc, ông Lục đề nghị Nguyễn Thanh Hóa yêu cầu CNC chấm dứt hoạt động thì cấp trên vẫn cho rằng công ty bình phong vận hành cổng thanh toán không vi phạm;
Ông Hoàng Xuân Phóng (Trưởng phòng 2, C50) khai, cuối 2015 đã báo cáo miệng với ông Hóa và đề xuất được xác minh Rikvip vì đây là game bài không phép có dấu hiệu đánh bạc. Tuy nhiên, cựu Cục trưởng C50 khi đó nói, CNC không vi phạm pháp luật và sẽ báo báo lãnh đạo bộ để cho thí điểm game bài phục vụ công tác nghiệp vụ…
Căn cứ hồ sơ vụ án, thẩm phán cho rằng có nhiều lời khai khác cho thấy khi cấp dưới báo cáo về Rikvip, ông Hóa đều nói game bài không vi phạm pháp luật và đặt câu hỏi: "Bị cáo có căn cứ chứng minh điều họ khai là không đúng sự thật không?
Ông Hóa nói: “Quy định ngành công an buộc phải có báo cáo văn bản, không được báo cáo miệng. Nếu họ ghi văn bản và tôi ghi không được làm thì tôi chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Thanh Hóa cũng phủ nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương về việc cựu Cục trưởng C50 can thiệp để Công an Hà Nội dừng xác minh game bài Rikvip.
“Trước đến giờ, tôi chưa can thiệp bất cứ việc gì. Việc kiểm tra game bài lúc nào tôi cũng không biết. Việc nhỏ như thế anh Dương xử lý được”, bị cáo Hóa nói.
Theo cáo trạng, đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu.
Vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen... các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến.
Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là gần 10.000 tỷ đồng nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.