Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, năm 1975 dân số Tây Nguyên khoảng 1 triệu người. Đến nay, dân số các tỉnh Tây Nguyên vào khoảng 6,5 triệu người. Theo phân tích của một số chuyên gia, trong số 6,5 triệu người, dân di cư tự do chiếm hơn phân nửa (trong đó số người di cư tự do là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc là chủ yếu, nhất là đồng bào dân tộc Mông).
Tình trạng di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên trong vài năm gần đây tuy có giảm đôi chút, song vẫn diễn biến phức tạp, do đồng bào di cư vào các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vùng sâu, vùng xa, cách xa khu trung tâm, tránh kiểm soát của chính quyền sở tại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển nhận định: Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, như: rừng bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là rừng già, rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đa dạng sinh học, thực vật và động vật bị hủy diệt, trong đó có các loại thú quý hiếm bị giết hại; môi trường sinh thái bị giảm sút nghiêm trọng, góp phần gây ra lũ lụt, hạn hán, lũ quét, sạt lở không chỉ cho Tây Nguyên mà còn cho các tỉnh Duyên Hải miền Nam Trung Bộ.
Về mặt xã hội thì nhiều tệ nạn xã hội trở nên phức tạp hơn ( như: ma tuý, cờ bạc, hoạt động tôn giáo trái phép, gây mất trật tự xã hội, tranh chấp đất đai…). Hiện nay, một số nơi có điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất thì đời sống của người di cư tự do tốt hơn so với nơi đi, còn lại một bộ phận lớn vẫn đang trong tình trạng đời sống còn khó khăn, nghèo đói, trẻ em không được đi học, chính quyền rất khó quản lý, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, việc kiểm soát của các cấp chính quyền gặp nhiều khó khan, nhất là trong việc di dời số đồng bào đã xâm canh và ở trong khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khi họ đã tự hình thành cụm dân cư, bản làng.
Hiện nay, nhà nước đang triển khai nhiều chính sách, dự án để ổn định cuộc sống của đồng bào di cư. Tuy nhiên, theo quan sát và đánh giá chung của nhiều chuyên gia thì các chính sách hiện nay có vẻ đang tập trung lo “phần ngọn” ở nơi đến (các tỉnh Tây Nguyên). Trong khi đó, “phần gốc” (tức là từ các tỉnh miền núi phía Bắc có dân di cư) còn nhiều bất cập. Dù chúng ta có nhiều chương trình, dự án, nhưng sự vận hành trên thực tế lại thiếu hiệu quả, thiếu "nhạc trưởng", mỗi một chương trình, dự án lại do một bộ, ngành quản lý một cách riêng lẻ, thiếu kết nối, điều phối hợp lý.
Do vậy, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho rằng: trong thời giai tới Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, chi tiết, căn cơ, đồng bộ cho vấn đề này. Việc giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn vùng Tây Nguyên là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có một đề án tổng thể được nghiên cứu, xây dựng thật khoa học, căn cơ, hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế-xã hội, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền nơi có dân di cư và nơi có dân đến. Trong đó cần xác định rõ, việc ổn định dân di cư không chỉ là việc riêng của các tỉnh Tây Nguyên mà quan trọng hơn là sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương ở nơi có dân di cư.
|
Đại biểu QH Nguyễn Văn Hiển cho rằng tình trạng di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số là một vấn đề lớn cần quan tâm |
Ở tầm chính sách vĩ mô, đồng ý với quan điểm là: thay vì bỏ số tiền lớn đầu tư ở nơi di dân đến, thì nên đầu tư bài bản, căn cơ ở nơi xuất cư để kéo người di cư tự do quay trở lại. Trong đó, chính quyền địa phương nơi có dân di cư cần có các giải pháp, biện pháp thật cụ thể, tạo công ăn việc làm tốt để dân không muốn di cư nữa.
Kinh nghiệm từ "Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé" hay đề án di dời tái định cư thủy điện Sơn La cũng được Nhà nước đầu tư rất bài bản. Người dân ở khu vực tái định cư của dự án này gần như không xuất hiện trong dòng người di cư tự do ở Tây Nguyên những năm qua.
"Từ hai dự án nói trên, theo tôi, Nhà nước nên tập trung chính sách, nguồn lực đầu tư, quan tâm đến điều kiện sinh kế cho bà con đồng bào tại chỗ để hạn chế di cư tự do. Như nhiều người nói “Khi có mảnh đất lành, chim sẽ về đậu mà không cần bay đi đâu cả!" - Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.