"Không phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng, chứng tỏ dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan", ông Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, tối 19/4, nói.
"Bệnh nhân 188" dương tính trở lại sau khi ra viện, là bệnh nhân thứ hai ở Việt Nam dương tính lại sau xuất viện.
"Tái dương tính là điều hoàn toàn có thể xảy ra, dù không phải số nhiều", ông nói.
Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nghiên cứu về các trường hợp tái dương tính này, chưa có kết luận cụ thể.
Nhiều giả thiết được đặt ra. Nếu loại được lỗi trong quá trình lấy mẫu, xử lý và xét nghiệm, thì có thể tính đến nguyên nhân khác như tái nhiễm, hoặc sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân.
Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển đủ để chống lại virus, hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.
Cũng có thể chủng virus corona mới này tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được tái kích hoạt.
"Những người tái dương tính trên lý thuyết có khả năng lây lan cho người khác, tuy nhiên, cũng chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các bệnh nhân này", ông Phu nói.
"Bệnh nhân 188" sau khi ra viện phải cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Ca tái dương tính này không quá lo ngại do bệnh nhân chỉ tiếp xúc gần với chồng và con. Tương tự, "bệnh nhân 22" người Anh sau khi xuất viện đã tái dương tính nhưng không lây nhiễm cho ai. Khi trở về Anh, kết quả xét nghiệm của người này cũng âm tính.
Tuy vậy, ông Phu khuyến cáo người dân không được chủ quan, phải đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên. Biện pháp này thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành.
Việt Nam đang ở trong giai đoạn ba chống dịch, vừa tiến hành ngăn chặn xâm nhập từ nước ngoài vừa xử lý các ổ dịch trong cộng đồng.
Đối với dịch xâm nhập, những trường hợp nhập cảnh đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. 160 ca nhiễm được phát hiện. Mấy tuần nay không phát hiện ca mới nữa, chứng tỏ việc ngăn chặn có hiệu quả, ông nói.
Dịch chuyển sang giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng khi xuất hiện một số ổ dịch lớn như Bạch Mai ở Hà Nội, Buddha Bar & Grilll tại TP HCM, mới đây là thôn Hạ Lôi, Hà Nội. Các ổ dịch này đến nay đã được khống chế, không phát hiện ca nhiễm mới.
Ông Phu cho rằng ở các ổ dịch, khi tiến hành phong tỏa, thực hiện mọi biện pháp chống dịch sẽ cách ly được người mang mầm bệnh với người lành, quản lý được người dương tính. Về cơ bản, phong tỏa các ổ dịch 28 ngày sẽ kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên với quy mô lớn như một tỉnh thành phố, hay một quốc gia, để cắt đứt 100% sự lây lan là bất khả thi. Vì thế, việc quan trọng nhất hiện nay, theo ông là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng.
"Rất khó để tất cả người đang mang mầm bệnh không tiếp xúc với người lành. Chưa thể nói sự lây lan trong cộng đồng hết hay chưa", ông Phu kết luận.