Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế là đơn vị thường trực của Bộ Y tế có trách nhiệm tổng hợp, trình hội đồng tư vấn thẩm định trước khi Bộ Y tế quyết định thông qua hồ sơ nhập khẩu thiết bị y tế. Hàng loạt thương vụ nhập lậu thiết bị y tế cũ nát vừa bị cơ quan hải quan phát hiện, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Bộ Y tế có tiếp tay cho những sai phạm này?.
Cty “ma” thoắt ẩn, thoắt hiện
Theo cơ quan hải quan, các lô thiết bị nhập về đều được Cy Bảo Trân bán cho Cty TNHH một thành viên Kỹ thuật Thương mại Xuất nhập khẩu Khải Anh, có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM. Trong hồ sơ cho thấy Cty Bảo Trân cũng đã xuất 14 hóa đơn giá trị gia tăng để đối tác thanh toán cho các hợp đồng mua bán trị giá hàng tỷ đồng.
“Theo quy định pháp luật, sau khi bắt giữ chúng tôi mời doanh nghiệp tới làm việc. Tại cơ quan điều tra, họ thừa nhận hành vi vi phạm và khai ra các đối tác tiêu thụ số hàng này. Tuy nhiên, mở rộng điều tra tại các địa chỉ mà chủ các lô hàng này khai thì cho thấy vụ việc không hề đơn giản. Họ khai bán cho ông này, ông kia tiêu thụ nhưng đến đúng địa chỉ đó thì hoàn toàn không có Cty, cơ sở hay pháp nhân nào như vậy cả.
Chúng tôi nhận định rằng trước khi thực hiện các phi vụ này, các đối tượng đã bàn tính rất kỹ, thậm chí đoán trước rồi sẽ có lúc bị phát hiện nên đã tìm cách che đậy cơ quan chức năng khi sự việc vỡ lở. Dù có khó khăn trong việc truy tìm nhưng chúng tôi sẽ có những biện pháp khác để làm rõ số thiết bị này hiện đang ở đâu”, ông Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội kiểm soát hải quan khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) quả quyết.
PLVN cũng đã đi tìm hiểu thực tế hoạt động của Cty Bảo Trân và Cty N.A.N.A Việt Nam. Về địa chỉ mà Cty Bảo Trân đăng ký với cơ quan thuế: không tồn tại địa chỉ này, cũng không có DN thuê trụ sở ở trong khu vực theo như khai báo với cơ quan chức năng. Cty N.A.N.A Việt Nam cũng hoàn toàn không có tại địa chỉ khai báo.
Đáng nói hơn, dù mới hoạt động nhưng cả 2 Cty này khai nhận bằng thủ đoạn tương tự, họ đã thực hiện trót lọt 14 thương vụ cho đến khi bị Cục Điều tra chống buôn lậu “sờ gáy”.
“Đúng là tới vụ thứ 8 thì chúng tôi mới phát hiện bắt giữ được. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã thực hiện trót lọt 14 vụ (mỗi Cty 7 vụ). Nếu đúng như khai báo thì sơ bộ có 14 máy sinh hóa tự động đã “lọt lưới” đang nằm ở cơ sở khám chữa bệnh nào đó. Chưa thể tìm ra ngay nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tìm thấy”, ông Minh xác nhận.
Buông lỏng hay bắt tay?
Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế là đơn vị thường trực của Bộ Y tế có trách nhiệm tổng hợp, trình hội đồng tư vấn thẩm định trước khi Bộ Y tế quyết định thông qua hồ sơ nhập khẩu thiết bị y tế. Theo quy định của Bộ này, điều kiện đối với đơn vị nhập khẩu trang thiết bị y tế, người chịu trách nhiệm ở các Cty này phải có bằng đại học chuyên ngành điện tử y sinh học, vật lý y sinh học hoặc có bằng đại học các ngành y, dược và có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành trang thiết bị y tế do các cơ sở đào tạo hợp pháp về kỹ thuật trang thiết bị y tế cấp hoặc chứng chỉ tương đương do nước ngoài cấp với lĩnh vực đào tạo phù hợp với trang thiết bị y tế mà đơn vị đề nghị nhập khẩu.
Nhưng theo Cục Điều tra chống buôn lậu, những lời khai của bà Trần Thị Ánh Hồng - Giám đốc Cty Bảo Trân tại cơ quan điều tra khiến bản thân họ cũng phải choáng váng vì không biết Bộ Y tế thẩm định ra sao mà lại cấp phép cho Cty này.
“Cô ta nói thẳng là trình độ văn hóa thấp, được dựng lên làm giám đốc chứ có biết gì đâu. Cô ta nói cô là người Nam bộ. Trình độ văn hóa mới học hết lớp 8, sau đó đi làm ô sin. Trong thời gian làm ô sin thì có đi học bổ túc thêm lớp 9. Sau khi Cty được thành lập cô được cho làm giám đốc. Cô khai toàn bộ hoạt động từ giao dịch với đối tác nước ngoài, thủ tục nhập khẩu về đều do ông Nguyễn Xuân Tưởng - Phó Giám đốc Cty Bảo Trân thực hiện”, ông Minh ngao ngán.
Cũng theo quy định tại thông tư hướng dẫn việc nhập khẩu trang thiết bị y tế của Bộ Y tế thì quy trình, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế là rất chặt chẽ, đặc biệt là hồ sơ về trang thiết bị y tế nhập khẩu cũng như thủ tục để được cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế. Một số giấy tờ quan trọng phải có trong hồ sơ doanh nghiệp gửi đến để được Bộ Y tế thẩm định cấp phép, như: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế; Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm trang thiết bị y tế nhập khẩu tại nước sản xuất; Giấy ủy quyền của hãng sản xuất hoặc nhà phân phối hợp pháp cho đơn vị nhập khẩu được phép nhập khẩu, phân phối sản phẩm trang thiết bị y tế tại Việt Nam. Những “certificate” này, với số lô hàng nói trên hoàn toàn không thể có, vậy nhưng vẫn được thông qua (?!).
Đáng nói hơn, ngoài Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế là đơn vị thường trực giúp Bộ Y tế thẩm định chính xác trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị y tế thì để được Bộ Y tế cấp phép cho một hồ sơ nhập khẩu thiết bị y tế của một doanh nghiệp nào đó thì hồ sơ còn phải được trình qua một hội đồng được gọi là “Hội đồng tư vấn cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế”. Quy định chặt chẽ là như vậy nhưng hàng loạt thương vụ nhập lậu thiết bị y tế cũ nát mà Cục Điều tra chống buôn lậu vừa phát hiện đã cho thấy cái hội đồng này gần như bị vô hiệu hóa trong những quyết định cấp phép này?.
Có thể nói sự việc đang hé lộ một đường dây chuyên nhập lậu máy móc, thiết bị y tế quá đát tuồn vào các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam để kiếm chác với hậu quả khôn lường mà về trách nhiệm, cơ quan giúp việc của Bộ Y tế không thể vô can.
Theo nguồn tin của PLVN, sau khi vụ việc được phát hiện, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan này nhằm ngăn chặn những sự việc có thể xảy ra tiếp theo.
“Nếu không có thông tin tình báo, trinh sát không thể biết được. Theo quy định thì lô hàng được khai báo mà biết được luồng xanh thì thông quan rất dễ dàng vì không phải kiểm tra. Quy định thông thoáng này chính là kẽ hở để những đối tượng này sử dụng. Máy mới thật trị giá gần 1 tỷ đồng. Máy tút lại như chúng tôi mới bắt được thì trị giá chỉ hơn 100 triệu đồng. Vấn đề ở đây là số máy này nếu chui được vào các cơ sở y tế công thì phải qua đấu thầu. Việc đấu thầu lại đấu với tư cách là máy mới 100%. Cái thiệt hại đó là Nhà nước phải chịu. Còn chất lượng của cái máy đó khi được đưa vào sử dụng thì đương nhiên người bệnh lại phải trả tiếp những khoản phí cho việc khám chữa bệnh với chiếc máy trị giá tiền tỷ, trong khi thực tế không phải như vậy. Nói một cách hình ảnh là tiền mất mà tật mang”. (Ông Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội kiểm soát hải quan khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan).