PGS.TS Ngô Trí Long: 'Khu vực kinh tế tư nhân cần chủ động tham gia vào quá trình kiến tạo thể chế'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát triển kinh tế tư nhân hiện nay không đơn thuần chỉ là câu chuyện về tăng trưởng hay đóng góp vào GDP, mà còn là “bài toán” chiến lược về “sức sống” của nền kinh tế quốc dân. Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
PGS.TS Ngô Trí Long
PGS.TS Ngô Trí Long

Phải biết “đứng trên vai người khổng lồ”

PV: Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã định vị sứ mệnh và coi kinh tế tư nhân chính là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới. Để khẳng định vị thế và vai trò của mình, các doanh nghiệp (DN) tư nhân thời hiện đại phải hội tụ các yếu tố cần và đủ thế nào, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã định vị rõ sứ mệnh của khu vực kinh tế tư nhân, khẳng định đây chính là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước thời kỳ mới. Nhận định này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược mà còn đặt ra yêu cầu rất cụ thể: Các DN tư nhân phải chứng minh được bản lĩnh, vai trò và trách nhiệm trong hành trình hội nhập và phát triển.

Để đảm đương sứ mệnh đó, trước hết, DN tư nhân cần vượt lên chính mình, chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh truyền thống sang quản trị hiện đại, chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Trong kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, trình độ quản trị, cùng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là những yêu cầu bắt buộc. DN tư nhân phải biết “đứng trên vai người khổng lồ”, biết học hỏi, liên kết, hợp tác để phát triển bền vững, không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Song song với đó, xây dựng văn hóa DN tử tế, nhân văn, lấy con người làm trung tâm, đề cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quyền lợi người lao động cũng là những trụ cột quan trọng. Một nền kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh không thể tách rời đạo đức kinh doanh và trách nhiệm công dân.

Cuối cùng, để thật sự trở thành lực lượng tiên phong, khu vực kinh tế tư nhân cần chủ động tham gia vào quá trình kiến tạo thể chế, cùng Đảng và Nhà nước xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, ổn định và thông thoáng. Chỉ khi quyền lợi và nghĩa vụ được bảo đảm công bằng, DN mới mạnh dạn đầu tư, đổi mới và vươn lên.

Vì sao DN tư nhân chưa thể bứt phá?

Sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chiến lược kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức. (Ảnh minh họa)

Sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chiến lược kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức. (Ảnh minh họa)

PV: Gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân vẫn đang có mặt "lép vế" so với khu vực FDI và DN Nhà nước khi ít được hỗ trợ hay ưu đãi về đất đai, thuế, công nghệ và quản trị... Theo PGS, đây có phải là hạn chế khiến DN tư nhân chưa dám bứt phá và cũng chưa đủ năng lực để cạnh tranh?

PGS.TS Ngô Trí Long: Vì sao DN tư nhân chưa thể bứt phá? Đây là một câu hỏi được cộng đồng rất quan tâm. Gần 40 năm kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Trong bức tranh chung ấy, khu vực kinh tế tư nhân - với vai trò là một trong ba trụ cột quan trọng bên cạnh khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN Nhà nước - đã có những bước tiến đáng kể, trở thành động lực ngày càng lớn của tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn, kinh tế tư nhân trong nước vẫn đang ở thế "lép vế", thua thiệt về nhiều mặt và chưa thực sự bứt phá, dù chiếm trên 40% GDP và tạo ra hơn 85% việc làm cho toàn xã hội.

Theo tôi, có thể khẳng định rằng: Sự thiếu hụt các chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng bộ và ổn định về đất đai, thuế khóa, tiếp cận vốn, công nghệ và quản trị hiện đại chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến DN tư nhân trong nước chưa thể bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhà nước cần giữ vai trò kiến tạo phát triển, thiết kế chính sách dài hạn

PV: Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá nhưng bền vững trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có các giải pháp gì, thưa PGS?

PGS.TS Ngô Trí Long: Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước bằng pháp luật, để thúc đẩy khu vực này phát triển đột phá nhưng bền vững, theo tôi, Việt Nam cần triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp chiến lược như sau:

Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng: Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định và minh bạch là điều kiện tiên quyết. Cần: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ rào cản pháp lý gây cản trở hoạt động kinh doanh của DN tư nhân. Bảo đảm tính dự báo của chính sách, hạn chế thay đổi đột ngột gây rủi ro cho nhà đầu tư. Tăng cường cơ chế giám sát độc lập và minh bạch hóa quá trình thực thi pháp luật.

Hai là, tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai và tài nguyên cho DN tư nhân: Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, là tiếp cận tín dụng và quỹ đất. Cần: Phát triển thị trường tài chính đa tầng, đa dạng hoá các kênh huy động vốn như quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán, ngân hàng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Rà soát, công khai, minh bạch quy hoạch đất đai, ưu tiên bố trí quỹ đất cho DN sản xuất - công nghiệp - đổi mới sáng tạo. Thiết lập cơ chế “một cửa” điện tử trong việc đăng ký và cấp phép sử dụng đất.

“Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá nhưng bền vững, phải có sự dẫn dắt mạnh mẽ về thể chế và chính sách từ Đảng và Nhà nước. Kết hợp giữa môi trường pháp lý minh bạch, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, cùng với vai trò điều tiết công bằng của Nhà nước pháp quyền - đó chính là nền tảng cho một khu vực tư nhân mạnh, có trách nhiệm xã hội và đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu”.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN tư nhân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và nâng cấp quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt khuyến khích hình thành các “doanh nghiệp đầu đàn” tư nhân có khả năng dẫn dắt chuỗi cung ứng. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với các viện nghiên cứu, trường đại học và DN FDI.

Bốn là, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc lớn mạnh, có đạo đức và bản lĩnh chính trị: Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước. Cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản trị DN, kết hợp giáo dục đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Hình thành mạng lưới hỗ trợ doanh nhân trẻ, DN nữ, DN khởi nghiệp sáng tạo.

Năm là, tăng cường vai trò dẫn dắt và định hướng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Nhà nước cần giữ vai trò kiến tạo phát triển, thiết kế chính sách dài hạn, ổn định và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của DN. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng thị trường. Thúc đẩy hình thành nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Giải pháp giúp các DN Việt Nam vượt qua “cú sốc” thuế đối ứng của Mỹ

Ngày 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra quyết định sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ và áp thuế đối ứng 10% trong giai đoạn này, có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên hiện nay, các DN xuất khẩu, đặc biệt là các DN tư nhân vẫn đang phải “nín thở” chờ kết quả đàm phán trong thời gian tới… Lời khuyên của ông dành cho các DN trong lúc phải đương đầu với những khó khăn, thách thức này?.

PGS.TS Ngô Trí Long: Đúng là trong thời gian này, các DN xuất khẩu vẫn đang phải “nín thở” chờ kết quả đàm phán trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn thuế trong 90 ngày có thể mang lại một "khoảng thở". Vì vậy, các DN cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế.

Kế hoạch ngắn hạn: Ứng phó linh hoạt và tranh thủ cơ hội. Trong 90 ngày hoãn thuế cần tăng tốc sản xuất và xuất khẩu; Tận dụng thời gian miễn thuế để đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ, tối ưu hóa chi phí và doanh thu; Bên cạnh đó phải đàm phán với đối tác Mỹ: Ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế; Ngoài ra, là tối ưu logistics và chuỗi cung ứng. Tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn trong giao nhận; Đồng thời, đánh giá rủi ro chính sách, thành lập nhóm theo dõi tình hình đàm phán Mỹ - Trung hoặc Mỹ - các nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược.

Kế hoạch dài hạn: Đa dạng hóa và thích ứng bền vững. Do môi trường thương mại Mỹ có thể biến động thất thường, vì thế cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang EU, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản...; Chuyển hướng đầu tư sản xuất bằng cách xem xét đầu tư, đặt nhà máy tại các quốc gia có hiệp định thương mại với Mỹ để tránh thuế; Cần quan tâm đến tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu; Tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá; Các vấn đề khác như: Xây dựng năng lực pháp lý và dự báo chính sách bằng việc đào tạo đội ngũ chuyên theo dõi, phân tích chính sách thương mại quốc tế và chủ động tư vấn điều chỉnh chiến lược; Tăng cường năng lực nội tại khi đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng cần được quan tâm một cách cụ thể, bài bản.

Trong bối cảnh đầy biến động này, sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chiến lược kinh doanh sẽ giúp các DN Việt Nam vượt qua thách thức, duy trì và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

Đọc thêm