Lỗ chỏng vó...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh này chỉ còn khoảng 30ha, với 11 doanh nghiệp (DN) tham gia nuôi trực tiếp, quá nửa số DN đã phải bỏ cuộc, sản lượng liên tục giảm mạnh.
Nhiều DN tiên phong nuôi cá nước lạnh từ năm 2007 hiện tại đã phải “tháo chạy” hoặc chỉ nuôi cầm chừng như Công ty Cổ phần Giang Ly, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương), Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt).
Một DN khác là Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, tham gia nuôi cá nước lạnh từ năm 2007, đến nay công ty này đang có 8ha diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh tập trung tại huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, hiện DN chỉ dành 3ha là nuôi cá tầm, 5ha còn lại đành bỏ hoang.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cũng xác nhận, diện tích nuôi cá tầm đang giảm mạnh, còn cá hồi thì hầu như không còn DN nào dám nuôi thương phẩm vì càng làm càng lâm vào thua lỗ nặng.
Thực tế cho thấy suốt năm 2014, Lâm Đồng phấn đấu mãi cũng chỉ đạt sản lượng 550 tấn cá nước lạnh trong khi theo quy hoạch, đến năm 2015 này Lâm Đồng phải đạt sản lượng cá nước lạnh 1.500 tấn (gồm 500 tấn cá hồi và 1.000 tấn cá tầm).
Phá sản vì cá lậu?
Một thống kê cho thấy, nếu sản lượng cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) cả nước đạt 800 tấn thì Lâm Đồng đã chiếm hơn một nửa, nhu cầu giống cá tầm trung bình cả nước hàng năm là 600 ngàn con thì Lâm Đồng cũng chiếm trên 80%.
Trong khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III còn đang loay hoay xin ý kiến để xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về giống cá nước lạnh, Tổng cục Thủy sản cũng đang giao cho Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng quy hoạch phát triển cá nước lạnh trong phạm vi cả nước thì Lâm Đồng với tiềm năng của mình đã đi trước một bước, tự xây dựng cho mình một quy hoạch, một quy trình nuôi cá tầm ở địa phương.
Với điều kiện trời cho như thế, đáng ra Lâm Đồng có tiềm năng trở thành trung tâm nuôi cá nước lạnh lớn nhất cả nước, nhưng việc sản xuất, mua bán, quản lý giống cá tầm, cá hồi ở địa phương này không tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Bộ NN&PTNT, Công ước CITES, và việc buông lỏng quản lý kiểm soát nguồn giống đã gây ra những hậu quả như hiện nay.
Trong loạt bài điều tra của PLVN vào khoảng tầm này năm ngoái, chúng tôi đã cảnh báo những nguy cơ mà thực tế hiện này ngành thủy sản nước lạnh tỉnh này sẽ vấp phải, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn giống. Bởi giống là khâu quan trọng có tác động ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi đối với người chăn nuôi.
Thế nhưng 500 ngàn con cá tầm giống không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhưng Công ty CP Cá tầm Việt Nam vẫn qua mặt được cơ quan chức năng địa phương để cho rằng họ nhân tạo thành công rồi cung ứng tràn lan trên thị trường khu vực phía Nam.
Thậm chí, cá hồi, cá tầm lại thuộc giống động vật ngoại lai, quy trình quản lý đối với giống động vật ngoại lai được quy định rất nghiêm ngặt, nhưng lợi dụng sự buông lỏng quản lý, thậm chí “bảo kê” của một số cơ quan chức năng, một số đối tượng đã nhập lậu trứng cá tầm giống đủ chủng loại từ Đông Âu về Việt Nam tiêu thụ một cách rất dễ dàng với giá 6.000 USD/kg.
Việc hàng loạt DN nuôi cá nước lạnh bỏ cuộc cho thấy ngành thủy sản Lâm Đồng ngay từ đầu đã “xây nhà từ nóc”. Như vậy, mục tiêu theo quy hoạch của Lâm Đồng đề ra đang dần trở thành con số xa vời. Và mục tiêu 3.000 tấn vào năm 2020 có thể là con số viển vông. Vì thế, Dự án cá nước lạnh của của tỉnh này rất có thể sẽ bị phá sản?
Đánh mất lợi thế trời cho
“Với vị trí địa lý và thời tiết cực kỳ thuận lợi, đáng ra Lâm Đồng phải trở thành một trung tâm nuôi cá nước lạnh lớn nhất cả nước, nhưng việc sản xuất, mua bán, quản lý giống cá tầm, cá hồi ở địa phương này không tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Bộ NN&PTNT, Công ước CITES cộng với việc buông lỏng quản lý, kiểm soát nguồn giống nên đã gây ra những hậu quả như hiện nay”.