Thời gian vừa qua, truyền thông đề cập đến câu chuyện một nhà hàng ở Phan Thiết đã từ chối bán hàng cho người Việt. Cư dân nổi giận, xã hội ồn ào khi câu chuyện đó diễn ra ngay trên đất nước, nhằm vào chính đồng bào mình. Trong “đám mây” giận giữ đó, chúng ta quên bẵng đi rằng bấy lâu nay, sự kì thị với khách du lịch Việt từng chứng kiến là sự thật đau lòng cảm nhận. Tại sao lại có những cơ sự đó? Phải chăng vì người Việt xấu?
Một nhà hàng không tiếp khách Việt |
Gieo hành vi
Một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chuyên đưa khách đi nước ngoài có lần ngồi với tôi, thốt lên rằng: “Đưa khách mình đi nhàn nhưng cực!” Tò mò tôi gặng hỏi, thì được biết, nhàn là chỉ cần đưa họ đến địa điểm tham quan, nhắc địa điểm tập trung rồi canh chừng, chứ ít phải trả lời câu hỏi về những điểm tham quan cần tìm hiểu.
Còn cực thì vô vàn, lên xe thì lo đếm tìm người về muộn vì vui chơi, mua bán, xuống xe thì nhắc nhở khách tuân thủ nội quy nơi thăm quan, ở khách sạn, khi làm thủ tục rời khỏi, thỉnh thoảng lại thấy quản lý khách sạn gọi lại đề nghị hỏi khách xem ai “cầm nhầm” khăn tắm, guốc dép về... Quan tâm, nhắc nhở du khách từng chi tiết nhỏ vậy mà khách Việt vẫn luôn mắc lỗi.
Bản thân người viết, trong những lần đi ra nước ngoài cũng chứng kiến bao câu chuyện dở khóc, dở cười về cái thói quen thiếu ý thức nơi công cộng của nhiều người Việt. Có lần ra sân bay Nội Bài, trong đám đông khách quốc tế kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ tới lượt kiểm tra, bỗng nhiên xuất hiện mấy người Việt từ đâu đó chạy đến đứng chen ngang ngay sát chỗ quầy “check in”.
Mặc đám đông khó chịu, phản đối, mấy người đó tỏ vẻ điếc cho đến khi một ông Tây dáng vẻ to lớn đùng đùng nổi giận ra kéo bằng được đám người đó về đúng vị trí. Mấy người trong đoàn chúng tôi đi, dù không ai nói ra, nhưng đều cảm thấy mặt mình nóng bừng vì xấu hổ thay cho những con người kia.
Lần khác, đến Thái Lan du lịch, dù anh hướng dẫn viên đã nhắc nhở đoàn trước khi vào nhà hàng để ăn buffet là phải ăn hết, không được để thừa, mang về. Vậy mà, khi vào chứng kiến tấm bảng viết dòng chữ tiếng Việt nhắc nhở du khách không được để thừa đồ ăn, khiến cho mồm miệng tôi đắng ngét, sự chờ đợi háo hức thú vị thưởng thức món ăn ngon chẳng còn gì trong lòng.
Ăn chơi đã vậy, ngay chuyện mua hàng để làm giàu cho đất nước người ta, mà cũng có biết bao chuyện để nói. Đó là những cách mua hàng “rất đặc biệt” của người Việt như bới tung đống hàng được bày biện rất công phu để chọn cho được một món đồ (dù chúng chẳng hề có sự khác biệt nào cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả); là sự chen lấn nơi quầy tính tiền… Sau tất cả những câu chuyện đó, là cái nhìn không thiện cảm mà những người bán hàng, dù họ biết rằng khách Việt thường rất “xộp”.
Gặt thói quen
Ở trong nước, cũng chẳng khó khăn gì để tìm thấy thói xấu của người mình hiển hiện mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày. Nơi công cộng, rác ngập… ngoài thùng, trong khi đó thùng đứng ngay cạnh thì trống rỗng. Điểm thăm quan văn hóa, chùa chiền, miếu mạo, trông cảnh thi nhau vượt rào sờ đầu rùa, nhét tiền vào tượng Phật mà rầu lòng.
Đã thế, việc nói xấu, chê bai, ghen tức, tâm lý ganh đua, tị hiềm tồn tại trong tâm thức không ít người. Bạn tôi có lần khẳng định rằng, chỉ cần nhìn bất cứ căn nhà nào trên phố là có thể đoán được căn nhà nào xây trước, căn nhà nào xây sau. Sao tài thế? Đợi mọi người sôi nổi đoán mãi, bạn thủng thẳng nói chỉ cần để ý sẽ thấy căn nhà nào xây sau sẽ cao hơn dù chỉ hàng gạch, nhô thêm dù chỉ 5 phân là đoán trúng liền.
Điều đáng lo ngại nhất là những thói quen xấu đó nhiều đến mức mà trong cuộc sống bây giờ, nhiều người coi đó là sự… hiển nhiên (!) rồi dần dần biến không ít người cũng hòa tan mình vào trong vòng xoáy của các thói quen ứng xử thiếu văn minh đó.
Sơn Bình