Phải có quyết tâm chính trị để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(PLVN) - Người dân mong đợi ở quyết tâm chính trị trong hành động của các cơ quan công quyền để đưa tâm niệm suốt đời của Bác và quan niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Nhà nước pháp quyền sẽ ngày một thấm sâu trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước.
Hình minh họa

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan niệm xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng có một nội dung quan trọng là không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Chúng ta nhận thức rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. 

 TS Dương Thị Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)

Từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số cảm nghĩ của mình về tư tưởng pháp quyền, dân chủ. 

Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân xuất phát từ tư tưởng Pháp quyền Dân chủ của Hồ Chí Minh được đặt ra cách đây hơn 100 năm trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” (năm 1919). Với Hồ Chí Minh, thần linh pháp quyền không mơ hồ, xa xôi mà gắn liền với việc “sắp đặt một nền hiến pháp, về phương diện chính trị và xã hội, theo những lý tưởng dân quyền”. 

Chỉ 14 tháng sau ngày thành lập nước, vào ngày 09/11/1946, Quốc hội lập hiến được bầu lên bằng Tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín, đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân. Hiến pháp 1946, đúng như lời cam kết và tâm niệm của Hồ Chí Minh, được xây dựng dựa trên những nguyên tắc:

“Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Nhân dân là chủ thể giám sát, kiểm soát việc thi hành đúng đắn trách nhiệm hiến định của các đại biểu, các cơ quan công quyền do mình lập nên và ủy thác thực thi quyền lực. Mọi tổ chức và hoạt động của các thiết chế quyền lực đều đặt dưới Hiến pháp, phải tuân thủ Hiến pháp do nhân dân phúc quyết; các vi phạm trách nhiệm hiến định của cơ quan công quyền phải có cơ chế kiểm soát (giám sát của nhân dân, giám sát giữa các cơ quan nhà nước…) với các chế tài chính trị - pháp lý tương ứng được quy định ngay tại Hiến pháp - nền móng đầu tiên của cơ chế bảo hiến theo tinh thần pháp quyền dân chủ. 

Trải qua hơn nửa thế kỷ nhận thức ngày càng sâu sắc về tính tất yếu khách quan của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội mới của đất nước đang hội nhập quốc tế, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 có thể coi là những bước tiếp nối hành trình hiện thực hóa tinh thần pháp quyền dân chủ của Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị của Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, hành trình đó còn nhiều cam go, thách thức. 

Với Hiến pháp năm 2013, nhân dân là chủ thể của nhân quyền, dân quyền mà Nhà nước có trách nhiệm hiến định là phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (Điều 14). Quyền dân chủ trực tiếp của công dân được tôn trọng, lần đầu tiên kể từ sau Hiến pháp 1946, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được tái quy định mặc dù việc trưng cầu đó còn phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội (khoản 4 Điều 120).

Nguyên tắc phân công và kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các thiết chế thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” (khoản 1 Điều 119). 

Tuy nhiên, cho đến nay, các hành vi vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của các cơ công quyền vẫn chưa được nhận diện đầy đủ. “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” theo khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 mới chỉ dừng ở các cơ chế mang tính phòng ngừa, cảnh báo vi phạm Hiến pháp đối với hoạt động của các cơ quan công quyền theo cách thức phân tán, chưa hiệu quả, đặc biệt là khoảng trống về giám sát, kiểm soát từ phía nhân dân đối với tính hợp hiến trong hoạt động của các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Thực tế, một số quyền cơ bản của công dân tuy đã được công nhận từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 (như quyền lập hội, quyền biểu tình...) nhưng do chưa có luật cụ thể hóa cho nên việc thực hiện các quyền hiến định đó của công dân kém an toàn và việc can thiệp từ phía các cơ quan công quyền cũng trở nên nhiều rủi ro hơn về mặt pháp lý do có nguy cơ vi phạm nguyên tắc hiến định về hạn chế quyền con người, quyền công dân (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Trong bối cảnh pháp lý chưa đủ minh bạch đó, việc thiết lập và vận hành cơ chế tài phán về vi phạm Hiến pháp ngày càng trở nên cấp bách. 

Với phương châm hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, người dân mong đợi ở quyết tâm chính trị trong hành động của các cơ quan công quyền để đưa tâm niệm suốt đời của Bác về “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” và quan niệm một trong những nội dung xây dựng xã hội XHCN của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, sẽ ngày một thấm sâu trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, để tuyên ngôn trong Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trở thành hành động mang tính cộng đồng trách nhiệm của cả Nhà nước, xã hội và mỗi người dân. 

Đọc thêm