Phải làm thế nào khi xe bị bó phanh?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bó phanh ô tô là một trong những sự cố thường xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho tài xế khi lưu thông trên đường.
Bó phanh có thể gây nguy hiểm cho tài xế khi lưu thông trên đường.
Bó phanh có thể gây nguy hiểm cho tài xế khi lưu thông trên đường.

Phanh bó cứng được hiểu đơn giản là khi tài xế có thể đạp phanh ô tô, nhưng không thể nhả phanh ra như bình thường. Tình huống này đặc biệt nghiêm trọng khi xe đang di chuyển trên đường.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, không phải lúc nào bó phanh cũng đồng nghĩa với việc phanh xe ô tô bị kẹt, dẫn đến hiện tượng bó cứng toàn bộ bánh xe.

Theo định nghĩa, thuật ngữ “bó phanh” được sử dụng để mô tả bất kỳ tình huống nào, trong đó phanh xe ô tô không thể trở về vị trí “nghỉ” sau khi đạp.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây bó phanh và cách xử lý đối với các tài xế khi gặp phải tình huống này:

Mòn má phanh: Má phanh bị mòn quá mức dẫn đến đĩa phanh bị mòn, pít tông phanh bị đẩy quá giới hạn. Tài xế gặp tính huống này nên tháo bánh, cụm phanh, đẩy pít tông về vị trí cũ và mang đến trung tâm sửa chữa.

Má phanh nở do ngấm nước: Nước lọt vào hệ thống phanh khiến má phanh nở ra, làm giảm hiệu suất đạp phanh. Khi đó, các tài xế nên làm khô má phanh và tránh kéo phanh tay ngay sau khi đi qua đoạn đường ngập nước.

Đĩa phanh bị biến dạng: Dưới nhiều tác động ngoại cảnh khác nhau, đĩa phanh bị biến dạng , không quay tròn đều mà có hiện tượng đảo khiến má phanh luôn kẹt chặt vào đĩa phanh. Khi gặp tình huống này, các tài xế nên tạm thời tháo má phanh bị bó ra cho đến khi được sửa chữa hoàn toàn.

Bàn đạp phanh nhỏ: Nhiều thợ sửa xe thiếu kinh nghiệm điều chỉnh biên độ bàn đạp phanh không đúng cách khiến má phanh kẹt chặt. Đối với tình huống này, các tài xế nên đưa xe đến gara uy tín để kiểm tra và xử lý triệt để., tránh gặp nguy hiểm khi di chuyển trên đường.

Ắc suốt phanh bị gỉ sét: Nếu ắc suốt phanh bị gỉ sét, không thể quay về vị trí ban đầu, dẫn đến bó phanh. Cách khắc phục là tháo ắc suốt ra vệ sinh, tra dầu mỡ để bôi trơn, kiểm tra và thay thế gioăng cao su nếu cần.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như hỏng lò xo hồi vị má phanh, hỏng xy-lanh tổng phanh cũng có thể gây bó phanh. Các nguyên nhân như sử dụng dầu phanh không phù hợp; các thành phần hệ thống phanh bị quá nhiệt…, cũng dẫn đến bị bó phanh.

Trong các trường hợp này, việc kiểm tra và sửa chữa tại các gara uy tín là cần thiết.

Nếu các tài xế đang di chuyển trên đường mà bị bó cứng phanh thì phải giữ vững bình tĩnh, tỉnh táo, không nên hoảng sợ. Ngay sau đó, hãy quan sát xung quanh và tìm 1 vị trí trống để dừng xe. Khi đã dừng được xe, các tài xế hãy cẩn thận thoát khỏi xe và nhanh chóng gọi cứu hộ đưa xe đi sửa chữa.