Xây niềm tin từ việc 'nói và làm'...

(PLO) - Bác Hồ từng nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin, nói và làm cho nhất quán. Ngày nay, trong công cuôc đấu tranh phòng chống ̣ tham nhũng thì“khi đã được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp, vì mất lòng dân là mất tất cả”. Trong kiến tạo, điều hành đất nước phải xây dựng lòng tin trong nhân dân về một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ” để từ đó phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc... Đây cũng là những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong năm qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm

Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đấu tranh PCTN hiện nay đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. 

“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - Tổng Bí thư nói, đồng thời khẳng định, sắp tới, công tác đấu tranh PCTN phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào. 

Năm 2017, rất nhiều cán bộ cấp cao của Đảng đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó cho thấy cuộc đấu tranh PCTN mà Đảng phát động không có “vùng cấm”, “vùng nể”; nói như Tổng Bí thư: “Trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”. Và, khi đã được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp, vì mất lòng dân là mất tất cả. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng ta cũng cho rằng, công cuộc PCTN còn nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đấu tranh là để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Khi xử lý thì phải nhìn về tương lai, xem hướng phát triển chứ không phải “đánh một đòn chết luôn”; phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đề cập đến việc vừa qua có ý kiến đánh giá công cuộc chống tham nhũng “trên nóng, dưới lạnh”, Tổng Bí thư khẳng định, thực tế hiện dưới đang nóng dần lên, một số nơi đang làm và phải làm. Muốn thế, tất cả phải đồng lòng nhất trí, lò đã nóng lên, không ai có thể đứng ngoài cuộc… Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm. Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, đồng lòng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Năm qua, nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trong đó có công tác đối ngoại, hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, yêu hòa bình và đang hội nhập mạnh mẽ đã được thế giới đánh giá cao - mà sự kiện nổi bật nhất là Năm APEC 2017. 

“Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Chúng ta cũng đã phát huy bản lĩnh đối ngoại và sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam, thể hiện vai trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hoà khác biệt, thúc đẩy điểm đồng giữa các thành viên để bảo đảm thành công của các sự kiện”-Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.

Theo Chủ tịch nước, thành công đó đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. 

“Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào cả nước phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước”- Chủ tịch nước tin tưởng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhân dân

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 đã khép lại hơn một tháng nhưng vẫn còn đọng lại nhiều dấu ấn nổi bật. Tại Kỳ họp này, những báo cáo mật, những phiên thảo luận về hoạt động tư pháp hay tình hình thu - chi ngân sách của cả nước đã được tranh luận cởi mở, dân chủ và thẳng thắn, qua đó giải tỏa mọi đồn đoán, băn khoăn trong dư luận bấy lâu. 

Có thể nói, những đổi mới trong cách thức thảo luận tại hội trường đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. 

“Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua các hoạt động chất vấn cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời cho thấy năng lực của đại biểu Quốc hội ngày càng được phát huy...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nhân lên niềm tin từ những hành động cụ thể

Xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ” là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra ngay sau khi ông nhậm chức. 

Mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng lòng tin trong nhân dân, trong hệ thống chính trị về hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể. 

Làm việc với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhắc nhở tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy công việc nhanh hơn, tốt hơn; không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con” với lý do… thể chế. 

“Thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý” — Thủ tướng kiên quyết. 

Và, trong tháng cuối cùng của năm 2017, điều này đã được người đứng đầu Chính phủ lưu ý một lần nữa khi ông cùng các bộ, ngành giải quyết “điểm nóng” BOT Cai Lậy: “Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa”. Từ đó, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí BOT tại điểm nóng này từ 1-2 tháng để xem xét các vấn đề liên quan. 

Đây chính là tinh thần làm việc của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì nhân dân. Nói chính xác hơn, khi niềm tin xã hội nói chung và trong giới doanh nghiệp nói riêng được củng cố thì trước hết là do những hành động “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu Chính phủ.

Đọc thêm