Phải hình thành “tình cảm” pháp luật
Để đánh giá hiệu quả PBGDPL thì tiêu chí quan trọng và cơ bản nhất cần xác định là kết quả thực tế đạt được do tác động của PBGDPL. Kết quả này rất đa dạng và khó đánh giá vì căn cứ vào trạng thái ý thức PL và hành vi của các chủ thể PL khi chưa tiến hành công tác PBGDPL và những biến đổi về ý thức PL và hành vi của các chủ thể PL sau khi tiến hành PBGDPL.
Có thể nói, hiệu quả của PBGDPL được “đánh cược” vào vấn đề xây dựng được mục đích và tình cảm của người dân với việc thực hiện PL. GS.TS.Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội) nhận định, hiệu quả của PBGDPL được thể hiện ở kết quả cuối cùng là hình thành văn hóa PL trong đời sống xã hội.
Điều đó có nghĩa là các qui định PL đã “đi vào cuộc sống”, trở thành hành vi hợp pháp của các chủ thể PL. Chính vì vây, PBGDPL là một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng đảm bảo hiệu quả của thực hiện PL nói chung, thi hành PL của các cơ quan nhà nước nói riêng.
Nhưng nếu chỉ dựa vào kết quả “đầu ra” là việc người dân tuân thủ, nhận thức về quyền, tự do, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân và người có liên quan để đánh giá hiệu quả PBGDPL là “oan” cho công tác này. Hiện nay, thời gian và đầu tư tài chính vào công tác PBGDPL “còn thấp so với yêu cầu để PL có thể “thấm” vào ý thức, truyền từ thế hệ nọ truyền sang thế hệ kia, tạo được “lợi ích kép”.
Nên GS.Hoàng Kim Quế nhấn mạnh, đánh giá hiệu quả PBGDPL phải tính từ “đầu vào” là các văn bản qui phạm pháp luật và cả quá trình thực hiện, đầu tư, đội ngũ, hệ thống phụ trợ… Còn theo TS.Nguyễn Minh Đoan (ĐH Luật Hà Nội), sự tương quan giữa chi phí đầu tư về vật chất, thời gian, công sức… và kết quả đạt được chính là biểu hiện rõ nhất của hiệu quả, cũng như tính cần thiết của hoạt động PBGDPL.
Xuất phát từ văn bản pháp luật
Hiệu quả xã hội của PBGDPL cơ bản phụ thuộc và tương xứng với hiệu quả xã hội của bản thân các qui định PL cần được PBGD cho các đối tượng xã hội nhất định. PBGDPL chỉ thực sự có hiệu quả khi bản thân các qui định PL được PBGDPL phải phù hợp với cuộc sống. Thực tế, không ít trường hợp, việc thực hiện các qui định PL không mang lại lợi ích xã hội nào, thậm chí còn có thể gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và xã hội.
Việc tăng cường dân chủ, mở rộng sự tham gia của người dân vào các hoạt động lập, hành, tư pháp sẽ nâng cao trách nhiệm của mỗi người. Trên cơ sở tính chủ động, tích cực của công dân tham gia góp ý kiến xây dựng PL, quản lý nhà nước, đấu tranh chống vi phạm PL, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục PL... phần nào phản ánh tính tích cực trong nhận thức và ý thức của quần chúng nhân dân đối với hệ thống chính sách, PL của Nhà nước.
Đồng thời, qua hoạt động này sẽ giúp cho nhân dân nâng cao ý thức PL vì thái độ chấp hành hay không chấp hành của người dân đối với PL là kết quả của sự am hiểu PL vì “một khi người dân có thái độ đúng đắn đối với PL thì việc vận động họ chấp hành PL sẽ trở nên dễ dàng hơn”. Vì thế, theo TS.Đặng Vũ Huân (Tạp chí Dân chủ&PL – Bộ Tư pháp), PBGDPL “góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi PL”.
Huy Anh