Phải xử lý nghiêm minh nạn bạo hành trẻ em

Bạo hành trẻ em đang là một vấn nạn, nhất là qua vụ việc của cậu bé Hào anh. theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên, công ty luật hợp danh hồng Bách và cộng sự đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cần phải xử lý thật nghiêm minh.

Phải xử lý nghiêm minh nạn bạo hành trẻ em ảnh 1

 Bạo hành trẻ em đang là một vấn nạn, nhất là qua vụ việc của cậu bé Hào anh. Về việc xử lý chủ trại tôm, theo tôi, hành vi của chủ vợ chồng Giang - Thơm đã phạm hai tội là Tội cố ý gây thương tích (Điều 104 – Bộ luật hình sự) và Tội hành hạ người khác với rất nhiều tình tiết tăng nặng định khung theo quy định tại khoản 1 điều 48 như: Phạm tội với trẻ em, dung hung khí nguy hiểm, phạm tội nhiều lần với cùng một người…, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với bé Hào Anh về cả thể xác và tinh thần, thể hiện bản chất dã man, tàn bạo và phi nhân tính, gây bức xúc cực lớn trong dư luận xã hội. Do đó, vợ chồng Giang - Thơm không những phải bị xử lý nghiêm minh, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm, tàn bạo của hành vi phạm tội mà còn phải đủ sức răn đe, giáo dục đúng với bản chất của hình phạt luật định, đáp ứng được đòi hỏi của dư luận xã hội.

Ngoài tính pháp lý và những người có hành vi phạm tội, quanh vụ việc này, có nhiều người rất đáng trách

Mẹ cháu Hào Anh cũng là người phụ nữ có số phận không may mắn, nhiều chắc trở. Tuy nhiên, cũng là người rất đáng trách, đã không quan tâm, chăm sóc con đúng mức, khiến cho cháu Hào Anh bị đối xử tàn bạo trong một thời gian dài như vậy. 

Cha cháu Hào Anh cũng là người có lỗi rất lớn khi đã không thực hiện nghĩa vụ của một người cha, thậm chí là không gặp con kể từ khi anh em cháu Hào Anh được sinh ra đến khi xảy ra vụ việc. Hy vọng rằng, sau vụ việc đau lòng này, bố mẹ cháu Hào Anh và tất cả chúng ta, nhất là những người đang sao nhãng việc chăm sóc, nuôi dạy con sẽ rút ra được bài học sâu sắc cho mình, tránh những sự việc đáng tiếc tương tự. 

Còn đi tìm nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, về mặt pháp luật, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh liên quan đến việc bảo vệ các quyền của trẻ em như: Luật Hôn nhân và gia đình, luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, chúng ta cũng là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, những vụ bạo hành đối với trẻ em vẫn diễn ra, theo tôi có những nguyên nhân chính sau đây:

Công tác tuyên truyền, giáo dục về các quyền của trẻ em, về các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em chưa thật sự hiệu quả; Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù, đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ các quyền của trẻ em nhiều nơi còn chưa tốt; Chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nhiều nơi còn thiếu quan tâm, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; Pháp luật chưa phân định một cách rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đoàn thể có liên quan; Nhiều gia đình do hoàn cảnh khó khăn hoặc quá mải mê với cuộc sống mưu sinh mà sao lãng, không quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc, nuôi dạy con. Do đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em đã không được thực hiện đầy đủ và hiệu quả trong thực tế. 

Và để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, quy định rõ hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội’; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách, nhất là ở cấp cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các quyền của trẻ em. 

Cùng với đó, chúng ta phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, có những cơ chế, biện pháp khuyến khích họ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ các quyền của trẻ em như: Khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm quyền trẻ em; đưa các nội dung về quyền trẻ em vào giáo dục tại các trường học, để chính các em biết cách tự bảo vệ mình khỏi các hành vi xâm hại. Đồng thời, bản thân các gia đình cũng phải quan tâm, chăm sóc và giáo dục con em mình, bảo vệ các em tránh khỏi các hành vi xâm hại.

                                                                                        Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Đọc thêm