Phạm nhân tố bị ép giao 700 triệu đồng cho Điều tra viên

Hẳn nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi, quy định nào của ngành công an cho phép ĐTV tiếp nhận và tạm giữ tiền của bị can khi số tiền này không liên quan đến vụ án, không phải là tiền thu giữ khi bắt bị can hay khi khám nhà bị can?. Tại sao ông Kiên không hướng dẫn chị Thơm đưa thẳng tiền mua nhà cho chồng hoặc con chị Yến mà lại nhận giữ số tiền lớn như vậy của bị can?...

Đầu năm 2011, dư luận Nghệ An xôn xao trước việc Công an huyện Nam Đàn phá ổ mại dâm tại khách sạn An Phú Quý (thị trấn Nam Đàn), khởi tố 10 bị can về 8 tội danh khác nhau. Nhưng mới đây, khi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thì từ trại giam, phạm nhân Nguyễn Thị Yến (thụ án 19 năm tù về 3 tội danh) đã có đơn tố cáo việc mình bị cưỡng ép nộp 700 triệu đồng để Điều tra viên “tạm giữ” trong giai đoạn điều tra...

Bị can Nguyễn Thị Yến khi mới bị bắt tạm giam
Bị can Nguyễn Thị Yến khi mới bị bắt tạm giam

700 triệu “tạm giữ” trong 1 vụ án “tưởng tượng”

Người bị nêu đích danh trong đơn là Điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Đức Kiên - Đội phó Đội Điều tra, Công an huyện Nam Đàn, ĐTV chính của vụ án mại dâm tại Khách sạn An Phú Quý gần 2 năm trước. Chữ ký của ông Kiên được thể hiện trong “biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu” được lập vào hồi 17h ngày 7/4/2011 tại Công an huyện Nam Đàn mà “người nộp đồ vật” là bị can Nguyễn Thị Yến - lúc đó đang bị tạm giam tại Công an huyện Nam Đàn.

Trao đổi với PLVN, Đại úy Kiên thừa nhận có việc nhận 700 triệu đồng từ bị can Yến và cho hay “biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu nói trên không nằm trong hồ sơ vụ án chứa mại dâm mà nó nằm trong một hồ sơ của một vụ việc khác. Chúng tôi còn lưu giữ ở đây”.

Vậy “vụ việc khác” ở đây là vụ việc nào và ĐTV Kiên có được giao vụ việc này không mà đứng ra “tạm giữ” 700 triệu đồng của bị can?. Theo nội dung biên bản thì bị can Yến “có nguyện vọng nộp số tiền 700 triệu để CQĐT Công an huyện Nam Đàn trả lại cho những người mà tôi nhận tiền để đưa đi xuất khẩu lao động, đi du học nước ngoài nhưng không đi được theo hợp đồng đã ký kết và những người khác mà tôi đang còn nợ tiền của họ”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì thời điểm đó cũng như hiện nay, Công an huyện Nam Đàn không hề thụ lý, điều tra bất kỳ một vụ án nào gọi là “xuất khẩu lao động” hay “đi du học nước ngoài” có liên quan đến Nguyễn Thị Yến.

Với số tiền 700 triệu đồng thì càng không liên quan đến Công an huyện Nam Đàn, đến Đại úy Kiên nhưng ĐTV này vẫn lập biên bản với nội dung “biên bản này lập thành 4 bản, 1 bản giao cho bà Yến, một bản gửi VKSND huyện Nam Đàn, 1 bản giao cơ quan quản lý đồ vật, 1 bản đưa vào hồ sơ vụ án”. Không hiểu ông Kiên đã “đưa biên bản” vào hồ sơ vụ án hay chưa và VKSND huyện Nam Đàn không kiểm sát vụ án “tưởng tượng” này thì họ nhận biên bản để làm gì?.

Giao nộp tiền có tự nguyện?

Thời điểm giao nộp tiền trên đây, bị can Yến đã bị tạm giam hơn 3 tháng. Liệu ở trong trại giam thì bị can này lấy tiền ở đây ra để nộp cho ĐTV Kiên 700 triệu đồng?. Theo trình bày, lúc đó tuy là người giao nộp tiền nhưng bị can Yến không hề biết mặt mũi đồng tiền thế nào cả. Người mang 700 triệu lên giao nộp cho ĐTV Kiên là chị Lê Thị Thơm, người mua nhà của vợ chồng chị Yến.

“Trong buồng giam giữa mùa đông giá rét, tôi bị vứt hết chăn đắp. Mấy tháng liền tôi không được đánh răng, không được nhận đồ tiếp tế, bị suy nhược cơ thể, bị ức chế và khiếp sợ… ĐTV Kiên vào buồng giam, đe dọa, ép tôi bán nhà để đưa 700 triệu vào CQĐT. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi buộc phải ký tên vào biên bản nộp tiền đã được đánh máy sẵn”, phạm nhân Yến trình bày. 

Phủ nhận nội dung trên, Đại úy Kiên cho rằng, “chị Yến có nguyện vọng nộp tiền cho cơ quan công an chứ không ai ép buộc cả”. Có lẽ, chuyện “ép buộc” hay “tự nguyện” trên có lẽ phải chờ xác minh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn vào vị thế của ĐTV đang điều tra vụ án và vị thế của 1 bị can liệu có thể tin rằng bị can Yến hoàn toàn “tự nguyện”, nhất là khi bị can này có nhiều sự lựa chọn khác để cất giữ số tiền chứ không chỉ có cách duy nhất là phải “gửi công an”?.

Giả sử có chuyện bị can Yến tự nguyện “nhờ” công an giữ hộ 700 triệu đồng thì có thể thấy, ĐTV Kiên đã quá “nhiệt tình”, “hăng hái” khi công an đi làm thay chức năng của một ngân hàng, giúp bị can thực hiện việc chi, trả tiền như thể họ có “tài khoản” trong cơ quan công an vậy.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi, quy định nào của ngành công an cho phép ĐTV tiếp nhận và tạm giữ tiền của bị can khi số tiền này không liên quan đến vụ án, không phải là tiền thu giữ khi bắt bị can hay khi khám nhà bị can?. Tại sao ông Kiên không hướng dẫn chị Thơm đưa thẳng tiền mua nhà cho chồng hoặc con chị Yến mà lại nhận giữ số tiền lớn như vậy của bị can?.

Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Thơm (người mua nhà của vợ chồng chị Yến) cho hay, “tôi mua nhà của vợ chồng chị Yến, còn nợ 700 triệu đồng và chưa làm được thủ tục sang tên vì thiếu chữ ký của chị Yến. Lúc đó, anh Đông (chồng chị Yến) bảo phải mang 700 triệu còn thiếu lên nộp cho công an thì công an mới cho chị Yến ký vào giấy làm thủ tục sang tên nhà đất. Tôi nghĩ là mình đã trả hơn 2 tỷ mua nhà rồi mà không sang tên được thì nhà đất vẫn không phải của mình nên đã mang 700 triệu lên nộp cho anh Kiên. Ngay sau đó, anh Kiên cho chị Yến ra khỏi phòng giam, đưa lên phòng làm việc để ký vào giấy tờ sang tên nhà đất cho tôi”.

Như vậy, sự “tự nguyện” của bị can Yến cũng như sự “tự nguyện” của chị Thơm đã rõ phần nào. Nếu không giao nộp 700 triệu cho ĐTV Kiên, chị Thơm có lấy được chữ ký chị Yến để hoàn tất việc sang tên chính chủ?.

P.V.

Đọc thêm